Bài toán nào giúp nâng cao chất lượng đào tạo đại học?

Hiện nay, sinh viên ra trường còn thiếu những kỹ năng thực tế, trình độ ngoại ngữ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc…nguyên nhân chủ yếu vẫn là do mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa được siết chặt.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp

Việt Nam là một quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ. Tuy nhiên trình độ tay nghề và năng suất lao động của người Việt Nam lại thuộc hàng thấp trong khu vực và trên thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năng suất lao động của người Việt nam chỉ bằng 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và Singapore gần 15 lần.

Nguyên nhân gây nên thực trạng nguồn nhân lực tại Việt Nam đang dần tụt hậu so với thế giới chính là do nền giáo dục hiện tại. Đó là tình trạng coi trọng bằng cấp vẫn diễn ra, chương trình đào tạo các trình độ vẫn mang nặng lý thuyết. Thậm chí có người có bằng cấp rất cao nhưng lại thiếu những kỹ năng mềm, kỹ năng thực tế và hiệu quả làm việc theo nhóm không cao.

Doanh nghiệp và Nhà trường nên có mối liên kết chặt chẽ

Mặt khác hiện nay, các Doanh nghiệp vẫn còn đang thờ ơ với nguồn nhân lực trẻ. Theo khảo sát, thực trạng hiện nay, chỉ có 3% doanh nghiệp có mối quan hệ với nhà trường trong việc tuyển dụng nhân sự. Nguyên nhân là do phần lớn doanh nghiệp tiếp nhận nhân sự đều phải đào tạo lại từ những kỹ năng cơ bản đến thực hành chuyên sâu, gây mất thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.

Để giúp sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, hầu hết các trường học chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đến thực tập và doanh nghiệp chỉ gửi thông báo tuyển dụng đến các trường học. Còn lại tất cả sinh viên phải chủ động tìm hiểu, chủ động nghiên cứu và chủ động liên hệ để có thể tự tìm được một công việc phù hợp.

Thực tế cho thấy bên cạnh việc thiếu kỹ năng về chuyên môn thì sinh viên hiện nay còn thiếu cả về các kỹ năng mềm. Do vậy để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường và doanh nghiệp cần phải có mối quan hệ chặt chẽ, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước để gắn kết nhà trường và doanh nghiệp

Để tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực thì việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là điều vô cùng cần thiết trong quá trình hội nhập hiện nay.

Thảo luận về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống có buổi làm việc với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, ông cho rằng: Việc thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường chính là việc hình thành môi trường học tập ngay tại các Doanh nghiệp với mục đích chia sẻ nguồn lực cũng như rút ngắn việc chuyển giao kiến thức, kỹ năng vào các công việc thực tế.

Đổi mới công tác đào tạo, thúc đẩy gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Để mang lại hiệu quả và thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ và đưa ra một số giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo:

Thứ nhất, cần phải đổi mới về những chính sách quản lý Nhà nước, có những cơ chế hỗ trợ thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời tăng quyền tự chủ cho nhà trường trong việc phát triển quy mô, chủ động xây dựng chương trình đào tạo, chủ động trong quá trình tuyển sinh và thu chi nguồn tài chính. Bên cạnh đó cần phải khuyến khích sự cạnh tranh giữa các cơ sở để tạo động lực phát triển và xây dựng hình ảnh thương hiệu của từng đơn vị.

Thứ hai, các trường nên có sự chủ động thu chi về nguồn tài chính phục vụ quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Để có nguồn thu chi dồi dào nhà trường cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, dựa vào các nhà tài trợ là các doanh nghiệp thông qua những hình thức khuyến học như cấp học bổng, nghiên cứu khoa học, cung ứng nguồn nhân lực…

Thứ ba là nhà trường và doanh nghiệp phối hợp xây dựng chương trình đào tạo. Để mang lại hiệu quả, nhà trường cần phải tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp, từ đó đưa vào chương trình giảng dạy những yêu cầu thực tiễn, mang tính hiện đại theo từng giai đoạn phát triển. Để thực hiện theo phương pháp này, nhà trường cần phải thực hiện tốt phương châm đào tạo nhân lực xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có. Vì vậy tất cả cần phải có sự thay đổi từ giáo trình, nội dung, phương pháp…

Thứ tư là phát triển đội ngũ giảng viên, ưu tiên những giảng viên đã có kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn đối với giảng viên cho phù hợp, căn cứ vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và chuyên ngành đảm nhiệm. Doanh nghiệp có thể cử những cán bộ, chuyên gia, kỹ sư tham gia giảng dạy, trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hành đồng thời cũng tiếp nhận cán bộ giảng viên tại trường để học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh những định hướng trên thì nhà trường cũng cần phải tăng cường chặt chẽ mối quan hệ giữa cựu sinh viên với nhà trường, tạo điều kiện cho các cựu sinh viên gắn bó với doanh nghiệp và có mối liên hệ thường xuyên với nhà trường để có thể tổ chức được những buổi hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tế. Qua đó nhà trường và doanh nghiệp sẽ dễ dàng cải tiến được chương trình đào tạo theo từng thời điểm khác nhau. Đây cũng chính là cầu nối vững chắc giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phương Thảo

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/giao-duc/bai-toan-nao-giup-nang-cao-chat-luong-dao-tao-dai-hoc-13577