Bài toán khó về phương tiện giao thông cá nhân

Phương tiện cá nhân tăng cao khiến hạ tầng giao thông đô thị quá tải, gây ùn tắc giao thông thường xuyên khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia và người dân đều cho rằng đã đến lúc chính quyền thành phố đưa ra phương án hạn chế xe cá nhân theo lộ trình khoa học. Nhưng đây sẽ là bài toán nan giải.

Bài toán khó về phương tiện giao thông cá nhân

Bài & ảnh: ĐOÀN HÀ

Thứ Tư, 20-03-2019, 15:12

+ | Print

Hạn chế xe cá nhân liệu đã là giải pháp căn bản để giảm ùn tắc ở các tuyến đường vào trung tâm thành phố?

Hạn chế xe cá nhân liệu đã là giải pháp căn bản để giảm ùn tắc ở các tuyến đường vào trung tâm thành phố?

Phương tiện cá nhân tăng cao khiến hạ tầng giao thông đô thị quá tải, gây ùn tắc giao thông thường xuyên khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trước tình trạng này, cơ quan chức năng thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia và người dân đều cho rằng đã đến lúc chính quyền thành phố đưa ra phương án hạn chế xe cá nhân theo lộ trình khoa học. Nhưng đây sẽ là bài toán nan giải.

Đường hẹp, xe đông

Là tài xế chạy xe tải giao hàng vào khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh hơn 5 năm nay, anh Lê Văn Vượng (ngụ thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho hay, nếu như vài năm trước, khi giao hàng từ ngoại thành về khu vực nội đô ở quận 1, 3 hay 5 chỉ cần chạy ra đại lộ Võ Văn Kiệt đi khoảng 30-40 phút là tới, thì gần đây việc di chuyển khó khăn hơn. Thậm chí, ngay đại lộ Võ Văn Kiệt trước kia thông thoáng là thế thì nay nhiều đoạn đường giao nhau, nhất là đến khu vực gần đầu hầm vượt sông Sài Gòn (quận 1) xe cộ lưu thông kín mặt đường, việc giao hàng có khi mất hàng giờ đồng hồ. Không những vậy, ngay cả xe gắn máy là phương tiện linh hoạt trong di chuyển cũng gặp không ít khó khăn trong việc đi lại giữa các quận trung tâm thành phố.

Ông Đinh Viết Truyền (chạy xe ôm ở khu vực Bệnh viện Mắt, quận 3) cho biết, bây giờ chạy xe gắn máy đưa rước khách trên các tuyến đường trung tâm thành phố luôn mệt mỏi và căng thẳng vì tình trạng kẹt xe, có thể kể đến các tuyến đường: Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ (quận 3); Ba Tháng Hai, Cao Thắng, Lý Thái Tổ (quận 10); Nguyễn Văn Cừ (quận 5); Lý Tự Trọng, Pasteur, Hai Bà Trưng (quận 1)… “Phương tiện cá nhân tăng cao, hạ tầng giao thông lại không được mở rộng, khiến các tuyến đường này thường xuyên trong tình trạng xe cộ chật như nêm. Khi phải chạy thường xuyên ngoài đường trong thời tiết nắng nóng cao điểm không khác gì cực hình”, ông Truyền chia sẻ.

Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 36 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, có thể phân thành bốn khu vực ùn tắc giao thông với các đặc điểm khác nhau gồm: Sân bay Tân Sơn Nhất (sáu điểm); Cảng Cát Lái (ba điểm); trung tâm và cửa ngõ (14 điểm) và các khu vực khác (13 điểm). Số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở khu vực trung tâm thành phố. Cụ thể, số lượng phương tiện đăng ký mới tiếp tục tăng (xe ô-tô tăng 12,95%) so cùng kỳ năm 2017. Tính đến hết năm 2018, thành phố quản lý hơn 8,6 triệu phương tiện, gồm hơn 760 nghìn xe ô-tô và gần tám triệu xe mô-tô. Tốc độ tăng trưởng ô-tô con và xe gắn máy hằng năm lần lượt đạt khoảng 12% và 6,5%/năm.

Trong khi đó, phần lớn các tuyến đường đều hẹp, chỉ có khoảng 14% số đường có lòng đường rộng hơn 12 m để có thể tổ chức vận chuyển hành khách bằng xe buýt; 35% số đường có lòng đường rộng dưới 7 m chỉ đủ cho xe hai bánh lưu thông. Ngoài ra, nguyên nhân ùn tắc giao thông còn do hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, thành phố mới chỉ có xe buýt là phương tiện đảm nhận vai trò này. Thế nhưng, phương tiện công cộng chủ lực này cũng chỉ đạt 3,35% khối lượng vận chuyển hành khách/năm và khối lượng này liên tục sụt giảm từ năm 2012.

