Bài thuốc tắm nước lá me cho con để trị cảm cúm, long đờm được mẹ Thái Lan truyền đời

Loại nước lá me + hành tây này rất được các mẹ Thái Lan ưa dùng để tắm cho con.

Trong sách y học cổ truyền của Thái lan đã liệt kê ra một số loại thảo dược như sả, hẹ, lá chanh có tác dụng trị cảm lạnh, lá me chua có tác dụng trị long đờm ở cổ họng hoặc mũi.

Chính vì thế, theo chia sẻ trên trang The Asian Parent Thailand, tắm cho trẻ bằng nước lá me hành tây từ lâu đã trở một phương pháp dân gian được nhiều mẹ lựa chọn để dùng trị cảm lạnh cho trẻ. Các mẹ thường áp dụng để tắm cho con vài tháng, nhưng chủ yếu là tắm cho trẻ lớn, trên 1 tuổi.

Nhiều mẹ sử dụng bài thuốc lá me + hành tây để tắm cho con.

Nhiều mẹ sử dụng bài thuốc lá me + hành tây để tắm cho con.

Về công dụng của hai nguyên liệu lá me và hành tây. Theo chia sẻ từ bác sĩ Nguyễn Thị Nga trên báo Sức khỏe và Đời sống, trong Đông y lá me có tác dụng giải độc, trị bệnh ngoài da, thường tắm cho trẻ em đề phòng bệnh ngoài da vào mùa hè. Trong đó, lá me có tác dụng tốt trong việc trị rôm sảy, mẩn ngứa cho trẻ.

Còn hành tây cũng là một nguyên liệu thường để dùng trong chế biến các món ăn. Ngoài ra, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng hành tây có chứa một số phytoncide như allicin có tính kháng khuẩn mạnh, tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn lây nhiễm, bao gồm cả vi khuẩn E. coli và Salmonella. Nếu đặt một củ hành tây trong phòng có tác dụng diệt khuẩn, làm sạch không khí trong phòng, đặc biệt khi trong nhà có trẻ nhỏ hoặc người bị cảm cúm.

Cách nấu nước lá me tắm cho trẻ được thực hiện như sau:

- Rửa thật sạch lá me và hành tây.

- Đun sôi nồi nước lá me, sau đó đập nhẹ của hành tây cho thêm vào nồi nước và tiếp tục đun sôi. Tuy nhiên, lưu ý không được sử dụng quá nhiều hành tây và lá me vì nó có thể gây kích ứng cho da trẻ nhỏ.

Cần làm sạch lá me trước khi nấu nước tắm cho trẻ.

- Sau khi nước sôi sùng sục, mẹ tắt bếp và để nước ấm ấm là có thể đổ ra chậu cho bé tắm bình thường. Có thể cho bé nằm trong bồn nước lá me hành tây sau đó lau khô người và tránh gió.

Với cách tắm dân gian này, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý:

- Dùng lá me và hành tây với liều lượng ít và phải được làm sạch trước khi nấu nước tắm cho bé.

- Không để nước vào tai, mũi hay mắt trẻ vì có thể gây rát và cay mắt.

- Nếu trên cơ thể trẻ xuất hiện các vết thương hở, bị xước da hay mắc bệnh về da thì tuyệt đối không được tắm nước lá me cho trẻ.

- Việc tắm nước lá me cho trẻ chỉ có tác dụng hỗ trợ phục hồi cảm lạnh. Trong trường hợp bé không có dấu hiệu thuyên chuyển mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay để có những biện pháp điều trị chính xác hơn.

Một số công thức tắm lá khác cũng được dân gian truyền miệng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cho bé như sau:

Nước lá kinh giới

Thông thường, mẹ chỉ cần dùng một nắm lá tươi, rửa thật sạch rồi vò nát để pha nước tắm cho bé. Nếu là lá khô thì đem nấu sôi chừng 10 phút rồi làm tương tự như vậy.

Mẹ cũng có thể kết hợp lá kinh giới với mướp đắng (khổ qua) để tăng hiệu quả bằng cách: rửa sạch tất cả rồi đem cắt nhỏ, xay hoặc giã nhuyễn sau đó lọc lấy nước và pha vào nước tắm cho con.

Nước lá khế trị rôm sảy

Mẹ lấy một nắm lá khế, rửa sạch với nước muối loãng rồi cho vào nồi đun sôi để tắm cho con chừng 3 lần một tuần. Lá khế không chỉ làm bay rôm sảy mà còn khiến bé đỡ ngứa ngáy, khó chịu.

Mẹ cũng có thể vò trực tiếp lá tươi rồi lọc lấy nước để pha vào chậu tắm cùng 1 chút muối, nhưng lá khế vốn có nhiều sâu gây ngứa nên mẹ phải đảm bảo là rửa thật sạch nhé! Cũng không nên tắm quá thường xuyên vì lá khế có nhựa sẽ làm da bé xỉn màu.Lá chè xanh trị rôm sảy

Lá chè xanh

Có tác dụng trị rôm sảy rất tốt, tuy nhiên khi tắm bằng lá này, các mẹ nên lưu ý: chè xanh dùng để tắm cho bé phải thật sạch, an toàn. Nên đun sôi một lúc để lá chè ngấm và pha đặc một chút (nước có màu nâu vàng), bởi nếu nước nhạt quá sẽ không có tác dụng. Mẹ cũng không cần tắm chè xanh hàng ngày cho con, vì sẽ rất mất thời gian và làm vàng khăn, vàng áo bé.

* Lưu ý: Các phương pháp trên đây chỉ là những kinh nghiệm dân gian được các bà các mẹ truyền lại. Mẹ cần phải áp dụng vào tình trạng thực tế của con trước khi sử dụng và nên thăm khám bác sĩ để được điều trị chính xác bệnh.

Theo tiến sĩ, bác sĩ đông y Vũ Minh Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến, bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các loại lá cần được xử lý rất cẩn thận với nhiều công đoạn trước khi đem đi nấu lấy nước tắm cho bé:

- Rửa thật sạch cây, lá để loại trừ bụi bẩn và trứng côn trùng. Nên ngâm, rửa với nước muối loãng để tăng thêm hiệu quả trước khi đun sôi.

Các loại lá đều nên được đun sôi, để nguội để đảm bảo an toàn cho trẻ. Riêng kinh giới có thể nấu chín hoặc giã lá tươi tắm luôn, nếu đun thì không nên đun sôi quá kỹ, bởi như vậy sẽ làm mất đi lượng tinh dầu có tác dụng tốt.

- Lọc để vứt bỏ bã lá, chỉ lấy phần nước để sử dụng.

- Tắm tráng cho trẻ bằng nước ấm trước để loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn trên da, sau đó tắm nước lá và cuối cùng lại tráng bằng nước lọc đun sôi một lần nữa để loại bỏ những bột lá có thể sót lại trên da.

Theo Chi Chi/Khám phá Copy link

Link bài gốc Lấy link

http://khampha.vn/me-va-be/bai-thuoc-tam-nuoc-la-me-cho-con-de-tri-cam-cum-long-dom-duoc-me-thai-lan-truyen-doi-c32a652608.html

Theo Chi Chi/Khám phá

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/bai-thuoc-tam-nuoc-la-me-cho-con-de-tri-cam-cum-long-dom-duoc-me-thai-lan-truyen-doi/20200817085812863