Bài thuốc quý từ quả mận Bắc ít người biết

Mận là cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc nước ta. Mùa Xuân ra hoa, mùa Hè cho quả. Các bộ phận của cây mận đều được dùng làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây mận như: quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Quả mận có vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao cốt chưng, âm hư nội nhiệt, thủy thũng, tiêu khát... Rễ mận thường được thu hoạch vào tháng 9-10, vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Lá mận vị chua, tính bình, chuyên trị vết thương do sang chấn... Nhân hạt mận còn gọi là lí hạch nhân, vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng.

Trong khi đó quả mận chứa nhiều axit amin như asparagin, glutamine, glycine, serin, alanin, đường, acid hữu cơ, vitamin C... Quả mận giàu chất xơ, không có chất béo cũng như cholesterol xấu. Mỗi quả mận chỉ chứa 30 calo, 5 g đường, 0,5 g protein và 1 g chất xơ nên cũng rất tốt cho người muốn giảm cân.

Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian:

- Vết thương do côn trùng đốt: Lấy hạt mận rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương để 5 phút rồi rửa sạch. Đắp ngày 2 lần.

- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Mận tươi 5 lạng, chọn loại vẫn còn hơi xanh, chưa chín đỏ, đem rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước uống. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Sử dụng theo cách này sẽ giúp giảm đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, dùng liền 10 ngày.

- Giảm đau nhức răng: Rễ mận 30g, sắc đặc với 100ml nước, ngậm 5-7 phút vào buổi sáng, chiều, tối trước khi đi ngủ, ngậm 5 ngày.

- Tác dụng nhuận tràng: Nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml, sắc còn 250, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 10 ngày.

- Chữa đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi: Lá mận 50g, lá thài lài tía, lá đào, lá si, lá dâm bụt mỗi thứ 30g. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ, sao vàng ngâm với rượu 10-15 ngày. Dùng rượu này xoa bóp chỗ đau ngày 2 lần.

- Làm đẹp da mặt: Quả mận tươi 250g, rửa sạch, bỏ hạt, giã nát, ép lấy nước rồi hòa với 250ml rượu gạo, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-20ml.

- Sạm da, nám da: Nhân hạt mận nghiền thành bột mịn trộn với lòng trắng trứng, đem đắp mỗi ngày 1-2 lần sẽ có hiệu quả sau khoảng 1 tuần sử dụng.

Những người kiêng kị:

Những người tỳ vị yếu không nên ăn nhiều mận.

Người đang đói: Khi đói có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận bởi chất oxalate trong mận có thể cản trở quá trình hấp thu canxi trong cơ thể và kết quả là dẫn đến kết tủa canxi trong thận, ảnh hưởng tới thận và bàng quang. Do đó bạn không nên ăn nhiều mận. Ngoài ra, ăn mận vào lúc đói vì mận có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Phụ nữ có thai: Bà bầu có thân nhiệt nóng hơn bình thường không nên ăn nhiều mận vì có thể sinh phát ban, gây hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhii.

Người bị bệnh thận: Trong mận có chứa nhiều chất oxalate. Khi ăn nhiều mận, chất này có thể gây cản trở hấp thụ calci trong cơ thể dẫn đến hiện tượng kết tủa trong thận. Đây chính là nguyên nhân gây sỏi thận và sỏi bàng quang.

Quả mận không chỉ là món ăn vặt hấp dẫn mà có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, là nguyên liệu được sử dụng để làm bài thuốc chữa bệnh.

Theo Gia đình Việt Nam

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/bai-thuoc-quy-tu-qua-man-bac-it-nguoi-biet-d127693.html