Bãi rác quá tải, Bến Tre nỗ lực cải tạo các bãi xử lý chất thải rắn

Nhà máy xử lý rác của tỉnh Bến Tre bắt đầu tiếp nhận rác từ tháng 6/2018 nhưng dây chuyền xử lý rác chưa đồng bộ nên rác chưa được xử lý triệt để.

Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế. (Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế. (Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Hiện nay, hầu hết các bãi rác trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều quá tải so với lượng rác phát sinh. Toàn tỉnh Bến Tre có 10 bãi xử lý chất thải rắn đang hoạt động, chủ yếu xử lý chất thải rắn cho các khu vực đô thị.

Trong số đó, 3 bãi rác được trang bị hệ thống thu gom nước rỉ rác nhưng chưa triệt để (huyện Giồng Trôm, Ba Tri và khu xử lý chất thải rắn huyện Mỏ Cày Nam).

Toàn bộ lượng rác thu gom trên địa bàn thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành và một số xã của huyện Giồng Trôm được chuyển về xử lý tại Nhà máy xử lý rác của tỉnh tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Các huyện còn lại tự xử lý tại bãi rác, điểm tập kết của địa phương.

Nhà máy xử lý rác của tỉnh tiếp nhận rác từ tháng 6/2018 nhưng dây chuyền xử lý rác chưa đồng bộ nên rác chưa được xử lý triệt để.

Các loại rác không phải thành phần hữu cơ sau khi phân loại được chuyển trở lại bãi rác tạm (trong khuôn viên nhà xử lý rác) tương đối lớn gây quá tải, ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.

Với kinh phí gần 1 tỷ đồng, lò đốt rác tại bãi rác huyện Giồng Trôm xây dựng vào năm 2016, công suất thiết kế 500 kg/giờ được xem là giải pháp xử lý chất thải rắn tại địa phương, góp phần giảm đáng kể lượng rác tại bãi.

Qua thời gian vận hành, công suất thực tế của lò đốt chỉ đạt khoảng 150-180 kg/giờ. Hiện nay, nhà máy đang ngừng hoạt động do phải nâng cấp, sửa chữa và trong giai đoạn kiểm định các thiết bị.

Bà Phan Kim Tuyền, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giồng Trôm cho biết rác ở miền Nam có độ ẩm cao cùng với điều kiện thời tiết nên khó đốt.

Mặt khác, việc phân loại rác tại nguồn hiện nay chưa được thực hiện do phương tiện vận chuyển không đủ cho việc phân loại rác vô cơ, hữu cơ.

Với lượng rác thu gom gần 7 tấn/ngày, huyện Giồng Trôm xử lý bằng cách đổ dần từ trong ra ngoài, thành nhiều lớp để phân hủy tự nhiên tại bãi rác của huyện. Nhiều khả năng đến cuối năm nay, bãi rác huyện Giồng Trôm sẽ đầy 3/3 hố chôn lấp.

Theo ông Võ Văn Ngoan, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bến Tre, việc quá tải chất thải rắn là vấn đề quan tâm của tỉnh. Tỉnh chưa xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh đúng nghĩa. Tất cả lượng rác thu gom đều được xử lý bằng hình thức đổ tại các bãi rác hở có diện tích nhỏ, gần khu dân cư.

Tại khu vực nông thôn, đa số người dân đào hố chôn lấp và đốt trong khuôn đất vườn nhà mình. Các huyện có hệ thống thu gom và bãi rác, rác được vận chuyển tới bãi rác. Vào mùa nắng, rác được đốt; vào mùa mưa, rác để phân hủy tự nhiên có kết hợp phun chế phẩm EM hạn chế mùi, ruồi.

Theo quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tỉnh sẽ có 4 khu xử lý chất thải rắn tại các huyện Châu Thành, Ba Tri, Chợ Lách và Thạnh Phú. Các khu xử lý chất thải rắn này sẽ góp phần đáng kể việc thu gom và xử lý chất thải rắn ở các địa phương.

Tuy nhiên, đến nay, các địa phương này vẫn chưa xây dựng được bãi rác do gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch.

Phần lớn diện tích ở các huyện là đất sản xuất nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi để làm các bãi xử lý chất thải rắn gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân chưa có sự đồng thuận trong quá trình triển khai các khu xử lý chất thải rắn vì sợ ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình hoạt động.

Đơn cử tại huyện Bình Đại, trước đây, có quy hoạch 4,8 ha đất ở xã Đại Hòa Lộc để chuẩn bị di dời bãi rác hiện hữu nhưng người dân không đồng thuận.

Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bến Tre Võ Văn Ngoan cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở áp dụng công nghệ sạch, ít chất thải và các cơ sở có nghiên cứu nhằm giảm thiểu chất thải.

Tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất và sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thân thiện môi trường; tranh thủ điều kiện cần thiết để đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực phù hợp nhằm tăng cường năng lực thu gom rác tại địa phương.

Sở Xây dựng Bến Tre phối hợp với các ngành, địa phương khảo sát một số điểm để điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bến Tre đến năm 2030 đã được phê duyệt theo Quyết định 1537 của Ủy ban Nhân dân tỉnh vào năm 2013.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, cải tạo bãi rác huyện Bình Đại và huyện Thạnh Phú, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn tại địa phương./.

Trần Thị Thu Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bai-rac-qua-tai-ben-tre-no-luc-cai-tao-cac-bai-xu-ly-chat-thai-ran/581459.vnp