Bài thi viết 'Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận': Hãy đến với Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Một vinh dự lớn đến với Cao Bằng, đó là việc, ngày 12.4 vừa qua, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Một phần vẻ đẹp của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Mở ra hướng du lịch mới

Từ năm 2015, Ủy ban quốc gia (UBQG) UNESCO đã giới thiệu với tỉnh Cao Bằng mô hình phát triển bền vững của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.

Lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và cộng đồng địa phương đã cùng Ban thư ký UBQG UNESCO (Bộ Ngoại giao) và Tiểu ban Kỹ thuật về Công viên Địa chất Toàn cầu của UBQG (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) quyết tâm triển khai trên thực tế các bước xây dựng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối với Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO (GGN) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO (tháng 11 năm 2016).

UBQG UNESCO Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng và người dân địa phương tiến hành các bước bảo vệ thành công hồ sơ trước các cơ quan uy tín quốc tế, bao gồm Nhóm Thẩm định Công viên Địa chất Toàn cầu (tháng 7.2017) và Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO (tháng 9.2017).

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người.

Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông... phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới.

Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản... tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể Hồ Thang Hen, Động Ngườm Ngao… và đặc biệt thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất trên thế giới.

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt, là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Việc được công nhận là sẽ mở ra hướng đi về du lịch cho Cao Bằng.

3 tuyến trải nghiệm

Theo Ban quản lý Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng thì sẽ có 3 “tuyến đường trải nghiệm” sẽ cho bạn cơ hội khám phá một phần CVĐC cũng như các đối tác của công viên và người dân bản địa. Từng tuyến đều có thể đi về trong ngày, hoặc lâu hơn nếu có thời gian, và chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm độc đáo, riêng có và không thể nào quên về Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng!

Tuyến 1: Khám phá Phia Oắc - Vùng núi của Những đổi thay:

Tuyến tham quan “Khám phá Phía Oắc - vùng núi của những đổi thay” theo hướng tây, với các điểm dừng chân như: Di chỉ đại dương cổ, đồn Khai Phắt, Hợp tác xã thêu hoa văn và in sáp ong của người Dao Tiền, mỏ thiếc Tĩnh Túc, vonfram Lũng Mười và Bản Ổ, trang trại cá hồi Phía Đến, đồn điền chè Kolia và trọng tâm là Vườn quốc gia Phía Oắc-Phía Đến và Di tích quốc gia đặc biệt Khu rừng Trần Hưng Đạo, sẽ là một trải nghiệm đặc sắc mà du khách khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác ở CVĐC Non nước Cao Bằng.

Tuyến 2: Tuyến tham quan “Trở về nguồn cội”:

Từ TP.Cao Bằng ngược lên phía bắc, với các điểm dừng chân như: Đền Dẻ Đoóng, hang Ngườm Bốc, đền Vua Lê, Vườn Đá, Ngườm Slưa, hóa thạch Cúc Đá, cảnh quan karst Kéo Yên, di chỉ hoạt động của đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên và trọng tâm là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn quãng đời hoạt động cách mạng 1941-1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyến du lịch “Trở về nguồn cội” được thiết kế với thời lượng một ngày có thể là lựa chọn đầu tiên của du khách khi đến với Cao Bằng.

Tuyến 3: Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên:

Tuyến trải nghiệm ở phía Đông này thực sự sẽ là điểm nhấn đối với du khách. Bên cạnh cảnh quan karst trưởng thành và già, du khách sẽ có dịp đến với các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian, cũng như những món ăn nổi tiếng của người Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ… Cuộc sống dân giã, thanh bình hòa quyện trong khung cảnh trời mây, non nước sẽ khiến du khách muốn trùng lòng xuống, sống chậm lại để thư thả tận hưởng những giây phút thanh thản quý giá, hiếm hoi ở “xứ xở thần tiên”.

Ngôi chùa lớn “Phật tích Trúc lâm Bản Giốc” cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn-đối tác của CVĐC sẽ góp phần làm giàu thêm kho trải nghiệm của du khách cả về tâm linh lẫn vật chất. “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ xở thần tiên”, được thiết kế với thời lượng 1-2 ngày, và có thể còn kéo dài hơn tùy theo nhu cầu, chắc chắn nên là một trong những tuyến tham quan “chốt hạ” của du khách.

HẠ AN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/du-lich/bai-thi-viet-viet-nam-ve-dep-bat-tan-hay-den-voi-cong-vien-dia-chat-non-nuoc-cao-bang-601370.ldo