Bài toán nước sinh hoạt của Đà Nẵng sẽ được xử lý như thế nào?

Chưa tới mùa hè nhưng mấy ngày qua, nước sông tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ đã lặp lại điệp khúc nhiễm mặn buộc Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phải bắt đầu vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn thành phố. Tại một số khu dân cư, người dân phải lắp máy bơm vì nước yếu không đủ đẩy lên bồn chứa phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Từ cuối năm nay, các nhà máy nước của Đà Nẵng có thể đạt công suất cấp nước ngọt 500.000m3/ngày đêm, đủ đáp ứng nhu cầu của toàn thành phố đến năm 2025.

Từ cuối năm nay, các nhà máy nước của Đà Nẵng có thể đạt công suất cấp nước ngọt 500.000m3/ngày đêm, đủ đáp ứng nhu cầu của toàn thành phố đến năm 2025.

Xuất hiện tình trạng nước yếu, dân thi nhau lắp máy bơm

Trong tuần đầu tiên sau Tết Nguyên đán, nước sông tại khu vực cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ (nơi cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố Đà Nẵng) đã xuất hiện đợt nhiễm mặn đầu tiên trước mùa hè 2021. Độ mặn cao nhất tính đến nay là 508mg/l, cao hơn ngưỡng an toàn cho phép là 208mg/l, tuy chưa phải là đột biến nhưng xuất hiện sớm hơn so với những năm trước đây, dự báo sự bất thường và nhiều khó khăn vào cao điểm mùa hè.

Cùng thời điểm này tại một số khu dân cư đã xuất hiện hiện tượng nước yếu trên các tuyến ống. Áp lực không đủ mạnh khiến nước không thể cấp lên bồn chứa để cung cấp cho sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là các ngôi nhà cao tầng. Chính vì vậy, người dân phải mua máy bơm về lắp ngay phía sau đồng hồ để bơm đẩy lên bồn vào những giờ cao điểm. Anh Hiếu (trú trên đường Nguyễn Hữu Thận, P. An Khê, Q. Thanh Khê) cho biết, ngay sau Tết có nhiều ngày phải hứng nước ở vòi dưới hiên nhà xách vào tắm rửa, sinh hoạt vì bồn đặt trên tầng thượng không có nước cấp lên. Máy giặt cũng để ở tầng 3 nên khô rang, tất cả sinh hoạt đều dùng nước xô sử dụng ở tầng trệt. “Để có nước, nhà tôi phải đi mua máy bơm thuê thợ về lắp ngay phía sau đồng hồ. Mỗi ngày phải bơm vài chục phút cho đầy bồn chứa trên tầng thượng. Ngày nào tắm giặt nhiều là phải bơm 2 lần”, anh Hiếu cho hay. Cùng cảnh ngộ, nhiều gia đình tại tổ 26, P. An Khê, Q. Thanh Khê (khu vực gần Nhà máy nước Sân bay), Khu gia đình quân nhân Nhà máy A32 cũng phải lần lượt tự đi mua máy bơm về lắp hoặc đặt mua qua các Cty điện máy với giá trung bình từ 1-1,6 triệu đồng để chủ động nước sinh hoạt trước thời điểm bước vào mùa hè.

Theo lý giải từ phía Dawaco, hiện tượng nước yếu tại một số khu dân cư ngay sau Tết là do đơn vị chủ động điều tiết hệ thống cấp nước nên giảm bơm, đồng nghĩa với áp lực giảm đi. Vì trong giai đoạn này nhu cầu thấp mà máy bơm vận hành nhiều thì sẽ tiêu hao năng lượng, tăng áp lực trong mạng, tăng nguy cơ xì vỡ ống. Đây cũng là phương án vận hành giữ áp lực phù hợp để đảm bảo cấp nước an toàn chứ không phải là sự cố. Ngoài ra thời điểm này là trùng vào lúc nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nên áp lực và lưu lượng tại nhà máy nước Cầu Đỏ nhiều lúc bị suy giảm hoặc khi đơn vị chủ quản thực hiện thao tác tuyến ống như đấu nối, súc xả theo từng khu vực cụ thể. Nước cấp tại một số địa hình cao sẽ chỉ có tại vòi tầng 1 mà không thể lên được trực tiếp tầng 2, 3. Dawaco phải khuyến cáo khách hàng có thể trang bị thêm bồn chứa nước để dự trữ nước trong thời gian sắp tới.

Công nhân vận hành hoạt động một công đoạn tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Xây dựng kịch bản khắc phục tình trạng nước thiếu và yếu

Tình trạng nước nhiễm mặn xuất hiện ngay sau Tết Nguyên đán khiến người dân Đà Nẵng lo lắng về điệp khúc thiếu nước đến hẹn lại lên.

Ông Hồ Minh Nam- Phó tổng Giám đốc Dawaco cho biết, đơn vị đã bắt đầu vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch trở lại từ ngày 15-2 để bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn thành phố. Hiện Dawaco đã cải tạo xong Trạm bơm phòng mặn An Trạch từ đầu năm 2021 với công suất cấp nước ngọt từ thượng lưu đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ được nâng lên từ 245.000-250.000m3/ngày, đủ năng lực cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Hiện tại, cụm xử lý giai đoạn 2 của Nhà máy nước Cầu Đỏ với công suất 60.000m3/ngày được khởi công vào tháng 6-2020 đang được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến hoàn thành vào quý II-2021 góp phần nâng tổng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ đạt 290.000m3/ngày đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch cho hơn 1 triệu dân thành phố Đà Nẵng đến năm 2025. Đặc biệt, từ cuối năm nay, Nhà máy nước Hòa Liên đi vào hoạt động sẽ chia sẻ áp lực cùng Nhà máy nước Cầu Đỏ và nâng tổng công suất lên 500.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho thành phố đến năm 2025. Cùng với việc hoàn thành các dự án trọng điểm, Dawaco cũng đang tiếp tục đầu tư hàng loạt tuyến ống trên khắp địa bàn thành phố để gia tăng cấp nước, đặc biệt là các khu dân cư cuối tuyến tại quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Trong thời gian này, nếu xuất hiện trường hợp nhiễm mặn thì trạm bơm An Trạch có thể tăng công suất bơm về bể lắng nhà máy nước Cầu Đỏ để đủ nước thô sản xuất cung cấp cho người dân. Nếu mặn đột biến thì Cty sẽ tiếp tục đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, ngăn nước biển xâm nhập sâu về phía thượng lưu. “Trong quý 2 đến cuối năm 2021, khi các dự án hoàn thành thì mạng lưới cấp nước sẽ kết nối đồng bộ, tùy theo mùa chúng tôi sẽ có các kịch bản vận hành phù hợp để chấm dứt những sự cố thiếu nước vào cao điểm mùa hè như lâu nay”, ông Nam cho biết.

CÔNG KHANH

Người dân cần có bể ngầm và máy bơm

Theo ông Hồ Minh Nam, qua kiểm tra những khu vực mà người dân phản ánh nước yếu và thiếu nước, Dawaco nhận thấy hầu hết các hộ dùng nước trực tiếp tại tầng 2-3, không có bể ngầm và máy bơm. “Chính vì vậy, khi lắp đặt đồng hồ nước mới cho các khách hàng, Dawaco đã có khuyến cáo nên xây dựng bể ngầm cho nước tự chảy vào và lắp đặt máy bơm đẩy nước lên bồn chứa để sử dụng, phòng ngừa những trường hợp do thiên tai, thiếu hụt nguồn nước”, ông Nam cho hay.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_239018_bai-toan-nuoc-sinh-hoat-cua-da-nang-se-duoc-xu-ly-.aspx