Bài toán khó đối với doanh nghiệp khi di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Theo báo The Wall Street Journal, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc chiến thương mại phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là thời điểm để Việt Nam tỏa sáng.

Tuy nhiên, nếu có chăng thì sẽ phải mất nhiều năm, Việt Nam hay những quốc gia khác mới có thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng của thế giới”.
Trung Quốc đã phát triển những chuỗi cung ứng đặc biệt mà nhờ đó nước này trở thành trung tâm sản xuất các hàng hóa, từ điện thoại thông minh, thang nhôm, máy hút bụi đến bộ bàn ăn.... Song, những sản phẩm này vẫn chưa được phát triển ở Việt Nam.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng chưa có nhiều nhà máy đạt chứng nhận an toàn phục vụ cho thị trường Mỹ và nhiều loại máy móc đắt đỏ cần nhiều vốn đầu tư. Với dân số chưa bằng 1/10 dân số của Trung Quốc, Việt Nam đang bước vào giai đoạn thiếu lao động, giữa lúc các nhà chế tạo toàn cầu đang đổ xô tới để mở nhà máy ở đây nhằm tránh thuế của Mỹ.
Bà Wing Xu, Giám đốc điều hành hoạt động của Omnidex Group, công ty sản xuất máy bơm cỡ lớn cho nhà sản xuất thiết bị công nghiệp Mỹ McLanahan Corp, nhận xét: "Bất cứ thứ gì bạn cần hoặc ai đó đang sản xuất, thì Trung Quốc luôn có sự khởi đầu sớm hơn 15 năm". Omnidex đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, nhưng các công ty ở đây đến nay mới chỉ có thể sản xuất được 20 trong số hơn 80 linh kiện của chiếc máy bơm công nghiệp được sử dụng trong các hoạt động khai mỏ, do các mẫu khuôn phải làm lại từ đầu.
Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số công ty đang lên kế hoạch rời Trung Quốc, nhưng các công ty phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất ở nước này đang phải tìm cách đa dạng hóa hoạt động.

Một vài công ty chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á hay những nước khác trong khi vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc và những thị trường khác ngoài Mỹ. Chiến lược này được gọi là "Trung Quốc+1". Trong khi đó, những công ty có lượng lớn đơn hàng đang hy vọng họ có thể thuyết phục các nhà cung cấp Trung Quốc di chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc.
Do đó, một bức tranh chế tạo toàn cầu mới đang dần hình thành, theo nhận định của các nhà quản lý doanh nghiệp. Các hoạt động chế tạo đang được di chuyển khỏi Trung Quốc tới các quốc gia đang phát triển, với một phần nhỏ được đưa tới Mỹ. Sự sắp xếp lại các chuỗi cung ứng có thể khiến vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc giảm đi nhưng nước này vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền công nghiệp toàn cầu.
Việc hình thành các trung tâm công nghiệp sẽ không thể diễn ra chỉ sau một đêm. Việt Nam có nhân công rẻ nhưng dân số gần 100 triệu người của nước này là nhỏ so với 1,3 tỷ dân của Trung Quốc. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống cảng tại Việt Nam đã bắt đầu quá tải. Ấn Độ cũng có tiềm năng về nguồn nhân lực nhưng lại thiếu lao động có kỹ năng, trong khi các quy định của chính còn tương đối hạn chế.
Nhà sản xuất máy quay hành trình GoPro Inc của Mỹ đang chuyển hầu hết chuỗi sản xuất phục vụ thị trường Mỹ sang Guadalajara (Mexico) trong khi vẫn duy trì dây chuyền tại Trung Quốc để sản xuất sản phẩm cho các thị trường khác. Hãng sản xuất công nghệ nhà thông minh Universal Electronics Inc., có trụ sở tại Arizona (Mỹ), cũng hợp tác với một đối tác mới tại Philippines và mở rộng hoạt động tại Monterrey, Mexico.
Techtronic Industries Co. Ltd, công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) chuyên sản xuất máy hút bụi Hoover, sẽ mở một nhà máy tại Việt Nam và đầu tư thêm vốn cho nhà máy ở Mississippi (Mỹ). Dù vậy, nhà máy ở Trung Quốc của công ty này vẫn sẽ hoạt động thêm ít nhất 10 năm nữa.
Mô hình hoạt động ở Trung Quốc trong 20 năm qua luôn tiến triển thuận lợi bởi các nhà cung cấp nằm gần nhau về địa lý, qua đó giúp quy trình sản xuất nhanh, rẻ và hiệu quả hơn. Hiện nay, khi các hoạt động trở nên phân mảnh hơn, các công ty đối mặt với nguy cơ chi phí gia tăng, thời gian giao hàng kéo dài. Ngoài ra, họ cũng phải đối mặt với nhiều loại thuế và các vấn đề liên quan đến lao động.
Các ngành công nghiệp cần nhiều lao động như sản xuất giày thể thao hay may mặc đã chuyển về đây nhiều năm trước khi chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng lên. Tập đoàn công nghệ Hàn Quốc Samsung Electronic Co. cũng đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Việt Nam mong muốn phát triển hơn nữa các ngành điện tử và kỹ thuật nhằm gia tăng chuỗi giá trị.
Làn sóng dịch chuyển dây chuyển sản xuất sang Việt Nam đã bắt đầu gia tăng từ năm ngoái, nhưng quốc gia Đông Nam Á này đã là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp chế tạo nước ngoài từ khá lâu. Nhiều công ty lớn như Nike Inc (Mỹ) nhập giày của các nhà máy Việt Nam từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Khi lương tối thiểu ở Trung Quốc tăng lên, các đơn hàng quần áo, đồ chơi và giày dép đã chuyển sang những nước có chi phí rẻ hơn như Bangladesh, Myanmar và Việt Nam.
Tuy nhiên, các công ty vốn quen với thị trường Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn để thích ứng tại Việt Nam. Đầu tiên là vấn đề thiếu nhân lực. Một nhà xuất khẩu đường ống và vòi nước Việt Nam đang nhận rất nhiều đơn hàng cho những mặt hàng chịu mức thuế mới mà Mỹ áp lên Trung Quốc nhưng công ty này mới chỉ tuyển dụng được 30 trong số 100 nhân sự cần tuyển. Nhà sản xuất nội thất Nhật Bản Muji cũng cho hay kế hoạch sản xuất đã bị chậm lại từ tháng 1/2019 do thiếu lao động.
Thứ hai là vấn đề năng lực sản xuất. Công ty đa quốc gia Nhật Bản Canon Inc bắt đầu sản xuất máy in ở Việt Nam từ năm 2012, nhưng chuỗi cung ứng linh kiện cho các sản phẩm như máy ảnh và máy in là rất lớn và khó có thể thiết lại lại từ đầu.

Trong mạng lưới 175 nhà cung ứng của Canon tại Việt Nam, chỉ 20 là công ty địa phương. Các nhà cung địa phương chủ yếu sản xuất các linh kiện nhựa và đóng gói, còn gần như tất cả linh kiện điện tử đều đến từ Nhật Bản, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)./.

Mai Ly/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bai-toan-kho-doi-voi-doanh-nghiep-khi-di-chuyen-san-xuat-khoi-trung-quoc/132047.html