Bài phát biểu gây tranh cãi

Truyền thông thế giới vừa có cơ hội tiếp cận và truyền tải nhiều 'cung bậc cảm xúc'của các nhà lãnh đạo và đại diện các nước xung quanh bài phát biểu của Tổng thốngMỹ Donald Trump tại Khóa họp thứ 72 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 19/9/2017. Ảnh: Reuters Những tuyên bố trực diện, cứng rắn, mang đậm “phong cách Trump” trong lần đầu xuất hiện đã khuấy đảo diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh.

Hào hứng và không quan tâm

Nhiều vấn đề được đề cập trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ D.Trump trong lần đầu tiên đăng đàn tại khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chủ trương “Nước Mỹ trước hết”, hay các vấn đề liên quan CHDCND Triều Tiên và CH Hồi giáo Iran, là các chủ đề được truyền thông thế giới khai thác nhiều nhất. Cũng bởi, những vấn đề này được ông Trump truyền tải bằng những tuyên bố “gây sốc”. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ công kích Chính phủ Iran là “chế độ độc tài tham nhũng dưới vỏ bọc dân chủ”, hay chỉ trích Iran là “một nhà nước bất hảo, nghèo nàn về kinh tế, với sản phẩm chủ yếu là bạo lực, đổ máu và hỗn loạn”. Ông Trump còn đe dọa “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” và gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là “người tên lửa”...

Phản ứng về bài phát biểu “gây bão” của ông Trump là hai luồng cảm xúc trái chiều: Bên hào hứng, bên tỏ thái độ chẳng quan tâm. Không khó hiểu, khi các đồng minh của Mỹ hay các nước có lợi ích liên quan thì tán đồng, “người trong cuộc” thì tẩy chay, còn nhiều nước khác không giấu quan ngại, những phát ngôn cứng rắn thái quá có thể đẩy mâu thuẫn, xung đột lên đỉnh điểm, dẫn tới các kịch bản chẳng bên nào mong muốn. Không chỉ các kênh của Mỹ, mà rất nhiều hãng truyền hình các nước đã “chộp” được những hình ảnh ấn tượng, thể hiện những cảm xúc trái chiều: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu hào hứng, ca ngợi rằng “Trong hơn 30 năm tại Liên Hợp Quốc, tôi chưa bao giờ nghe thấy một bài phát biểu nào dũng cảm và rõ ràng đến vậy”. Trong khi đó, một vài đại biểu CHDCND Triều Tiên thu gọn ghế và ra khỏi phòng họp trước khi Tổng thống D.Trump phát biểu. Hay, đại biểu Iran mải làm việc riêng, chẳng buồn đeo tai nghe khi lãnh đạo Mỹ phát biểu... Các hãng tin và báo chí khi đưa tin cũng đặt cạnh nhau những câu trích dẫn nhận xét mang tính “đối đầu” về bài phát biểu kéo dài 41 phút của Tổng thống Mỹ.

Reuters trích khá dài lời phát biểu của Thủ tướng Israel B.Netanyahu: “Tổng thống Trump đã nói lên sự thật về những nguy hiểm rình rập thế giới và kêu gọi giải quyết chúng bằng sự dũng cảm để bảo đảm tương lai nhân loại”. Lãnh đạo Israel, quốc gia đối thủ lâu đời của Iran, không tiếc lời ngợi ca nhận định của Tổng thống Mỹ coi thỏa thuận hạt nhân Iran là “nỗi hổ thẹn của nước Mỹ”.

Trong khi đó, tuy không trực tiếp tham gia khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, song chia sẻ với hãng thông tấn Fars News Agency sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói: “Tuyên bố không biết xấu hổ và thiếu hiểu biết của Tổng thống Trump, trong đó phớt lờ cuộc chiến của người Iran chống chủ nghĩa khủng bố, đã cho thấy sự thiếu kiến thức lẫn nhận thức của ông ấy”. Trên Twitter, ông Zarif viết: “Bài phát biểu thiếu hiểu biết và gây thù hằn của ông Trump thuộc về thời trung cổ, chứ không phải để nói tại Liên Hợp Quốc giữa thế kỷ 21 và không xứng để đáp trả”.

