Bài toán siêu tưởng về vịt, phụ huynh năn nỉ nộp tiền

Bài toán tìm số vịt trong một cuốn sách bài tập toán nâng cao lớp 3 đang khiến cư dân mạng cãi nhau chí chết.

: Bài toán “siêu tưởng” về tìm số vịt

Cuối tuần, mạng xã hội xôn xao vì một bài toán mà một phụ huynh đăng lên facebook để tìm kiếm sự giúp đỡ. Bài toán này như sau: “Một người nuôi 30 con vịt, vừa rồi người đó bán đi một số vịt. Hỏi người đó còn lại bao nhiêu con vịt?”. Đề bài yêu cầu học sinh đặt tính rồi tính.

Bài toán tính số vịt khiến không ít người hoang mang về cách ra đề ảo, "không tài nào hiểu nổi" của người biên soạn sách. Người thì cho rằng đây là dạng toán mẹo, chơi chữ ở cụm từ “một số vịt” chính là “vịt số 1”, suy ra người nuôi vịt chỉ bán đi 1 con vịt. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình, họ nói đùa rằng, có thể người ra đề là một… giáo viên văn, vì chỉ có giáo viên văn thì mới ra đề toán lơ mơ không cần đầy đủ dữ liệu để học sinh tính toán như vậy.

Một số người lạc quan thì cho rằng, đây là một bài toán thông minh vì nó thử thách trí tuệ của trẻ, cho các em hiểu rằng, không phải bài toán nào cũng cần đáp số. Các em sẽ phải tự suy luận ra điều này để trả lời cho thầy cô giáo biết quan điểm của mình.

Nhưng nói gì thì nói, việc một bài toán “siêu tưởng” như thế xuất hiện trong sách bài tập nâng cao cho học sinh lớp 3 cũng là một sự việc vô cùng khó hiểu. Chính các giáo viên cũng không biết giải bài toán này như thế nào khi dữ kiện mơ hồ đến mức siêu thực như thế.

“Thôi đừng đổi mới, đừng nâng cao gì nữa, cứ dậy cho bọn trẻ những kiến thức căn bản như các nước người ta vẫn dạy là được. Nâng cao kiểu này mệt óc quá”- một phụ huynh đề đạt ý kiến.

Một “chuyện lạ” khác nữa của ngành giáo dục cũng vừa được phát hiện vào dịp cuối tuần, đó là báo Dân trí cho biết: Nhiều phụ huynh trường THCS Phan Chu Trinh (xã Nam Yang, Đăk Đoa, Gia Lai) bức xúc sau khi con mình mang tờ “Giấy ủng hộ tiền” với nội dung “Tôi xin tự nguyện ủng hộ nhà trường số tiền… Kính mong trường nhận cho tôi số tiền trên".

Theo phản ánh của phụ huynh có con đang theo học tại trường THCS Phan Chu Trinh, khoảng 10 ngày trước, con họ mang về 1 tờ giấy đưa cho họ tên là “Giấy ủng hộ tiền”, và nói là giáo viên chủ nhiệm phát, yêu cầu phụ huynh điền tên và ký vào. Số tiền ghi trên giấy là 220.000 đồng/em.

Các phụ huynh bức xúc vì 2 lẽ, thứ nhất họ không biết nhà trường sử dụng số tiền 220.000 đồng thu của học sinh vào việc gì, thứ 2, họ bảo giấy ủng hộ tiền mà phụ huynh lại đóng vai trò “năn nỉ nhà trường nhận giùm tiền” của họ vậy.

Chính quyền xã cho biết, nhà trường đã thừa nhận tờ giấy này do trường phát về cho các phụ huynh, còn Phòng Giáo dục huyện thì nói tờ giấy này chẳng khác nào “lừa đảo” và sẽ yêu cầu nhà trường giải thích việc “phát hành” tờ giấy này.

Giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, cần thiết phải được “xã hội hóa”, có sự tham gia của phụ huynh học sinh để nâng cao điều kiện học hành và cơ sở vật chất cho con em học tập. Điều đó là một thực tế có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cách phát hành tờ giấy “ủng hộ tiền” rồi giao cho học sinh về nhà lấy chữ ký bố mẹ dưới hình thức “tự nguyện”, “mong nhà trường nhận giùm tiền” là một cách làm thiếu minh bạch, dễ gây bức xúc.

Trường THCS Phan Chu Trinh cần có những giải thích công khai với phụ huynh về lý do huy động số tiền đó, tránh để những chuyện “lời ra tiếng vào” ảnh hưởng đến uy tín nhà trường và môi trường giáo dục.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/bai-toan-sieu-tuong-ve-vit-phu-huynh-nan-ni-nop-tien-3322933/