'Bài toán' đầu tư của nước Anh để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Nếu không đầu tư nhằm tăng sản lượng khai thác ở Biển Bắc, đến năm 2030 ít nhất 80% nguồn cung khí đốt và 70% dầu của Anh sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bà Deirdre Michie, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng ngoài khơi Anh (Offshore Energies UK- OEUK), mới đây cho biết tổng sản lượng dầu và khí đốt nước này sẽ sụt giảm tới 15% mỗi năm nếu không đầu tư nhanh chóng vào cơ sở hạ tầng mới.

Bà Michie nói: “Mức sụt giảm này nhanh hơn nhiều so với mức giảm nhu cầu năng lượng tại Anh được dự báo. Do đó, nếu không được đầu tư kịp thời thì đến năm 2030 ít nhất 80% lượng khí đốt và 70% lượng dầu của chúng ta sẽ phụ thuộc vào quốc gia khác”; “Sự thiếu hụt sẽ phải được thu hẹp bằng nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa rằng nước Anh ngày càng phụ thuộc vào quốc gia khác”.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh doanh năm 2022 của OEUK, sự phụ thuộc vào nhập khẩu này đã và đang xảy ra. Đại diện cơ quan OEUK cho biết an ninh năng lượng là một thách thức chính trị quan trọng đối với Anh, đặc biệt sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.

Vào năm ngoái, nước Anh đã tiêu thụ 76 tỷ mét khối khí đốt, bao gồm 32 tỷ mét khối đến từ Na Uy và 29 tỷ mét khối từ khai thác tại thềm lục địa. Với 45 triệu tấn dầu được sản xuất năm 2021, sản lượng tổng thể đã giảm 17% so với năm 2020 và giảm 20% so với năm 2019.

Theo OEUK, 10 mỏ dầu và khí đốt dự kiến bắt đầu hoạt động ở Anh vào năm 2022 và đầu năm 2023, tổng nguồn cung khí đốt từ các mỏ Biển Bắc nước này dự kiến đạt khoảng 28 tỷ -30 tỷ mét khối vào năm nay. Tuy nhiên, sản lượng như vậy đang cho thấy dấu hiệu bị đình trệ khi so với sản lượng 29 tỷ mét khối năm 2021.

Mọi người tham gia biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu bên ngoài Downing Street, London, Anh, vào ngày 7/22022. Ảnh: Getty Images.

Mọi người tham gia biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu bên ngoài Downing Street, London, Anh, vào ngày 7/22022. Ảnh: Getty Images.

OEUK cho biết đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Anh đã giảm mạnh trong thập kỷ qua, dự kiến đạt khoảng 4 tỷ bảng Anh năm 2022. Mức đầu tư này đã giảm đáng kể so với 16 tỷ bảng Anh năm 2014 hay 5,5 tỷ bảng Anh năm 2019.

Theo OEUK, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm đầu tư là do các nhà sản xuất lớn chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh nước Anh cam kết mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, lưu vực nước Anh trở nên già cỗi cũng như chính phủ đã thiếu sự hỗ trợ.

Nhiều nhà sản xuất đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí bằng các chính sách ổn định và lâu dài. Giá năng lượng tăng khiến các hộ gia đình đang phải đối mặt với những hóa đơn năng lượng cao hơn nhiều.

Đảng Lao động Anh cũng đang kêu gọi tạo điều kiện áp dụng mức thuế thuận lợi đối với các công ty năng lượng. Bên cạnh đó, họ nhấn mạnh nhu cầu đầu tư toàn cầu vào năng lượng để tăng nguồn cung.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đề xuất chiến lược “không đầu tư mới” cho lĩnh vực dầu khí trên toàn thế giới. Tuy nhiên, OEUK nhận định việc không mở ra các nguồn dầu khí mới sẽ khiến Anh và các nước khác “ngày càng phụ thuộc vào Nga và các thành viên OPEC". Bà Michie nói: “Điều đó sẽ đẩy thị phần của họ (OPEC) trên thị trường cung cấp dầu toàn cầu từ mức 37% hiện nay lên tới 52% vào năm 2050. Điều này ảnh hưởng rõ ràng đối với an ninh năng lượng Anh”.

Tuy nhiên, viễn cảnh có thể tránh được bằng cách khai thác nguồn tài nguyên Biển Bắc. Khu vực này có trữ lượng hơn 11 tỷ thùng - đủ để đáp ứng nhu cầu Anh trong 13 năm với tốc độ hiện tại. Bà Michie cho biết: “Dầu và khí đốt dưới các vùng biển của chúng tôi vẫn đủ để duy trì nguồn cung trong quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0”.

Tua bin gió ở vùng biển ngoài khơi nước Anh. Ảnh: Getty Images.

Ông Ross Dornan, quản lý dữ liệu thị trường cơ quan OEUK, cho biết: “Khoảng cách giữa năng lượng mà chúng ta tự sản xuất và năng lượng từ quốc gia khác sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không thực hiện đầu tư vào thăm dò và sản xuất trên thềm lục địa nước Anh”; “Năng lượng sạch hơn như hydro cũng cần được thúc đẩy phát triển nhanh. Đầu tư ngay từ bây giờ sẽ mang lại cho chúng ta sự an toàn về năng lượng vào những năm tới”.

Bà Michie, Giám đốc điều hành OEUK, nhận định nước Anh cũng có nhiều tiềm năng về năng lượng gió. Bà nói: “Chính phủ muốn công suất phát điện gió ngoài khơi tăng gấp 4 lần so với mức 10 gigawatt hiện tại thì cần phải lắp đặt thêm khoảng 3.000 tuabin cho đến năm 2030.” .

Bà Michie cho biết thêm: “Nước Anh đã đạt được một số thành tựu trong việc sản xuất điện không cacbon, nhưng dầu và khí đốt vẫn đóng vai trò trung tâm trong việc vận chuyển và sưởi ấm”.

Phạm Hà Thanh (theo The National News, OGUK)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bai-toan-dau-tu-cua-nuoc-anh-de-dam-bao-an-ninh-nang-luong-quoc-gia-a548098.html