Phát triển phương tiện giao thông công cộng

Theo PGS, TS Phạm Xuân Mai, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa thành phố, trước hết, chính quyền thành phố cần mạnh dạn thay đổi hình thức trợ giá xe buýt hiện nay. Bởi, mỗi năm TP Hồ Chí Minh tốn kém khoảng 1.000 tỷ đồng tiền ngân sách trợ giá xe buýt nhưng chưa phát huy hiệu quả. Do đó, thành phố nên lấy tiền trợ giá xe buýt này để đầu tư xe buýt hiện đại, phát triển đa dạng loại hình vận tải hành khách công cộng, chẳng hạn như đầu tư xe buýt điện. Có thể thấy, loại xe buýt điện nhỏ gọn, phù hợp di chuyển trong các tuyến đường nội đô, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chưa kể chi phí đầu tư thấp hơn xe buýt chạy dầu. Từ đó, không những thu hút người dân tham gia đi lại bằng phương tiện này mà khách du lịch đến với thành phố cũng rất thích thú.

Còn theo quan điểm của kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải thành phố, hiện xe gắn máy vẫn là phương tiện được coi là tối ưu cho người dân, thế nhưng cũng là nguyên nhân gây ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn... Thế nên, việc đưa ra lộ trình khoa học để hạn chế phương tiện cá nhân này tại một số khu vực trung tâm thành phố là cần thiết. Theo ông Trường, không thể đợi đến khi giao thông công cộng phát triển mới bắt đầu hạn chế xe cá nhân. Muốn giảm phương tiện giao thông cá nhân cần tích hợp và cộng hưởng nhiều giải pháp. Trong đó, cần đưa ra các giải pháp mang tính vĩ mô như: quy hoạch lại không gian cư trú, phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, khối lượng lớn (Metro, BRT, Monorail...); đồng thời, thực hiện các giải pháp cấp bách như: tạo ra không gian các tuyến phố đi bộ, đi xe đạp ở khu trung tâm; sắp xếp, bố trí lưu thông lệch ca, lệch giờ; xe có biển số chẵn và lẻ...

Dưới góc nhìn quy hoạch đô thị, PGS, TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), giải pháp hiện nay là phải làm sao quy hoạch lại việc phân bố dân cư. Nếu thành phố quy hoạch được thêm hai hoặc ba khu trung tâm, tổ chức phân bố lại dân cư hợp lý thì vấn đề ùn tắc giao thông sẽ từng bước được giải quyết.

Để phát triển mạng lưới vận tải công cộng, hiện Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang trình đề án tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ xe buýt và đa dạng hóa các loại hình như: vận tải đô thị khối lượng lớn, vận tải hành khách đường thủy nội địa và liên vùng và loại hình vận tải công cộng, bán công cộng khác. Đồng thời, hạn chế số lượng phương tiện ô-tô đăng ký mới, kết hợp hạn chế xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, chủ trương của thành phố không cấm xe gắn máy vì đây là phương tiện để người dân đi lại, làm ăn, song cũng cần hạn chế vì xe máy quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến giao thông. Mục tiêu của thành phố là phải đẩy mạnh phát triển phương tiện giao thông công cộng... Thành phố đang tập trung đầu tư tuyến metro, buýt nhanh, buýt thủy..., thậm chí cả những phương tiện như xe đạp công cộng... Chỉ khi nào người dân thấy việc chọn lựa giao thông công cộng thuận lợi thì chính quyền mới hạn chế xe gắn máy.

Dự thảo “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn”, do Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) thực hiện đã đề xuất hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động xe gắn máy tại một số khu vực thuộc trung tâm thành phố (quận 1, 3, 5, 10) và khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), sau đó sẽ mở rộng ra các khu vực lân cận. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khác. Từ năm 2021 đến 2025, triển khai kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, ngừng hoạt động mô-tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại khu vực trung tâm. Giai đoạn từ năm 2026 đến 2030, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, tiến tới ngưng hoạt động mô-tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại một số khu vực.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-phongsu/item/39550702-bai-toan-kho-ve-phuong-tien-giao-thong-ca-nhan.html