Bài thuốc Thanh thử ích khí thang chữa bệnh mùa trường hạ

Mỗi mùa sinh mỗi bệnh khác nhau. Với mùa trường hạ (sau mùa hạ) tuy nắng nhiều nhưng mưa cũng nhiều, nên thử và thấp là 2 nhân tố gây ra cho con người một số bệnh tật không giống những mùa khác.

Lý Đông Viên là nhà y học phương Đông lỗi lạc của Trung Quốc thời xưa, người đã nêu ra thuyết “Tỳ vị luận” nổi tiếng, trong đó có bài thuốc “Thanh thử ích khí thang” đã được các thầy thuốc Đông y Việt Nam nghiên cứu, áp dụng thành công và truyền lại cho các thế hệ sau.

Kiện tỳ táo thấp thương truật trị được cái thấp của mùa trường hạ.

Kiện tỳ táo thấp thương truật trị được cái thấp của mùa trường hạ.

Bài thuốc gồm: Nhân sâm 8g, bạch truật 12g, thanh bì 8g, mạch môn đông 8g, quất hồng bì 8g (thanh bì là vỏ quả quýt đang xanh, quất bì là vỏ quả quýt đã chín) hoàng kỳ 12g, thần khúc 8g, thăng ma 12g, hoàng bá 12g, thương truật 8g, cam thảo 6g, ngũ vị tử 6g, cát căn 12g, trạch tả 8g, đương qui 8g, khi sắc cho thêm sinh khương 8g, đại táo 2 quả.

Bài thuốc có tác dụng: Thanh thử hóa thấp, ích khí, sinh tân dịch.

Trong bài: nhân sâm, hoàng kỳ có tác dụng ích khí cố biểu. Thương truật, bạch truật giúp kiện tỳ táo thấp. Chỉ có thương truật mới trị được cái thấp của mùa trường hạ. Hoàng bá, mạch môn, ngũ vị tử có tác dụng tả hỏa sinh tân dịch. Trần bì, thanh bì, trạch tả để lý khí, thấm thấp. Đương quy để dưỡng huyết hòa âm. Thăng ma, cát căn để giải cơ làm thăng đề thanh khí. Cam thảo hòa trung dẫn thuốc. Sinh khương, đại táo ôn tỳ giúp cho bài thuốc được toàn diện trong điều trị.

Các y gia thời xưa cho rằng: Thời lệnh của thử khí bắt đầu từ Hạ chí. Đến trường hạ thì có thêm cả thấp khí, bài thuốc này điều trị được tất cả chứng thử và chứng thấp. Nếu mắc chứng viêm thử thì biểu khí dễ tiết. Khi kiêm cả thấp khí thì làm trung khí (khí của tỳ vị) không bền. Vị hoàng kỳ trong bài còn có tác dụng làm cho biểu thực. Vị bạch truật, thần khúc, cam thảo còn có tác dụng điều chỉnh khí ở trung tiêu. Nếu Thử tung hoành ác liệt làm cho phế kim mắc bệnh, thì đã có nhân sâm, ngũ vị tử, mạch môn đông để bổ phế, liễm và thanh phế khí.

Trong cơ thể khi hỏa thịnh thì thủy suy, cho nên dùng hoàng bá, trạch tả để tư dưỡng nguồn hóa sinh. Khi tân dịch trong cơ thể tổn thương thì miệng khát, cho nên dùng đương quy, cát căn để sinh ra dịch ở vị (dạ dày). Khi thanh khí không thăng thì dùng vị thăng ma để giải quyết, Khi trọc khí không giáng thì dùng lưỡng bì (thanh bì, quất bì) để giáng. Nếu trong bài thiếu vị thương truật thì không trị được cái thấp của trường hạ.

Qua thực nghiệm trên lâm sàng cụ Trình Ứng Mao lại cho rằng: “Người ta biết đến phép thanh thử, còn tôi thì cho rằng bài thuốc có kiêm cả ích khí bởi vì thử bao giờ cũng làm tổn thương chính khí. Ích khí không chỉ dùng một mình kim (phổi) để có thể thắng nổi hỏa. Nhưng trong bài làm cho thanh khí thăng lên thì sẽ hóa thành tân, thành dịch. Khi trọc khí giáng xuống thì sẽ hóa thành cái thủy trong Thận. Bởi vì thủy và khí không đủ thì hỏa dâm (hỏa độc) sẽ cướp phá. Đó là chiều sâu tác dụng của bài thuốc”.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Trường hợp thấp nặng hơn thử dùng bài “Thanh táo thang” để điều trị. Biểu hiện: vận động khó khăn, đi đứng khó khăn, xiêu vẹo, chân bước tập tễnh.

Bài thuốc gồm: Hoàng liên 8g, mạch môn 8g, sinh địa 8g, trư linh 8g, hoàng bá (sao rượu) 8g, quy thân 8g, chích cam thảo 6g, thần khúc 8g, nhân sâm 12g, trư linh 12g, bạch phục linh 12g, thăng ma 12g, quất bì 6g, trạch tả 6g, bạch truật 6g, thương truật 15g, hoàng kỳ 16g, ngũ vị tử 6g.

Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói khi thuốc còn nóng.

Lời bàn: Thanh thử ích khí thangThanh táo thang đều là các phương thuốc trị chứng thử thấp. Thanh thử ích khí thang dùng để điều trị chứng thử thịnh hơn thấp. Thử thường làm tổn thương khí cho nên sốt cao, khát nước nhiều, người mệt mỏi, tự ra mồ hôi, mạch hư cho nên lấy bổ khí làm chủ yếu. Cho ít vị thuốc trừ thấp là theo khí của thời lệnh (khí hậu đến đúng mùa). Còn phương Thanh táo thang là để trị chứng thấp nặng hơn thử. Thanh thử sang thanh táo nên phải gia tăng các vị tả nhiệt, lợi thấp. Bài thanh thử bỏ vị cát căn vì bệnh nhân không có triệu chứng sốt cao. Gia thêm 2 vị trư linh và bạch phục linh để làm cho thấp rút đi. Gia hoàng liên, sinh địa để tập trung vào tả Hỏa. 2 vị Linh đi kèm với 2 vị truật để làm tăng khả năng lợi thủy táo thấp, hoàng liên, sinh địa đi kèm với hoàng bá thì việc cứu phế kim để sinh thủy. Cho nên đời sau có những y gia gọi Bài thanh táo thang là bài: “Thanh táo cứu phế thang”.

TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-thanh-thu-ich-khi-thang-chua-benh-mua-truong-ha-n180397.html