Bài toán khó của ông Trump khi 'đấu' với Iran

Cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu dầu ngày 13/6 đã đẩy Tổng thống Donald Trump đứng trước một lựa chọn mà ông né tránh lâu nay: Có hiện thực hóa đe dọa Tehran phải 'chịu đựng nặng nề' nếu các lợi ích Mỹ bị xâm hại?

Nhiều tuần qua, Tổng thống Trump đã khuấy động vấn đề này bằng cách lần lượt ra lệnh cho một nhóm tác chiến tàu sân bay tiến vào Vịnh Ba Tư, rồi sau đó tự tránh xa quan điểm diều hâu của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton. Tuần trước, ông tuyên bố sẵn sàng đàm phán với các nhà lãnh đạo Iran như cách đã làm với Triều Tiên.

Ảnh: CNN

Ảnh: CNN

Ngày 13/6, với những hình ảnh về khói đen bốc lên từ một tàu dầu bị trúng mìn, ông Trump dường như đổi ý, viết trên Twitter rằng "còn quá sớm để nghĩ đến việc đạt một thỏa thuận. Họ chưa sẵn sàng, và chúng tôi cũng vậy".

Các động thái của ông chủ Nhà Trắng phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Trump vốn chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận về một chiến lược toàn diện để xử lý vấn đề Iran – đặc biệt là sau khi họ chọc giận các đồng minh then chốt của Washington đã dày công cùng chính quyền Obama đưa Iran vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bằng quyết định từ bỏ thỏa thuận này.

Giờ đây, khi phải hành động mà hầu như không có đồng minh, ông Trump phải đối mặt với một Iran đang tăng cường sản xuất hạt nhân và trả đũa các đòn trừng phạt mà Nhà Trắng tái áp đặt.

"Nếu Iran là thủ phạm các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền ở Vùng Vịnh thì thật liều lĩnh và nguy hiểm", NY Times dẫn lời William J. Burns, cựu Thứ tưởng ngoại giao mở ra đàm phán với Iran thời Obama. "Đáng buồn, ít nhất đó cũng là một phần hậu quả có thể đoán trước từ chiến lược ngoại giao cưỡng ép của Mỹ, mà đến giờ toàn là ép buộc chứ không hề có ngoại giao. Rủi ro là những người quan điểm cứng rắn ở cả Tehran và Washington đang leo lên một chiếc thang lung lay".

Tổng thống Trump dường như cảm nhận thấy điều này, như ông từng cảm thấy sức mạnh tương tự mang lại hiệu quả cách đây hai năm khi dọa chính quyền Kim Jong Un phải chịu "lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng chứng kiến". Vào năm tiếp sau đó, ông đảo chiều, bắt đầu các cuộc đàm phán và tuyên bố có nhiều thời gian để giải quyết một cuộc khủng hoảng hạt nhân mà trước đó ông quả quyết là rất cấp thiết.

Nhưng Iran không giống Triều Tiên và sở hữu nhiều năng lực khác biệt. Triều Tiên có vũ khí hạt nhân làm đòn bẩy và Chủ tịch Kim Jong Un là nhà lãnh đạo duy nhất. Trong khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani có thể sẽ mất chức nếu đàm phán mà không buộc được Mỹ trở lại thỏa thuận 2015.

Do vậy, chính quyền Tehran chọn cách đáp trả cấm vận và từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận 2015. Iran cũng cố tìm kiếm ranh giới giữa răn đe và khiêu khích, từng bước tiến tới mở rộng kho nhiên liệu hạt nhân cấp độ lò phản ứng – chứ không phải cấp độ bom, trong khi lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei không trực tiếp đối đầu với các lực lượng Mỹ, Ảrập Xêút hay UAE ở Vùng Vịnh.

Sau vụ hai tàu dầu bị tấn công ngày 13/6 gần Eo biển Hormuz, nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Iran, đặc biệt là người Mỹ ở Trung Đông có thể sẽ bị nhắm tới bởi các nhóm được Tehran ủy nhiệm.Và nếu Iran tiếp tục con đường hiện nay, nước này sẽ gia tăng "chi phí chính trị" cho chiến lược gây áp lực tối đa của Tổng thống Trump.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/bai-toan-kho-cua-ong-trump-khi-dau-voi-iran-541652.html