Bài toán xử lý rác thải ở châu Á

Xử lý rác thải đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với các quốc gia châu Á, khi rác thải nhựa xuất hiện tràn lan tại nhiều vùng biển của khu vực. Liên minh toàn cầu về các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á mới đây cảnh báo, châu Á hiện đứng trước nguy cơ trở thành 'bãi chứa' nhựa tái chế toàn cầu.

Thu nhặt rác tại vịnh Manila của Philippines. (Ảnh: Reuters)

Thu nhặt rác tại vịnh Manila của Philippines. (Ảnh: Reuters)

Xử lý rác thải đang trở thành một vấn đề nhức nhối đối với các quốc gia châu Á, khi rác thải nhựa xuất hiện tràn lan tại nhiều vùng biển của khu vực. Liên minh toàn cầu về các biện pháp thay thế đốt rác (GAIA) và tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á mới đây cảnh báo, châu Á hiện đứng trước nguy cơ trở thành “bãi chứa” nhựa tái chế toàn cầu.

Theo báo cáo mới đây của GAIA và tổ chức Hòa bình Xanh Ðông Á, lượng rác thải nhựa nhập khẩu vào các nước như Thái-lan, Malaysia… tăng mạnh trong khoảng thời gian từ giữa năm 2017 đến đầu năm 2018. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương thải ra khoảng 802 triệu tấn rác mỗi năm, chiếm 37% lượng rác thải trên thế giới. Các hoạt động chôn vùi, đốt rác một cách bất hợp pháp ngày càng gia tăng, từ đó dẫn đến sự ô nhiễm về nguồn nước, không khí, khiến mùa màng thất thu và đẩy các bệnh về hô hấp diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Kể từ sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa để bảo vệ môi trường, nhiều nhà tái chế lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất tới các quốc gia khác trong khu vực châu Á, nhất là Ðông - Nam Á, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường gia tăng tại đây. Các bãi biển được mệnh danh là "thiên đường du lịch" trong khu vực như Bô-ra-cay của Philippines hay vịnh May-a của Thái-lan từng phải tạm thời đóng cửa do tình trạng ô nhiễm ở mức đáng báo động. Những "núi rác" cũng là nguồn phát ra khí thải nhà kính. Cụ thể, bãi rác Ðê-ô-na ở thành phố Mumbai của Ấn Ðộ là nơi tập trung khí mê-tan, thường bắt lửa và gây cháy.

Trước tình hình này, nhiều quốc gia châu Á đã đưa ra các biện pháp hạn chế rác thải nhựa. Các sáng kiến được thúc đẩy, mang lại những hiệu quả nhất định. Philippines tiến hành chiến dịch "Hãy tự mang túi riêng" khi đi mua sắm ở siêu thị. Malaysia kêu gọi người dân giảm dần việc sử dụng hộp đựng thức ăn bằng nhựa, xúc tiến tái chế rác thải gia đình. Nhật Bản là một trong các quốc gia đi đầu ở khu vực về bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý hiệu quả rác thải. Tại "xứ sở hoa anh đào", các hộ gia đình được yêu cầu phải phân chia rác thành ba loại, gồm rác hữu cơ dễ phân hủy, rác không cháy được, rác khó tái chế nhưng cháy được. Các loại rác này được đựng riêng trong những túi có mầu sắc khác nhau và các hộ gia đình phải tự mang ra điểm tập kết rác của cụm dân cư. Việc quản lý rác thải công nghiệp ở quốc gia này cũng diễn ra rất chặt chẽ. Các cơ sở sản xuất phải tự chịu trách nhiệm về xử lý lượng rác thải theo quy định của pháp luật.

Mặc dù một số nước áp dụng tốt các mô hình xử lý rác thải, song đối với phần đông các quốc gia châu Á, xử lý rác thải vẫn là một bài toán khó, đòi hỏi nguồn lực tài chính tốt, công nghệ xử lý hiệu quả, tiên tiến. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu phải đầy đủ, toàn diện mới khiến việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch xử lý rác trở nên hiệu quả. Bản thân các cơ quan chức năng phải biết rõ số lượng chất thải được tạo ra, chúng ở dạng gì và vị trí phát sinh ở đâu. Một yếu tố không kém phần quan trọng là sự thay đổi về hành vi của mỗi người. Các công ty nên được khuyến khích thực hiện các giải pháp để hạn chế hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa trong chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng cần thay đổi quan điểm trong sinh hoạt, mua sắm. Việc dùng các đồ vật làm từ chất liệu nhựa sử dụng một lần sẽ làm gia tăng lượng rác thải nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống trong nhiều năm, đi ngược lại xu thế xanh và gây nguy hại cho chính sức khỏe con người.

Xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa, là vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tới tương lai của mọi quốc gia. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo rằng, nếu chúng ta không quyết liệt thay đổi tình trạng hiện tại, tới năm 2030 sẽ có thêm 104 triệu tấn nhựa có khả năng gây ô nhiễm các hệ sinh thái của trái đất. Bởi vậy, các quốc gia trên thế giới nói chung và châu Á nói riêng cần phối hợp chặt chẽ, chia sẻ các bài học kinh nghiệm về xử lý rác thải, đồng thời kêu gọi người dân chung tay hạn chế rác thải nhựa từ những hành động nhỏ nhất, vì một hành tinh xanh và tương lai nhân loại.

HOÀNG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/40400702-bai-toan-xu-ly-rac-thai-o-chau-a.html