Không chỉ những “người trong cuộc”, mà nhiều nước bày tỏ thái độ phản đối những gì lãnh đạo Mỹ tuyên bố. Trên kênh France 24, Tổng thống Emmanuel Macron cảnh báo: “Việc chối bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, không tôn trọng thỏa thuận đó sẽ là vô trách nhiệm”. Reuters đưa tin, một vài đại biểu còn lấy tay che mặt và những tiếng xì xào rộ lên trong phòng họp khi ông Trump dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất để công kích Triều Tiên. AP cũng đưa hình ảnh Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom bất ngờ khoanh tay lại, ngoảnh mặt đi đúng lúc Tổng thống Trump tuyên bố có thể “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên. BBC sau đó dẫn lời bà Wallstrom nhận định: “Đó là một bài phát biểu sai lầm, sai thời điểm và sai đối tượng nghe”...

Video phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Dấu ấn Donald Trump

Theo đài BBC, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có tiền lệ, ít nhất, sẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông Trump dọa “thanh toán” một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. BBC đặt câu hỏi, liệu đã từng có một nhà lãnh đạo thế giới nào trên bục phát biểu tại Liên Hợp Quốc có nội dung tương tự vậy hay không. Nhưng, việc xóa sổ một quốc gia 25 triệu dân, có lẽ chưa có ai nói dễ dàng đến vậy.

Bài diễn văn nảy lửa của ông Trump trong lần đầu bước lên bục diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng được báo chí Pháp mổ xẻ. Tờ Libération nhận định, trước các nhà lãnh đạo 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, ông Trump dành phần lớn thời lượng phát biểu để tiến công chế độ ở Bình Nhưỡng, với một giọng điệu hiếu chiến hiếm thấy trong môi trường vốn lịch sự này. Không chỉ Triều Tiên, người chủ trương “nước Mỹ trước hết” còn tiến công các giáo chủ Hồi giáo Iran và cũng không tha Cuba, Venezuela... Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), Cuba đã lên tiếng phản đối bài phát biểu của lãnh đạo Mỹ. La Habana nêu rõ, những nhận xét của ông Trump là thiếu tôn trọng, không chấp nhận được và sự can thiệp nội tình Cuba. Truyền thông Trung Quốc cũng có những phản ứng trước bài diễn văn “đao to búa lớn” của Tổng thống Mỹ.

Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận với tựa đề “Hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh của Trung Quốc, Hàn Quốc”. Theo báo này, bài phát biểu của ông Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không phải là biểu hiện của một Tổng thống Mỹ mà thế giới trông đợi. Có thể, Triều Tiên tuyên bố phát triển công nghệ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể tiến công tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng Mỹ cũng không nên cùng Triều Tiên chay đua đe dọa bằng ngôn từ như vậy. Hoàn Cầu nhận định, kể từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã thể hiện phong thái và khí phách của người theo chủ nghĩa hiện thực mà nhiều người tiền nhiệm không hề có. Nhưng cũng chính điều này khiến một số nhược điểm trong chính sách châu Á của Mỹ bộc lộ rõ rệt hơn. Một thí dụ điển hình là, kể từ khi Tổng thống Trump cầm quyền tại Mỹ, vấn đề hạt nhân Triều Tiên lại leo thang nghiêm trọng hơn...

Hãng tin AP nhận định, việc lần đầu phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc luôn là một dấu mốc đáng ghi nhớ đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Với Tổng thống Trump, điều này càng có ý nghĩa hơn, bởi sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với nhà lãnh đạo nổi tiếng là “khó dự đoán” này là hết sức lớn lao. Tuy nhiên, những gì ông Trump thể hiện chưa thật sự đáp ứng kỳ vọng của dư luận, thậm chí gây thêm những mối quan ngại về mâu thuẫn, bất đồng có thể bị đẩy lên cao hơn nữa, có thể dẫn tới những kịch bản không mong muốn, với chính những “người trong cuộc”./.

Chu Hồng Thắng

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/bai-phat-bieu-gay-tranh-cai-n7213.html