Bài toán khó

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang lâm vào thế khó khi Bộ Thương mại Trung Quốc vừa cho biết nước này đã kiện Mỹ lên WTO về việc Washington áp thuế đối với hàng hóa của Bắc Kinh. Vấn đề càng trở nên nan giải với WTO ở chỗ các vụ kiện thương mại đang gia tăng mạnh, trong khi tổ chức này dường như không còn đủ mạnh để đưa ra các phán quyết giúp chấm dứt các tranh cãi thương mại, nhất là giữa những đối tác lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Trong tuyên bố hôm 2-9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng các hành động áp thuế mới nhất của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại cuộc gặp gần đây ở Osaka (Nhật Bản). Trước đó, Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Mỹ lập tức chấm dứt việc áp thuế với hàng hóa của Bắc Kinh và nếu Washington thực hiện kế hoạch tăng thuế, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục có các biện pháp bảo đảm quyền lợi của quốc gia này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình theo các quy định của WTO. Trung Quốc khởi kiện Mỹ trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump hôm 1-9 đã bắt đầu áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá 125 tỷ USD.

Trước vụ kiện mới nhất nêu trên, Trung Quốc và Mỹ cũng từng mang nhau đến "cửa quan" của WTO vì các vụ kiện thương mại. Tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã khởi động tiến trình pháp lý để WTO thụ lý vụ kiện của Bắc Kinh đối với hệ thống thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên 234 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời lên án Washingtonngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán của WTO có thể ra phán quyết về vụ này. Ở chiều ngược lại, trước đó Mỹ cũng đã đệ đơn lên WTO khiếu nại đối với Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu (EU) và một số nước khác về những đòn áp thuế trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ. Cũng tại diễn đàn WTO, đại diện Mỹ từng cáo buộc Bắc Kinh đang phá hoại hệ thống thương mại toàn cầu và cho rằng "chính Trung Quốc đang đe dọa sự tồn vong chung của WTO".

Thực tế cho thấy, các vụ kiện thương mại đã gia tăng trong thời gian gần đây và "làm khó" WTO, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. WTO mới đây cho biết chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 10-2018 tới tháng 5-2019, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã áp dụng 20 biện pháp hạn chế thương mại, tác động tới tổng giá trị trao đổi thương mại 335,9 tỷ USD, đồng thời cảnh báo một số biện pháp khác vẫn đang được xem xét.

Giới phân tích quan ngại rằng, việc các vụ kiện thương mại gia tăng, phức tạp và kéo dài đang đe dọa sự tồn vong của WTO và khiến tổ chức này đánh mất vai trò của mình. Bởi vậy, gần đây một loạt nước như Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Australia... đã kêu gọi cải cách khẩn cấp để bảo vệ WTO. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres trong phát biểu tại trụ sở WTO ở Geneva (Thụy Sĩ), mới đây cũng lên tiếng kêu gọi cải cách tổ chức thương mại toàn cầu này một cách công bằng và bền vững. Ông A.Guterres cũng yêu cầu các quốc gia giải quyết căng thẳng thương mại thông qua đối thoại tại WTO.

Tuy nhiên, thách thức lớn đặt ra là muốn cải cách WTO rất cần có sự đồng thuận của các nước lớn là thành viên WTO như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Trong khi đó, chính các thành viên nêu trên đang rơi vào "vòng xoáy kiện tụng" lẫn nhau về tranh chấp thương mại. Bởi vậy, WTO đang đối mặt bài toán nan giải và mâu thuẫn là không đủ sức mạnh để giải quyết tất cả các tranh chấp thương mại, nhưng cũng không thể cải cách để phù hợp tình hình mới, khi mà các thành viên lớn đang bất đồng sâu sắc.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/41444102-bai-toan-kho.html