Bài toán an ninh

Các nước châu Phi nói chung và khu vực Sahel nói riêng đứng trước mối đe dọa an ninh lớn, khi liên tiếp xảy ra các vụ tiến công đẫm máu, khiến hàng chục người chết. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã họp nhằm tìm giải pháp chấm dứt xung đột, ngăn chặn thảm kịch nhân đạo ở Tây và Trung Phi. Liên hiệp châu Âu (EU) cũng đau đầu đi tìm lời giải cho 'bài toán an ninh' ở khu vực này.

Nhiều binh sĩ Mali chết và mất tích trong cuộc phục kích mới đây của các phần tử Hồi giáo thánh chiến nhằm đoàn xe quân sự tại miền trung nước này, khu vực chỉ nằm cách biên giới quốc gia láng giềng Mauritania khoảng 100 km. Từ tháng 4 vừa qua, tại miền bắc và miền trung Mali xảy ra hơn 190 vụ tiến công, khiến hơn 170 người chết. Hàng nghìn binh sĩ và dân thường bị sát hại bất chấp sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ Pháp và lực lượng LHQ kể từ khi bùng phát các vụ bạo loạn năm 2012. Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA) tiếp tục là mục tiêu bị tiến công.

Tại Nigeria, mới đây cũng xảy ra loạt vụ tiến công, khiến hàng chục người chết mỗi vụ. Khủng bố trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân khu vực tây-bắc và đông-bắc Nigeria. Các vụ tiến công của các nhóm thánh chiến tại Burkina Faso, Mali và Niger khiến gần 4.000 người chết vào năm ngoái. Ước tính, khoảng 800 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa kể từ năm 2015. Xung đột tại đông-bắc Nigeria kéo dài nhiều thập niên và cướp đi sinh mạng của hơn 36 nghìn người, khiến hai triệu người phải rời bỏ nhà cửa…

Khủng bố và bạo lực kéo lùi thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của các nước khu vực Trung và Tây Phi. Số liệu thống kê của LHQ cho thấy, kể từ tháng 4-2020, đã có 535 vụ bạo lực nhằm dân thường, nhất là tại miền trung Mali. Tình hình nhân đạo không được cải thiện. Số người mất nhà cửa ở Mali lên gần 240 nghìn người. Có tới 757 nghìn người thiếu lương thực, thực phẩm. Tác động của dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo và đặt ra nhiều thách thức cho Mali và khu vực Sahel. Tình trạng đói nghèo, kinh tế tăng trưởng thấp, xung đột giữa các cộng đồng về tài nguyên phục vụ sinh kế, biến đổi khí hậu và các vấn đề nhân đạo cũng là những thách thức mà khu vực Sahel đang đối mặt.

Trong nỗ lực ngăn chặn khủng bố đang lan rộng ở Tây Phi, hồi tháng 2, Pháp đã triển khai thêm binh sĩ tới Mali để bổ sung cho lực lượng tại đây, với quân số lên hơn 5.000 người. Đây là quyết tâm của Pháp nhằm “lật ngược thế cờ” trong cuộc chiến chống khủng bố vốn bị cho là đang suy yếu ở Tây Phi. Quân tiếp viện của Pháp được triển khai tại khu vực “ngã ba biên giới” giữa Mali, Burkina Faso và Niger, nhằm hỗ trợ lực lượng G5 Sahel (gồm Niger, Mali, Burkina Faso, Sát và Mauritania). Cuộc chiến chống khủng bố của Pháp ở vùng Sahel đánh dấu bước ngoặt trong việc huy động các đối tác châu Âu và gia tăng sức mạnh của các lực lượng G5. Pháp cũng thuyết phục Mỹ duy trì sự can thiệp quân sự ở châu Phi, được cho là có vai trò quan trọng với chiến dịch Ba-khan trong lĩnh vực hậu cần và tình báo.

Theo đánh giá của một số nhà phân tích và quan chức quân sự cấp cao, hiện là thời điểm rất quan trọng có thể giúp các lực lượng an ninh quốc tế và khu vực “đảo ngược tình thế”, trong bối cảnh lực lượng khủng bố đang lợi dụng dịch Covid-19 và sự quản lý yếu kém của các nước Tây Phi để mở rộng phạm vi hoạt động, đe dọa an ninh và ổn định khu vực. LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế, các chính phủ, các tổ chức khu vực tăng cường đoàn kết chống khủng bố và bạo lực cực đoan.

Tuy nhiên, để cuộc chiến có hiệu quả, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ các nước trong khu vực tìm ra cách tiếp cận thống nhất, toàn diện, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất ổn; huy động các phương tiện, nguồn lực nhằm đối phó những thách thức an ninh và nhân đạo, vốn là những vấn đề “nóng” tác động trực tiếp sự phát triển của cả khu vực Tây và Trung Phi.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44882302-bai-toan-an-ninh.html