Bài toán an ninh năng lượng

Trong bối cảnh chúng ta đã quyết định dừng các dự án điện hạt nhân nhưng các nguồn điện thay thế chủ yếu là năng lượng tái tạo lại có nhiều điểm nghẽn, than cho nhiệt điện cũng ngày càng cạn kiệt, có nguy cơ phải nhập khẩu… Làm sao để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia quả là một bài toán khó. Nhưng không thể không giải quyết sớm, căn cơ để bảo đảm nguồn điện cung ứng cho sự phát triển đất nước, sinh hoạt của người dân.

Than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện ngày càng thiếu hụt.

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, để đáp ứng nhu cầu điện các năm tới, cả nước cần tới 60.000 MW vào năm 2020, con số này tăng lên xấp xỉ 97.0000 MW vào năm 2025 và vào năm 2030 là 129.500 MW. Như vậy, tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW/năm. Trong khi đó, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện công suất nguồn điện cả nước mới chỉ đạt 47.750 MW, với sản lượng điện thương phẩm là 192,1 tỷ kWh.

Như vậy để đáp ứng được những mục tiêu nói trên, thì trong khoảng 1 thập kỷ tới, Việt Nam nâng công suất lên 129.500 MW và sản lượng hơn 570 tỷ kWh. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với ngành năng lượng, khi mà nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ. Trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh, các dự án nhiệt điện than vẫn giữ vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than, với công suất 7.860 MW đã được khởi công và triển khai xây dựng. Điều này cũng có nghĩa, còn khoảng 18.000 MW trên tổng số 26.000 MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vận hành trong thời gian tới, song cho tới nay vẫn chưa khởi công xây dựng. Với những dẫn chứng được đưa ra, EVN đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới.

Đáng chú ý, nguy cơ thiếu điện đang ngày một hiện hữu, có thể xảy ra ngay trong năm 2019 tới. Đưa ra nguyên nhân, lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn đang gặp vấn đề thiếu hụt nguồn nhiên liệu, chủ yếu là nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, EVN đã thiếu khoảng trên 340.000 tấn than. Một số nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng, Quảng Ninh đang thiếu hụt nặng nề. Trầm trọng hơn, một trong số các nhà máy nhiệt điện đang phải ngừng hoạt động vì không còn đủ nguồn cung than cho việc vận hành nhà máy dù chỉ trong…1 ngày. Việc thiếu hụt nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện thời gian qua khiến EVN đã phải “đệ đơn” lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Trong đó EVN có nêu nguy cơ sẽ phải cắt điện ngay từ những tháng đầu năm 2019 tới đây với lý do: Việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới việc dừng các nhà máy nhiệt điện than, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh cung cấp điện.

Tuy nhiên, trả lời báo giới tại một cuộc họp báo của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) liên quan đến câu chuyện “thiếu hụt than cho các nhà máy nhiệt điện” mà EVN “kêu”, ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, nguyên nhân khiến các nhà máy nhiệt điện than của EVN gặp khó khăn là do đến nay mới chỉ có 9 hợp đồng mua bán than dài hạn được ký kết. Theo vị này, do chưa ký kết các hợp đồng dài hạn giữa hai bên nên đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của TKV. Nhất là khi các nhà máy nhiệt điện than bị giảm sẽ gây tồn kho lớn cho TKV…

Trong bối cảnh bài toán an ninh năng lượng quốc gia đang gặp nhiều điểm nghẽn chưa được giải tỏa, thì việc hai “ông lớn” của ngành năng lượng lại đang dùng dằng đổ lỗi cho nhau, không “ông” nào chịu “ông” nào, thực sự gây ra mối lo lớn về nguồn cung điện trong tương lai rất gần.

Có thể thấy, nguy cơ thiếu điện đã ở rất gần, và dường như những giải pháp được đưa ra để bù đắp được nguồn nguyên liệu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn. Nó sẽ không thể giải quyết được triệt để các bất cập hiện nay của bài toán phát triển an ninh năng lượng bền vững. Giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo, phát triển nhiệt điện chỉ nên là giải pháp tạm thời, không thể là giải pháp dài hạn cho bất kỳ một quốc gia nào bởi những tác động của các nhà máy nhiệt điện đến môi trường là vô cùng lớn. Hơn thế nữa, thực tế cho thấy rất rõ, nguồn than trong nước cũng đang cạn dần và việc chúng ta sẽ phải nhập khẩu than với sản lượng lớn cũng không phải là một bài toán tài chính hợp lý.

Tới thời điểm này, bài toán an ninh năng lượng quốc gia đang buộc các nhà quản lý phải cân nhắc lại, xem chúng ta nên ưu tiên nguồn năng lượng giá rẻ hay là sự phát triển bền vững; để từ đó sớm có một quyết sách rõ ràng, mạnh mẽ và hiệu quả.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/bai-toan-an-ninh-nang-luong-tintuc423956