Bài thi Khoa học xã hội đạt điểm trung bình không khó

Sáng 27/6, kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã kết thúc sau khi thí sinh hoàn thành xong bài thi Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: VA

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: VA

Đề thi Lịch sử hay, vừa sức

Nhận xét đề thi môn Lịch sử, ThS Đặng Ngọc Tú – Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng, đề thi thể hiện đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT là dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ vì có khả năng phân hóa cao.

Tuy nhiên, thầy Ngọc Tú cho rằng, khi mới đọc đề thi, học sinh có thể bị “ngợp” bởi những sự kiện, con số… Từ câu 1 – 22 hoàn toàn là kiến thức căn bản học sinh có thể trả lời được ngay; từ câu 23-40 có vận dụng và vận dụng cao, đặc biệt mấy câu cuối để phân loại thí sinh.

Ưu điểm lớn nhất của đề thi Lịch sử là nội dung hỏi không khiến học sinh bị “bẫy”; với kiến thức lịch sử căn bản, mỗi học sinh đều được trang bị trong quá trình học và ôn luyện.

Những câu vận dụng, vận dụng cao, chỉ đòi hỏi học sinh tư duy khái quát, tổng hợp là có thể trả lời được. Ví dụ, câu 38 (mã đề 36) hỏi về nét tương đồng về nghệ thuật quân sự của Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)…

Thầy Đặng Ngọc Tú chia sẻ thêm: “Nếu là học sinh của tôi, với đề này các em sẽ rất thích. Học sinh chỉ cần tập trung nghe cô giảng trên lớp và khắc sâu các sự kiện lịch sử cơ bản, có tư duy phân tích là có thể làm tốt đề thi này. Đây có lẽ là lý do học sinh ngày càng thích chọn bài thi Khoa học xã hội".

"Đây là đề thi hoàn chỉnh, đi đúng hướng, rất cơ bản nhưng cũng có sự nâng cao để phân loại" - thầy Đặng Ngọc Tú khẳng định.

Đề Địa lí có mức độ khó tăng hơn so với đề năm 2017

Nhận xét về đề Địa lí, thầy Vũ Hải Nam, Giáo viên Tuyensinh247.com, đồng thời là giáo viên THPT chuyên Nguyễn Huệ Hà Nội cho biết, nội dung đề thi bao gồm kiến thức Địa lí lớp 11 và Địa lí lớp 12 và thực hành kĩ năng Địa lí.

Đề thi gồm 4 mức độ: Nhận biết 18 câu, thông hiểu 12 câu, vận dụng thấp 6 câu, vận dụng cao 4 câu. Học sinh thi chỉ có mục đích xét tốt nghiệp THPT quốc gia có thể làm được khoảng 5,5 điểm; Học sinh khá, giỏi có thể đạt 8-9 điểm.

Thầy Vũ Hải Nam cho hay, nội dung đề thi bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, phạm vi phủ rộng khắp các chuyên đề theo đề thi minh họa của Bộ. Nội dung đề thi chia thành 2 phần kiến thức và thực hành kĩ năng Địa lí. Tuy nhiên, đề có độ khó cao hơn đề minh họa Bộ đã công bố.

Đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Mức độ khó có tăng hơn so với đề năm 2017.

Số lượng câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn so với năm 2017. Các câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, 20 câu đầu phù hợp với các thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, học sinh lấy điểm xét đại học cần làm tốt các câu sau. Các câu hỏi cuối đòi hỏi thí sinh cần có tư duy phản biện và hiểu rất rõ bản chất vấn đề. Tuy nhiên, nội dung vẫn không nằm ngoài chương trình thi.

Nhìn chung, đề có sự phân hóa cao với các đối tượng học sinh theo mục đích xét tuyển. Để đạt điểm trung bình khá dễ song để đạt được điểm tuyệt đối môn Địa lí và điểm cao sẽ ít hơn năm 2017. Một số đáp án trả lời còn dễ gây nhầm lẫn và khó lựa cho thí sinh.

Đề thi Giáo dục công dân không đánh đố học sinh

Nhận xét đề thi Giáo dục công dân (mã đề 301), cô giáo Vũ Thị Thu Thủy – Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho hay, trong đề có khoảng 20 câu hỏi nhận biết và thông hiểu (chiếm 50%); ngoài ra đề chỉ có 7 câu hỏi ở mức vận dụng, 13 câu hỏi vận dụng cao.

Về nội dung kiến thức, chủ yếu là kiến thức cơ bản, có trọng tâm, học sinh đại trà có thể làm bài được ở mức 5-6 điểm để tốt nghiệp THPT. Từ câu hỏi thứ 21 trở đi đã có sự phân hóa; đặc biệt từ câu hỏi thứ 28 đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức cơ bản mà phải có kiến thức thực tiễn mới có thể trả lời được. Nhưng tất cả các kiến thức trong đề học sinh đã được học ở trường.

Cô giáo Vũ Thị Thu Thủy chia sẻ thêm, hầu hết các phương án đưa ra trong từng câu hỏi đều rõ ràng, không đánh đố học sinh. Với đề thi này, học sinh đạt điểm 9-10 rất khó. Các em phải nắm vững được kiến thức cơ bản và có hiểu biết thực tiễn rộng, đặc biệt là kiến thức pháp luật.

Với phương hướng ra đề này, giúp học trò tránh được học tủ, học lệch, đặc biệt các em sẽ hiểu biết kiến thức pháp luật sâu rộng hơn. Điều này là vô cùng cần thiết trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay. Nhìn chung, đề thi năm nay cơ bản đã phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia./.

Nhóm PV

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/thoi-su/bai-thi-khoa-hoc-xa-hoi-dat-diem-trung-binh-khong-kho-488671.html