Bãi rác thành con đường nghệ thuật

Dự án nghệ thuật chỉnh trang con đường ven đê sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm đã làm thay đổi bộ mặt của khu dân cư vốn là nơi tập kết rác thải, phế liệu. Thông qua 16 tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt suốt chiều dài con đường, nhóm họa sĩ thực hiện dự án đã thổi không khí mới vào cuộc sống của cộng đồng dân cư nơi đây.

Dự án nghệ thuật nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của người dân. Ảnh: Lại Tấn

Dự án nghệ thuật nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của người dân. Ảnh: Lại Tấn

Lợi ích kép

Con đường nhỏ tại phường Phúc Tân, nơi thực hiện dự án chỉnh trang, nâng cấp, xây dựng các mô hình nghệ thuật, đặt phía sau một bức tường như mốc giới để tránh việc xây dựng lấn chiếm đất ven sông Hồng. Chính vì lẽ đó, con đường này từ lâu trở thành nơi tập kết rác thải của cả cộng đồng dân cư, thường xuyên trong tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt vào mùa lũ, nước lên cao. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của phóng viên, con đường ven sông còn là nơi tiềm ẩn nhiều tệ nạn xã hội.

Trước khi thực hiện tác phẩm, các nghệ sĩ đã nghiên cứu về chất liệu phù hợp với không gian ven sông, chẳng hạn chịu được sức gió lớn, thời tiết nắng mưa. Bên cạnh các chất liệu có độ bền cao như sắt, thép, xi măng, các vật liệu tái chế được xử lý, sơn phủ để hạn chế bạc màu, bong tróc... Ước tính, độ bền của tác phẩm trung bình từ 3 - 5 năm.

Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam – thành viên Hội đồng giám tuyển của dự án, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn

Xuất phát từ thực trạng trên, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng dự án nghệ thuật chỉnh trang môi trường, cảnh quan nơi đây. “Đề bài” của chính quyền địa phương đặt ra đã có một nhóm họa sĩ nhận. Sau nửa năm thực hiện, 16 mô hình nghệ thuật sắp đặt dần hoàn thiện. Một nhóm họa sĩ đã “phù phép” nơi tập kết rác trở thành con đường nghệ thuật. Nổi bật trong 16 mô hình có thể kể đến 4 chiếc thuyền buồm được nghệ sĩ Vũ Xuân Đông thực hiện bằng 10.000 chai nhựa, lon nước, hộp dầu xe máy đã qua sử dụng. Cụm mô hình những ngôi nhà nổi ở bãi giữa sông Hồng được làm bằng thùng phi do nghệ sĩ Lê Đăng Ninh thực hiện.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn – giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam – thành viên Hội đồng giám tuyển của dự án: “Dự án nghệ thuật tại con đường ven sông Hồng không đơn thuần chỉ là nơi vẽ những bức tranh lên tường như ở Phùng Hưng hay Phan Đình Phùng mà còn hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực này trong việc bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện các mô hình nghệ thuật, phần lớn nguyên liệu đều do nhóm họa sĩ, người dân sinh sống xung quanh con đường thu gom”.

Thay đổi ý thức người dân

Sinh sống tại những ngôi nhà xung quanh con đường ven sông phần lớn là người lao động tại chợ Long Biên, Đồng Xuân. Do đó, khi thực hiện dự án, nhóm họa sĩ đã phải nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây để có những tác phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn gần gũi với đời sống của họ. Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Trước khi thực hiện dự án, chúng tôi đã có 2 buổi họp cùng người dân để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của họ, chứ không thể chỉ mang vỏ chai, vỏ nhựa, phế thải dựng lên thành mô hình, gắn vào tường”.

Đơn cử như cụm mô hình 4 chiếc thuyền buồm, nhóm họa sĩ lên ý tưởng này xuất phát từ lịch sử, bãi Phúc Tân, Phúc Xá trước kia là những bãi thuyền lớn ở chân cầu Long Biên. Dựa vào bối cảnh hiện tại, nhóm họa sĩ cũng thực hiện các tác phẩm sắp đặt mô phỏng gánh hàng rong, 2 bức phù điêu dài 6m gợi nhớ nghề ngư nghiệp, nông nghiệp ở vùng đất này. Cùng với đó, những chiếc bàn, ghế đá bằng bê tông cũ, hư hỏng xung quanh bức tường cũng là cảm hứng để nhóm họa sĩ xây dựng những mô hình nghệ thuật có tính tiếp nối, kế thừa không gian, thời gian của nơi này.

Thời điểm khi dự án gần hoàn thiện, chứng kiến sự thay đổi của con đường, người dân đã có nhiều ý tưởng để duy trì, phát triển cảnh quan nghệ thuật. Bà Huỳnh Thị Mai – một người dân sinh sống tại phường Phúc Tân vui vẻ bày tỏ: “Từ ngày mai, người dân chúng tôi sẽ không ai mang rác ra đây đổ nữa. Dự án hoàn thành sẽ có nhiều người đến thăm quan”.

Về phía những họa sĩ thi công dự án, họ cũng hy vọng, con đường ven đê sông Hồng sẽ nhận được nhiều tình cảm của người dân và ý thức bảo vệ môi trường của cư dân được nâng cao. Thông qua đó, những dự án chỉnh trang, cải tạo môi trường khác sẽ được nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng hình ảnh Thủ đô văn minh và thân thiện.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bai-rac-thanh-con-duong-nghe-thuat-365347.html