Bài toán khó

Bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ, nền kinh tế số một thế giới vẫn chứng tỏ đà tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt tốc độ tăng GDP 3,5% trong quý III - 2018.

Theo thông lệ, mỗi khi “bức tranh kinh tế sáng màu”, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lại rục rịch tăng lãi suất, nhưng việc làm này đang là “bài toán khó” với FED vì còn nhiều yếu tố có thể cản bước kinh tế Mỹ, trong khi Tổng thống D.Trump phản đối tăng lãi suất.

Bộ Thương mại Mỹ trong báo cáo mới nhất vừa cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý III tăng 3,5% sau mức tăng ấn tượng 4,2% của quý trước đó. Đây là hai quý liên tiếp, GDP của Mỹ tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ giữa năm 2014. Tuy nhiên, các số liệu thống kê cũng cho thấy, nền kinh tế số một thế giới ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Theo Bộ Thương mại Mỹ, xuất khẩu đậu tương của nước này đã giảm mạnh do hậu quả của việc Mỹ và Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong quý đã giảm 3,5%.

Báo cáo tổng quan về tình trạng và triển vọng kinh tế mà FED công bố tuần trước cũng cho thấy bức tranh sáng sủa của kinh tế Mỹ. Phó Chủ tịch FED R.Clarida khẳng định rằng, nền kinh tế Mỹ đang trong năm tăng trưởng kinh tế thứ 10 liên tiếp, đánh dấu giai đoạn tăng trưởng liên tục dài thứ hai trong lịch sử. Với một thị trường lao động khỏe mạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% và tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng 2%, nền kinh tế Mỹ đang tiến gần tới đáp ứng “mục tiêu kép về lạm phát và việc làm” mà FED đã đề ra.

Các số liệu thống kê và nhận định nêu trên cho thấy, kinh tế Mỹ đang dần thoát khỏi “cái bóng” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giới phân tích cho rằng, đây là cơ sở để FED quyết định nâng lãi suất một lần nữa vào quý IV - 2018, nhằm ngăn chặn nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Các quan chức của FED cũng nhiều lần khẳng định rằng “không thấy có lý do gì để ngừng lộ trình tăng lãi suất” từng bước hiện nay, trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt. Theo dự tính của FED, việc nâng lãi suất lên ngưỡng hơn 3%, dù sẽ khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc đôi chút, song sẽ có tác dụng giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tiến trình tăng lãi suất đang phải đối mặt với sức ép lớn và lần tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay có thể là “bài toán khó” trong bối cảnh FED đang đối mặt nhiều sức ép. Trước hết, việc tăng lãi suất của FED đang vấp phải sự phản đối khá gay gắt của Tổng thống D.Trump. Tuần trước, trong trả lời phỏng vấn tờ Tạp chí phố Wall, ông D.Trump chỉ trích rằng “FED đặt ra nguy cơ lớn nhất đe dọa nền kinh tế Mỹ”, làm chậm tốc độ tăng trưởng và làm tăng nợ công.

Trước đó, ông D.Trump cũng ám chỉ FED là “mối đe dọa lớn nhất” trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đồng thời cho rằng FED “hành động quá nhanh” trong việc tăng lãi suất. Giới phân tích nhận định, ông D.Trump chỉ trích tiến trình tăng lãi suất của FED là có lý do trong bối cảnh nước Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ giữa tháng 11-2018. Quyết định tăng lãi suất của FED sẽ làm tăng chi phí vay mượn, khiến cho công việc kinh doanh khó khăn hơn, chứng khoán giảm điểm, làm lu mờ thành tích kinh tế của chính quyền Washington.

Bên cạnh đó, dù kinh tế Mỹ tăng trưởng khá, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Tại Mỹ, hiện xuất hiện nhiều mối lo ngại rằng với lộ trình tăng lãi suất, FED cuối cùng sẽ đẩy nước Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng vài năm tới. Giới chuyên gia dự báo, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới có thể sẽ giảm xuống mức 2,4% trong năm 2019 và 2% trong năm 2020, chủ yếu do tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc tăng lãi suất. Lãi suất cao sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, đẩy giá “đồng bạc xanh” lên cao trên thị trường quốc tế và điều này bất lợi cho xuất khẩu của Mỹ.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt cũng được xem là một yếu tố buộc FED phải cân nhắc kỹ lưỡng quyết định của mình. Báo cáo khảo sát tình hình kinh tế Mỹ mà FED vừa công bố đã nhấn mạnh đến những khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải, đó là tình trạng giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao và thiếu hụt lực lượng lao động ở nhiều lĩnh vực. Điều này làm giảm sức cạnh tranh về giá của các sản phẩm nội địa.

Nếu như FED tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 11 tới thì đây sẽ là lần tăng thứ chín kể từ năm 2015, và cơ quan này còn có kế hoạch tăng ba lần nữa trong năm 2019. Theo các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch này sẽ đưa lãi suất của Mỹ đến trên mức “trung tính”, vốn là mức duy trì sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế, chính trị, đối ngoại nêu trên đang khiến FED có thể rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

THẢO NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/38079602-bai-toan-kho.html