Bài toán làm lộ trình tăng tuổi hưu

Dù chưa được phê duyệt nhưng khả năng tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình hầu như được mọi người đồng tình. Tuy nhiên thời điểm bắt đầu và lộ trình thời gian như thế nào để đạt tuổi nghỉ hưu đã định là phải tính kỹ...

Ảnh minh họa. Nguồn: vnn.vn

Dự kiến đến năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Quốc hội Bộ Luật Lao động sửa đổi và Bộ tiếp tục đưa lại phương án tăng tuổi nghỉ hưu vào Luật. Việc đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu đã được trình QH khóa trước nhưng không được chấp nhận.

Cần lộ trình tăng tuổi hưu

Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là thực sự cần thiết để tận dụng lực lượng lao động vì trên thực tế có nhiều phụ nữ 55 tuổi hay nam giới 60 tuổi vẫn còn sức khỏe muốn tiếp tục làm việc và cống hiến. Hơn nữa, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên, hiện trung bình tuổi thọ là 73 tuổi, vì vậy nếu không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây vỡ quỹ BHXH.

Quỹ BHXH có thể vỡ là do số người đóng BHXH cho một người hưởng ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH thì có 1 người hưởng lương hưu nhưng hiện nay chỉ còn 9 người đóng BHXH thì có 1 người hưởng lương hưu.

Với nước nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH hợp lý giữa thời gian đóng BHXH và thời gian hưởng lương hưu, mức đóng BHXH và mức hưởng lương hưu. Khi GDP tăng, mức sống và tuổi thọ của người lao động tăng thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên việc điều chỉnh như thế nào thì cần tính toán, cân nhắc để đưa ra một lộ trình cụ thể.

Còn đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng muốn tăng tuổi nghỉ hưu thì cần tính toán kỹ nhiều phương diện. Cụ thể, phải căn cứ sức khỏe của người lao động, vì hiện nay tuổi thọ người Việt Nam có nâng lên, song so với các nước tuổi thọ của người Việt còn thấp. Đồng thời, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; thị trường lao động, tăng tuổi nghỉ hưu thì có mất cơ hội của người trẻ hay không?

Đặc biệt, phải xem xét đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau, nâng bao nhiêu là hợp lý để chúng ta đi trước đón đầu việc già hóa dân số... Và tất nhiên cần phải xây dựng lộ trình tăng tuổi hưu sao cho hợp lý…

Chọn thời điểm khi tinh giản xong biên chế

Lộ trình ấy như thế nào đó là câu hỏi không dễ giải đáp. Theo như phương án dự thảo luật đề ra trước đây, từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu trước đối với cán bộ, công chức, viên chức với lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 3 hoặc 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2025 trở đi, sẽ thực hiện đối với các đối tượng còn lại cũng với lộ trình như trên.

Nếu mỗi năm thêm 3-4 tháng mà không tính đến yếu tố đặc điểm tâm lý của lao động người Việt Nam thì sẽ không ổn. Vì tâm lý của người Việt khi sắp nghỉ hưu là sẽ làm ít để chuyển giao cho lớp trẻ. Thậm chí, bản thân các đơn vị sử dụng lao động cũng có tâm lý để người sắp nghỉ hưu làm việc nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Vì thế nếu có ý định kéo dài một năm thêm 3-4 tháng như vậy mới hưu thì không thể nói tận dụng thêm được “tài, sức” của sắp nghỉ hưu mà chỉ kéo dài thêm thời gian hưởng lương mà thôi.

Việc tính toán lộ trình bắt đầu từ năm nào và kéo dài bao nhiêu năm cần phải chú ý tới các điều kiện kinh tế- xã hội, chính sách cải cách cách hành chính, tinh giản biên chế của Chính phủ... Chưa kể phải xem xét đối tượng nào không cần điều chỉnh, đối tượng nào cần tăng trước, đối tượng nào tăng sau và tăng bao nhiêu cho hợp lý.

Một điểm nữa cũng rất cần quan tâm đó là hầu như chỉ có các đối tượng làm công ăn lương cho nhà nước mới chịu ảnh hưởng của việc tăng tuổi nghỉ hưu. Mà đối tượng này, theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), là Việt Nam hiện có lực lượng lao động khoảng 18 triệu người, trong khi đó khối Nhà nước chỉ chiếm khoảng 30%.

Theo Bộ Nội vụ thì khối viên chức hiện khoảng 2,1 triệu người, còn công chức thì hơn 600.000 người kể từ cán bộ cấp xã trở lên. Đây là những người trực tiếp chịu tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu đồng thời họ đang nằm trong diện xem xét cải cách tinh giản biên chế. Dự kiến năm 2017 này phải giảm khoảng 4.000 người và lộ trình tinh giản cũng dự kiến kéo dài đến năm 2020…

Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng tới quy hoạch và cải cách bộ máy hành chính. Hiện tình trạng công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng làm việc kém hiệu quả đang chiếm tỷ lệ lớn, trong khi năng suất lao động xã hội đang rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và tốc độ tăng tiền lương bình quân hằng năm vẫn cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động đều ảnh hưởng đến lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Do đó thời điểm cụ thể để bắt đầu tính tăng tuổi nghỉ hưu nên tính tới kết quả của việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là hợp lý nhất.

Minh Bắc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/853958/bai-toan-lam-lo-trinh-tang-tuoi-huu