Bài thơ vách núi ở bên hồ Hòa Bình có phải của Lê Lợi hay không?

Tác giả Bình Lục bên cạnh bài thơ vách núi ở bên hồ Hòa Bình.

CHINH ĐIÊU CÁT HÃN, QUÁ LONG THỦY ĐÊ
(Thuận Thiên nhị niên mạnh hạ)

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,Lão ngã do tồn thiết thạch can.Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,Tráng tâm di tận vạn trùng san.Biên phòng vi hảo trù phương lược,Xã tắc ưng tu kế cửu an.Hư đạo nguy than tam bách khúc,Như kim chỉ tác thuận lưu khan.(Hoàng Việt thi tuyển-Bùi Huy Bích)Dịch nghĩa:ĐI ĐÁNH ĐIÊU CÁT HÃN TRỞ VỀQUA ĐƯỜNG ĐÊ LONG THỦY(Tháng tư niên hiệu Thuận Thiên thứ 2-1429)Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn,Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá.Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù,Tráng tâm san phẳng muôn trùng núi non.Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng,Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu.Lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co rất nguy hiểm,đã thành lời hư không,Ngày nay chỉ coi như thuận dòng chảy xuôi.DỊCH THƠ Hiểm nghèo, đâu quản khó khăn,Tuy già ta vẫn bền gan vững lòng!Khí thiêng quét sạch mây giăng,Tráng tâm san phẳng mấy tầng núi non.Biên cương phương lược vẹn tròn,Giữ nền Xã Tắc mãi còn dài lâu.Ba trăm ghềnh thác xá đâu,Nay xem cũng chỉ là câu dọa người!...(VŨ BÌNH LỤC-dịch)

Bài thơ này, tương truyền do Lê Lợi (1381-1433) viết, có lẽ là căn cứ vào ý tứ và vị thế cùng “khẩu khí” của người viết chăng? Nhưng theo sách HƯNG HÓA KÝ LƯỢC của nhà sử học đời Nguyễn là Phạm Thận Duật, thì bài thơ này vốn được khắc vào núi đá tại phố Vạn Bờ, xã Hào Tráng, châu Đà Bắc (Hưng Hóa), tên hiệu của tác giả là “Ngọc Hoa Động Chủ”, trong khi đó, tên hiệu của Lê Lợi lại là “Lam Sơn Động Chủ”, do vậy, chưa chắc đây là sáng tác của Lê Lợi ! Tuy nhiên, nếu không phải là thơ của Lê Thái Tổ, thì cũng là thơ của một ai đó, từng cầm quân đi đánh dẹp Điêu Cát Hãn (Đèo Cát Hãn), một thủ lĩnh người dân tộc miền núi vùng Hưng Hóa, có tên hiệu là “Ngọc Hoa Động Chủ” chăng?

Bài thơ được khắc vào núi đá ở châu Đà Bắc, lại còn được ghi rõ là vào tháng 4 niên hiệu Thuận Thiên thứ hai-1429. Hai câu đầu khái quát về ý chí của người làm tướng đi đánh dẹp:

Đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn,Ta tuy già mà gan còn vững như sắt đá.(kỳ khu hiểm lộ bất từ nan,Lão ngã do tồn thiết thạch can)

Đã thấy dựng lên sự đối lập. Câu đầu là đối lập giữa thiên nhiên núi non hiểm trở, với quyết tâm của nhân vật trữ tình chủ thể. Câu 2 là đối lập giữa tuổi tác (tuổi già) và ý chí của con người (Gan vẫn vững như sắt thép).

Hai câu 3 và 4, tả thực, cụ thể hóa cái ý chí của tác giả, bằng hai câu thơ đối nhau hoàn chỉnh:

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,Tráng tâm di tận vạn trùng san.

Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù. Ý thơ không có gì mới, chỉ là nhắc lại câu nói của người xưa, nhưng đặt vào đây là cần thiết. Nghệ thuật khoa trương trong một tiểu đối, thú vị. Đối lập giữa cái vô hình, trừu tượng (Nghĩa khí) của một cá thể nhỏ bé, với cái cụ thể (Nghìn lớp mây mù) lại hàm nghĩa kỳ vĩ, ghê gớm, biểu trưng như một trở lực u ám. Chữ “tảo không” (quét sạch) là một động từ mạnh, bồi bổ thêm cho sức mạnh của Nghĩa khí, của chính nghĩa tạo nên nội lực của ý chí. Cũng như vậy, câu 4 đối với câu 3 theo thông lệ. Nhưng cũng có tiểu đối giữa Tráng tâm (vô hình) với Di tận vạn trùng san (hữu hình), cũng bằng nghệ thuật khoa trương như thế.

Hai câu 5 và 6, luận về công việc biên phòng và mưu kế dài lâu để giữ vững Xã Tắc, tức giang sơn Tổ Quốc. Việc đánh dẹp Đèo Cát Hãn đây, do đấy, cũng là một việc đáng phải làm, để giữ vững ổn định biên cương. Tính kế dài lâu, cũng là để giữ yên Xã Tắc, như một tất yếu. Người lo việc đại sự quốc gia, đương nhiên phải tính đến những phương lược lâu dài.

Hai câu kết, khép lại cái ý đã mở ở trên, nhưng lại thông qua việc nhắc lại một câu ca dao có xuất xứ từ chính nơi đây.

Lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co rất nguy hiểm, đã thành lời hư không,

Ngày nay chỉ coi như nước thuận dòng chảy xuôi.

Cũng theo sách Hưng Hóa ký lược của nhà sử học Phạm Thận Duật, Phục Lễ, tức là Mường Lễ đất Hưng Hóa, có câu ca dao:

“ Đường lên Mường Lễ bao xa,Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh”.

Đấy là tả cái sự hiểm trở của núi non ghềnh thác ở nơi đây. Tác giả nhắc lại ý câu ca dao ấy, để khẳng định thêm rằng, lời câu ca dao truyền tụng trên, giờ đây xem như chả có ý nghĩa gì (hư đạo). Chỉ là “Hư không” thôi. Thế là sao? Là bởi vì ta đã chinh phục được, đã vượt qua núi non ghềnh thác hiểm trở Mường Lễ, chẳng khó khăn gì! Đã chinh phục được, bằng ý chí và sức mạnh của ta, như thể chỉ “coi như nước thuận dòng chảy xuôi” như thế đấy thôi.

Bài thơ thể hiện tráng chí của người chiến thắng. Chiến thắng thiên nhiên hiểm trở, chiến thắng kẻ thù, chiến thắng cả chính mình.

Hơi thơ hào sảng, phơi phới niềm tự hào chính đáng của người làm chủ hoàn cảnh, tự tin vào tài năng và ý chí chiến thắng của mình.

Một tác phẩm văn chương đầy hào khí của người xưa, chưa rõ tác giả, nhưng lại được “trục vớt” lên từ lòng hồ sông Đà, khi người ta tiến hành đắp con đập lớn để chặn dòng sông lại, biến nó thành một cái hồ nước mênh mang. HỒ HÒA BÌNH đấy ! Chưa hẳn, hoặc giả là không phải bài thơ do Lê Lợi sáng tác, nhưng đưa được tảng đá thật lớn, có khắc bài thơ hay bên sông Đà trước đây, lên đặt trang trọng ở khu đền thờ Lê Lợi mới được xây dựng khang trang trên một quả đồi cao, cũng là một việc làm cần thiết, để lưu lại dấu ấn vật thể văn hóa hữu hình của người xưa, cũng thật đáng quý biết bao !

V-B-L

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bai-tho-vach-nui-o-ben-ho-hoa-binh-co-phai-cua-le-loi-hay-khong-80146