Bài thơ cuối cùng của Trương Hán Siêu - Hóa Châu tác

Có lẽ, đây là bài thơ viết cuối đời và cũng là cuối cùng của Trương Hán Siêu. Khác với những bài thơ viết thời còn trai trẻ, bài THƠ LÀM Ở HÓA CHÂU mang âm hưởng trầm buồn, da diết. Đó là cảm xúc của một con người bản thể, ở thời điểm mà thân đã tàn, sức đã kiệt, chuẩn bị phải đón nhận cái kết đau buồn không ai có thể thoát được, theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Dịch nghĩa

HÓA CHÂU TÁC

Ngọc kinh hồi thủ ngũ vân thâm,
Linh lạc tàn sinh khổ bất câm (cầm).
Dĩ biện hoang giao mai bệnh cốt,
Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm.

THƠ LÀM Ở HÓA CHÂU

Ngoảnh đầu lại Ngọc kinh, năm mây thăm thẳm,
Kiếp sống tàn điêu linh xơ xác, khổ không chịu nổi.
Đã sửa soạn chốn hoang vu để chôn vùi nắm xương ốm yếu,
Cỏ cây nơi trời biển xa xôi cùng ta ngâm thơ sầu.

DỊCH THƠ

Bản dịch của Hoa Bằng

Ngoảnh lại năm mây phủ đế đô,
Hồn tàn bao xiết khổ bơ vơ.
Thôi đành cõi rậm vùi xương bệnh,
Cây cỏ chung sầu cũng họa thơ.

Bản dịch của Vũ Bình Lục

Thăng Long thăm thẳm xa vời,
Thân tàn xơ xác, đứng ngồi khổ ghê.
Nắm xương gửi chốn quay về,
Thơ buồn viễn xứ, cỏ quê họa vần.

Có lẽ, đây là bài thơ viết cuối đời và cũng là cuối cùng của Trương Hán Siêu. Khác với những bài thơ viết thời còn trai trẻ, bài THƠ LÀM Ở HÓA CHÂU mang âm hưởng trầm buồn, da diết. Đó là cảm xúc của một con người bản thể, ở thời điểm mà thân đã tàn, sức đã kiệt, chuẩn bị phải đón nhận cái kết đau buồn không ai có thể thoát được, theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử.
Hóa Châu, tức xứ Thuận Hóa, trước đó là châu Ô, châu Lý của nước Chiêm Thành, tức vùng đất rộng lớn bao gồm các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến khoảng sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam bây giờ. Vua Chế Mân của Chiêm Thành đã cắt vùng đất Ô - Lý làm của hồi môn để được cưới công chúa Trần Huyền Trân làm vợ. Trương Hán Siêu được vua Trần cử vào giữ chức Chiêu dụ đại sứ ở vùng đất mới thuộc về Đại Việt này. Tuổi đã cao, lại bệnh tật, ốm đau, ông được đưa về Bắc và sau đó thì mất.
Ngoảnh đầu lại Ngọc Kinh, năm mây thăm thẳm,
Kiếp sống tàn điêu linh xơ xác, khổ không chịu nổi.
Từ châu Hóa (Thuận Hóa) ngoảnh nhìn về Thăng Long, nơi ấy là kinh đô mà gần như cả một đời tác giả làm quan và sống ở đó. Nơi ấy cũng là nơi vua ở. Năm mây (ngũ vân), là biểu tượng của nhà vua, bây giờ đã là xa thăm thẳm. Cách đây hơn bảy trăm năm, khoảng cách ấy là đã xa xôi lắm. Xa xôi về địa lý, xa xôi về khoảng cách tâm lý, cho nên cảm giác ấy là hoàn toàn hợp lý. Một vị quan to, trấn trị ở vùng đất mới thu hồi, mọi thứ đều mới mẻ và hết sức khó khăn. Trương Hán Siêu là một vị quan già, kiến văn sâu rộng và kinh nghiệm đầy mình, được triều đình cử vào với chức quan Chiêu dụ đại sứ, nhằm ổn định vùng đất mới này. Làm quan đứng đầu một vùng đất đai rộng dài, sản vật vô cùng phong phú, tất không thể nói là thiếu thốn vật chất, mà ở đây là nỗi khổ về tuổi già, thân thể đã tới mức tàn tạ, xác xơ đổ nát như tường vách rồi, bệnh tật hành hạ đến mức “không chịu nổi”, cũng là dễ cảm thông. Biết mình không thể trụ vững được nữa, nên ông cũng đã tự lo trước việc hậu sự, chọn nơi vùi nắm xương tàn của mình sau này. Hiện thời trong lúc tâm sự bi thương, chỉ có thể cùng với cỏ cây ở nơi trời biển xa xôi lặng lẽ ngâm thơ buồn mà thôi !
Thơ bày tỏ nỗi lòng riêng, buồn thăm thẳm, xót xa mà rất chân thực, thấm thía sâu sắc lắm thay!

Vũ Bình Lục

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bai-tho-cuoi-cung-cua-truong-han-sieu--hoa-chau-tac-62497