Bài trừ hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa mới

Thôn Hà Lệt thuộc xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là nơi sinh sống của 137 hộ với 663 nhân khẩu người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Thời gian trước đây, nhiều tập tục lạc hậu đã tồn tại, ăn sâu trong tiềm thức của người dân đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, nâng cao dân trí là mục tiêu mà người dân thôn Hà Lệt đã và đang quyết tâm thực hiện để dựng xây bản làng phát triển.

Già làng Hồ Đối, ở bản Hà Lệt truyền dạy cho lớp trẻ cách đánh thanh la - một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Vân Kiều. Ảnh: Thành Phú

Già làng Hồ Đối, ở bản Hà Lệt truyền dạy cho lớp trẻ cách đánh thanh la - một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Vân Kiều. Ảnh: Thành Phú

Hủ tục đè nặng những kiếp người

Con đường bê tông khá đẹp chạy men theo sườn núi đưa chúng tôi đến với thôn Hà Lệt, những ngôi nhà sàn cao ráo, khang trang như ngầm nói với tôi, cuộc sống của bà con người dân tộc Vân Kiều nơi bản nhỏ này đã đổi thay, phát triển khác xa so với nhiều năm về trước. Thế nhưng, để có được cuộc sống như ngày hôm nay, họ đã phải đấu tranh, kiên quyết xóa bỏ những hủ tục lạc hậu đã từng đè nặng lên bao kiếp người.

Già làng Hồ Đối, 73 tuổi, kể cho tôi nghe: “Khi chưa thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bản còn nhiều tập tục lạc hậu, trong đó, những người bị tổn thương nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Nhiều trường hợp bị ép gả chồng từ lúc mới 9, 10 tuổi nên nhiều cháu gái không được đến trường. Khi chuyển dạ, phụ nữ phải ra lán ngoài rừng để sinh con một mình, có trường hợp, người chồng ra lán tìm thì cả mẹ và con đều đã chết. Nếu như người mẹ khi sinh không may bị chết thì đứa con cũng phải chôn sống theo người mẹ...”.

Cũng theo già Hồ Đối, mỗi khi nhà ai đó có người bị chết là phải mổ trâu, bò, lợn, gà để cúng. Người chết để mãi trong nhà nhiều ngày mới đem đi chôn. Những người bị đau ốm, bệnh tật, gia đình không đưa đến bệnh viện điều trị mà mời thầy mo về cúng...

Chuyện lấy vợ, lấy chồng ở thôn Hà Lệt cũng nhiều hủ tục nhiêu khê và là gánh nặng cho các gia đình nghèo. Người con trai, muốn lấy được vợ phải chuẩn bị 1 con trâu to, 2 con lợn, 2 nén bạc trắng, 2 chiếc nồi đồng to... đến “Bỏ của” cho nhà gái. Ngày tổ chức đem vợ về nhà, lại tiếp tục mổ trâu, mổ lợn, làm thịt gà, nấu rượu để cho cả bản và bạn bè đến ăn uống mấy ngày trời. Vì thế, không ít gia đình đã lâm vào cảnh khánh kiệt sau khi cưới vợ cho con.

Đổi thay nhờ xây dựng đời sống văn hóa mới

Nhận thấy những tập tục lạc hậu không còn phù hợp với nếp sống mới, trong thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã Tân Thành và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị đã thống nhất đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động người dân ở thôn Hà Lệt xóa bỏ hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa mới, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bà Trần Ngọc Bình, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Nói thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện đời sống văn hóa mới gặp muôn vàn khó khăn, bởi những tập tục, thói quen sinh hoạt lạc hậu đã tồn tại, ăn sâu vào nhận thức của bà con. Ban đầu, khi cán bộ đến truyên truyền, vận động bà con không đồng tình ủng hộ, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, thuyết phục với tích cực chăm lo đến đời sống của đồng bào nên dần dần, người dân đã nghe theo và thay đổi nhận thức”.

Một trong những thay đổi rõ nét nhất là việc người dân không còn mời thầy mo về cúng mà ốm đau đã đến cơ sở y tế để điều trị. Phụ nữ có thai biết đi khám sàng lọc, khi sinh đều đến trạm y tế để được các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh giúp đỡ. Việc tang ma đã thực hiện theo nếp sống mới, thời gian tổ chức tang lễ được thực hiện đúng quy định, thi hài người quá cố không được quàn quá 48 tiếng trong nhà.

Trước đây, chuyện kết hôn diễn ra tùy theo ý thức chủ quan của mỗi gia đình, miễn nhà trai nộp đủ lễ “Bỏ của” là nhà gái đồng ý cho rước dâu về. Các cặp vợ chồng không báo cáo cũng không đến UBND xã để đăng ký kết hôn. Chính vì thế, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xuyên xảy ra. Từ khi người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, việc cưới xin đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và không còn chuyện thách cưới hay tổ chức ăn uống linh đình. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã chấm dứt hoàn toàn.

Theo tập tục của người dân tộc Vân Kiều, ngoài việc phát rẫy, đàn ông hầu như chỉ đi chơi và tụ tập uống rượu..., các công việc còn lại trong gia đình đều do người vợ đảm nhiệm. Năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành đã thành lập Câu lạc bộ “Gia đình bình đẳng” thu hút nhiều thành viên tham gia, trong đó có cả nam giới. Từ khi tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ và thông qua việc tuyên truyền, vận động thì quan niệm “đàn bà phải phục vụ đàn ông” đã dần được xóa bỏ.

Trong đời sống hằng ngày, việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã giúp đồng bào tiếp cận nét văn hóa mới, tiến bộ trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt. Qua đó, nhận thức của phần lớn đồng bào đã được nâng lên, người dân dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất.

Nếu như 5 năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 85%, đến nay, bản Hà Lệt chỉ còn 33 hộ nghèo (chiếm 24,08%), 100% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, phù hợp với nếp sống mới, được bà con lưu giữ, bảo tồn và phát huy.

Những kết quả đạt được trong việc xóa bỏ các hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa mới chính là những bước tiến vững chắc trong xây dựng nông thôn mới và từng bước giúp bà con dân tộc Vân Kiều ở thôn Hà Lệt nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bai-tru-hu-tuc-de-xay-dung-doi-song-van-hoa-moi-post435074.html