Bãi rác Phúc Tân thành điểm đến nghệ thuật

16 tác phẩm sắp đặt theo địa hình, biến bãi rác Phúc Tân thành điểm đến hấp dẫn giới trẻ và du khách tò mò với lịch sử của 'vùng đất bị bỏ rơi' bên bờ sông Hồng. Nhóm tác giả dự án khẳng định đây không phải phố bích họa.

Sắp đặt thuyền từ vỏ chai nhựa của NS Vũ Xuân Đông

Sắp đặt thuyền từ vỏ chai nhựa của NS Vũ Xuân Đông

Dựa theo bức tường cũ dài 500mét được dựng từ 20 năm trước với mục đích “chống lấn đất” các tác phẩm từ nguyên vật liệu tái chế hiện lên long lanh, thay đổi không gian nhếch nhác vốn là “biệt khu” của “thổ dân đất bãi”. Mặc dù dự án chưa khánh thành, những người trẻ đã rủ nhau đến check-in chụp selfie tíu tít từ những ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý.

Từ rác đến thuyền gương

Nhìn từ xa tác phẩm sắp đặt“Thuyền” của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông nổi bật lượn sóng trên ngọn bức tường cũ đầy hình vẽ graffiti. Bốn con thuyền và sóng nước được làm từ 10 nghìn vỏ chai nhựa và hộp dầu xe đã qua sử dụng. Từ “Ký sự sông Tô” trong triển lãm cá nhân năm 2008 (Viet Art Centre 42 Yết Kiêu) tới tác phẩm “Sông Tô” năm 2018 (đường hầm nhà Quốc hội), lần này Vũ Xuân Đông kể về sông Hồng, tiếp tục hành trình “nỗi niềm của những dòng sông bị bỏ quên”.

Vừa là giám tuyển dự án, vừa có tác phẩm tham gia, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ, nhận đề bài của UBND quận Hoàn Kiếm “biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật” thuộc dự án “Cải tạo bờ vở (bờ bên lở) sông Hồng”,nhóm nghệ sĩ đã nhập cuộc chơi khá ngoạn mục. Họ chỉ có hơn 1 tháng, với một bức tường cũ bẩn còn nguyên vết hằn mức nước của những lần lũ lên. Nhìn ra bãi sông là con đường lổn nhổn do dân tự đổ xi măng, rác ngập ngụa và mặc định là nơi để cư dân dẫn chó đi vệ sinh.

Quan sát những cánh cửa tự phát do dân đục tường ra để đi qua cho thuận tiện, nghệ sĩ Trần Tuấn (Huế) đã làm tác phẩm điêu khắc mềm mại đầy thi vị ngay trên mảng tường mô tả một tấm rèm vén lên bằng một cái kẹp sắt. Cách đấy không xa “Gánh hàng rong” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là những hình phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng. Họ là bóng hình của những cư dân buôn bán trên bến sông 100 năm trước. Tác phẩm làm từ sắt phế thảivà inox gương ánh vàng ánh bạc. Ánh sáng, bầu trời, cây cỏ và dòng người qua lại phản chiếu vào bóng gương của tác phẩm.

“Gánh hàng rong” từ vật liệu tái chế inox gương của NS Nguyễn Thế Sơn

Ở bãi sông trước mặt, chiếc thuyền dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, nặng 400kg của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên, với những mảng đứt gãy. Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử nhà ven sông xuất phát từ những thùng gỗ. Hơn 20 thùng phi sắt sơn màu sặc sỡ, khoét cửa sổ, tạo hình thành những chồng nhà nổi. Buổi tối, từ 19-22h ánh đèn hắt ra từ những ô cửa sổ nhỏ tạo hiệu ứng thị giác.

Có hai nghệ sĩ nước ngoài nhận lời tham gia dự án vì tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Nhà thiết kế thời trang người Tây Ban Nha Diego Cortiza và họa sĩ người Úc George Burchett cũng đóng góp tác phẩm từ nguyên liệu sắt phế thải với những tạo hình ngộ nghĩnh thu hút trẻ em.Nghệ sĩ Ưu Đàm hiện đang gấp rút hoàn thiện tác phẩm sắp đặt hàng trăm ống bô xe máy.

Phù phiếm, ngầu và dũng cảm

“Cả chính quyền và nghệ sĩ phải dũng cảm mới làm được nghệ thuật công cộng”, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn bày tỏ. Lúc mới nhận việc, đến khảo sát khu dân cư, Thế Sơn thấy hơi gờn gợn vì nghe nói dân bãi ngang ngược lắm. Nhiều người cản anh vì sợ “cống hiến vô nghĩa, như Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió”. “Tuy nhiên khi sống và làm việc trên đất bãi, tôi cảm thấy đây là một cộng đồng bị thiệt thòi. Còn cư dân sau khi quan sát nghệ sĩ sáng tạo, họ dần hiểu việc”. Họ nhắc nhau “văng tục vừa thôi, đây toàn người có học”. Hội phụ nữ tích cực dọn rác, học sinh thu gom chai nhựa về cho nghệ sĩ. Nhóm nghệ sĩ mong muốn tác phẩm của mình có độ tương tác hài hòa nhất với bối cảnh, địa hình. Sẽ có một loạt ghế (cũng là tác phẩm tái chế) để cho dân và du khách ngồi ngắm phố nghệ thuật, hàng nước kiểu quán cóc được giữ nguyên như một phần sống động thuộc về nơi này.

Không như mọi người vẫn nghĩ về lợi nhuận của các dự án nhà nước, “Nghệ thuật công cộng bãi Phúc Tân” là dự án “từ dưới đi lên” chứ không phải “từ trên đi xuống”. Giám tuyển Thế Sơn cho biết: “các nghệ sĩ ban đầu ăn cơm nhà và bỏ tiền túi ra mua nguyên vật liệu, quận Hoàn Kiếm ủng hộ, dân ủng hộ là vui lắm rồi. Tiền quyên góp từ doanh nghiệp, quận trả dần sau cũng không sao”. Dù biết dự án sẽ không có thù lao nhưng nhiều nghệ sĩ đương đại tên tuổi vẫn nhiệt tình tham gia vì sức hút khác thường của một vùng đất mà rất nhiều người dân của chính quận Hoàn Kiếm chưa từng đặt chân tới.

“Ưu Đàm từ TP HCM, Trần Tuấn từ Huế, cặm cụi đục đẽo cả tháng trời trước Tết cũng ở nhờ nhà Thế Sơn và bạn bè để tiết kiệm chi phí”. Khác với sản phẩm phố bích họa Phùng Hưng của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn trước đây 2 năm, lần này 16 tác phẩm sắp đặt gây ấn tượng “ngầu” hơn, bí ẩn hơn. Cư dân nơi đây có thêm cơ hội sinh kế nếu du khách đưa bãi Phúc Tân vào bản đồ khám phá.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm cho biết trong khoảng 2-3 tuần nữa dự án sẽ có buổi chính thức ra mắt. Trong kế hoạch xa hơn, đất bãi sông trước mặt sẽ được qui hoạch thành vườn hoa. Quận kỳ vọng không gian mở và nghệ thuật đương đại sẽ biến Phúc Tân thành một điểm đến đẹp của thành phố.

Hoàng Hoa

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bai-rac-phuc-tan-thanh-diem-den-nghe-thuat-1514754.tpo