Bài pháp không lời

GN - Có thể nói, đối với hàng tại gia trong đạo Phật, có hai điều tối quan trọng để “ấn chứng” cho một người chính thức trở thành Phật tử, đó là quay về nương tựa Tam bảo - ba ngôi tôn quý nhất đời và gìn giữ năm giới.

Nếu như năm giới là giềng mối đạo đức, nền tảng để xây dựng nên một đời sống thật sự trong sạch, lành mạnh và an hòa theo Chánh đạo; thì Tam bảo - là nơi nương tựa, chở che để người Phật tử tại gia thực hiện trọn vẹn đời sống ấy. Trong ba ngôi tôn quý thì Tăng-già, đoàn thể của những người xuất gia đóng vai trò vô cùng đặc biệt.

Nói đặc biệt, bởi chính những vị Tăng, Ni là người đem đạo Phật, đem Chánh pháp trực tiếp đi vào cuộc đời. Không chỉ bằng những bài thuyết pháp, những hoạt động thiện nguyện, giúp đời mà ngay chính đời sống phạm hạnh của người xuất gia, sự hòa hợp của Tăng đoàn đã là bài pháp không lời đủ sức làm lay động lòng người, gây nên những mối rung cảm sâu xa trong tâm khảm những ai mới chạm ngõ đạo Phật.

Kinh Trường bộ (kinh Sa-môn quả) có ghi lại câu chuyện về việc vua A-xà-thế tìm đến thăm viếng Đức Phật vào một đêm trăng sáng. Trong không gian thanh vắng của vườn xoài Kỳ-bà, hình ảnh hội chúng thanh tịnh của Đức Thế Tôn cùng với 1.250 vị Tỳ-kheo “không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn” đã gây nên sự rúng động lớn lao đối với vua A-xà-thế. Một con người đã hại cả mạng sống của cha mình để soán đoạt vương quyền, chưa từng biết sợ hãi bất cứ một điều gì trên đời, lại “sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên” trước một hội chúng Tăng-già quá đỗi nghiêm tịnh và hùng tráng, để rồi từ đó phát tâm tịnh tín, quay về nương tựa Tam bảo.

Nhưng không chỉ riêng trong câu chuyện từ kinh điển, ngay chính ở đời sống hiện tại, chúng ta cũng không khó để thấy được sự ảnh hưởng và sức thuyết phục lớn lao từ hình ảnh thanh tịnh của những tu sĩ Phật giáo. Chúng tôi từng có cơ hội đứng ở vị trí lẫn giữa các cư sĩ, Phật tử trong các pháp hội cúng dường lớn sau mùa An cư kiết hạ, trong giới đàn truyền giới,… Ở đó, chúng tôi có cơ hội được nghe những lời trầm trồ tán thán của người tại gia khi ngưỡng vọng đoàn thể xuất gia hòa hợp; được thấy những ánh mắt chí thành, xúc động của họ khi chứng kiến Tăng-già với đủ đầy oai nghi, tế hạnh…

Trong mắt nhìn của thế gian, người xuất gia luôn là biểu tượng cho đạo đức và giải thoát. Lịch sử từng ghi nhận vô số tên tuổi danh tăng đã trở thành rường cột cho nền đạo đức dân tộc qua các triều đại. Ở những làng quê cổ kính, những vùng cựu kinh trên đất nước ta, nơi có những ngôi tổ đình tọa lạc với tuổi đời lên đến trăm năm, người ta vẫn còn có thể nghe nhiều câu chuyện được dân gian truyền tụng về những vị Trưởng lão nghiêm trì giới luật, sống đời phạm hạnh, khiêm cung…

Ở thời hiện đại, khi cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi, người xuất gia không thể tách mình ra khỏi đời mà ngược lại còn phải nhập thế sâu rộng để có thể hiểu được nỗi khổ, niềm đau của quần chúng nhằm tìm ra phương cách hữu hiệu cho việc hoằng pháp. Tuy vậy, chất liệu, nguồn năng lực hữu hiệu và quan trọng nhất để có thể nhiếp hóa nhân sinh có lẽ không đến từ những gì khác hơn ngoài sự tu tập Giới - Định - Tuệ. Và trong ý nguyện của hàng tại gia đối với Tăng bảo, có lẽ không ý nguyện nào lớn hơn là luôn được nương tựa nơi một đoàn thể lục hòa, thanh tịnh - “ruộng phước quý hóa nhất trên đời”.

Giải Hạnh/ Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//sukien/diendanxaydung/2020/12/28/33c68a/