Bài trí tiền sảnh nhà bạn đúng phong thủy

Dù theo kiểu nhà nào thì lối vào chính luôn giữ vai trò phong thủy quan trọng.

Không chỉ là nơi đón tiếp - tiễn đưa khách, đây còn là chỗ ngăn cản các tác nhân xấu (xung sát) từ bên ngoài cũng như làm một điểm nhấn nổi bật khí của mỗi ngôi nhà.

Không gian kinh doanh được thiết kế có sảnh đón tiếp tạo ấn tượng với chất liệu gỗ ấm áp

Khoảng đệm tương xứng

Cùng với cửa là chỗ nạp khí, tiền sảnh theo phong thủy phải tương xứng với quy mô của nhà. Biệt thự lớn mà tiền sảnh không có hoặc chật chội thì dễ bị tán khí. Nhưng căn hộ nhỏ mà chừa tiền sảnh rộng thì lãng phí diện tích, phạm một trong ngũ hư - 5 điều kỵ của phong thủy - đó là bất xứng bất toàn. Nhà cao, bề thế, có thể làm một tiền phòng, hoặc theo dạng hở dùng mái đón vươn ra, có bệ ngồi hoặc lan can để giới hạn phạm vi trường khí chuyển tiếp.

Với nhà ở có tính thương mại, văn phòng, tiền sảnh hầu như bắt buộc có, khá bề thế để tạo một khoảng đệm cho khách chờ và cả tiếp khách tại tiền sảnh. Còn trường hợp nhà phố nhỏ thì đây là khoảng để xe máy, giày dép, treo mũ nón, tiếp nối khu vực sinh hoạt bên trong...

Thế đất ở hẻm cụt trực diện, đường đâm xiên dạng khuỷu tay, nhà tại ngã ba… càng cần có "vùng đệm bảo vệ" như dạng lối vào có ngăn bằng vách nhẹ hay bình phong che chắn, tránh để gia chủ bước ra là chạm mặt ngay các tác động không tốt bên ngoài.

Tiền sảnh làm đầu mối giao thông cần bố trí thoáng đãng, màu sắc hài hòa với ngôi nhà - Ảnh: Song Nguyên

Bố trí tương sinh

Nên chú ý rằng tiền sảnh khác với dạng hành lang bao quanh nhà xưa, vì là nơi tiếp xúc đầu tiên với nội thất nên tiền sảnh mang yếu tố phòng hơn là hiên, nên bố trí theo kiểu tốt khoe xấu che để đảm bảo tính trang trọng tiện nghi, nổi bật, tạo ấn tượng tốt với khách đến nhà. Phong thủy hình thế khuyến cáo nên thiết kế tiền sảnh có hình dáng và màu sắc theo nguyên tắc Ngũ hành tương sinh để nâng cao sinh khí toàn nhà từ lối vào chính. Chẳng hạn, nhà có dáng vuông vức (thuộc hành Thổ) thì mái vào tiền sảnh nên dùng mái làm hình nhọn (hành Hỏa) hoặc mái hình chỏm cầu tròn (Kim) là hành tương sinh với Thổ. Hoặc nhà sơn màu xanh dương (thuộc hành Thủy) thì tiền sảnh - mái đón có thể sơn màu trắng (hành Kim) để Kim sinh Thủy.

Gặp trường hợp những nhà có lối vào bị xung sát bên ngoài như góc nhọn chiếu vào hoặc thế đất méo hình thang, tam giác (thuộc hành Hỏa), có thể đặt chậu cây, non bộ có nước (Thủy) tại lối vào để khắc bớt Hỏa lại. Trường hợp lối vào căn hộ có dạng dài (hành Mộc) có thể dùng các mảng gạch trang trí thô, điểm nhấn vuông (hành Thổ) để tạo hành tương khắc, giảm bớt cảm giác hun hút, đưa tính thiên nhiên vào nội thất nhiều hơn.

Tiền sảnh thích hợp với không gian nội thất nhà cổ điển vì có sự trang trọng và bề thế. Tuy nhiên, với nhà hiện đại, đơn giản, hoặc nhà có thiết kế kiểu thô mộc, vẫn có thể tạo khoảng sảnh đệm hợp lý và thẩm mỹ bằng chất liệu tận dụng, kết hợp tủ ngăn trang trí, để giày dép hoặc cây xanh, giúp cái nhìn đầu tiên vào nhà được chăm chút và tạo cá tính riêng cho nội thất.

KTS Hoài An

KTS Hoài An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/bai-tri-tien-sanh-nha-ban-dung-phong-thuy-906306.html