Bãi miễn chứ không phải miễn nhiệm ĐBQH Phạm Phú Quốc

Sẽ trình Quốc hội xem xét bãi nhiễm tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc ở kỳ họp tới đây.

Liên quan tới thông tin ĐBQH TP.HCM Phạm Phú Quốc có đơn xin thôi ĐBQH sau khi bị phát hiện có thêm quốc tịch Cyprus, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí cho biết, với trường hợp của ông Phạm Phú Quốc phải là “bãi miễn” chứ không phải “miễn nhiệm” nên sẽ phải trình ra Quốc hội quyết định.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP HCM). Ảnh: VnE

Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP HCM). Ảnh: VnE

Đồng tình với phát biểu trên, ông Nguyễn Lê Ninh - nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM khẳng định, một ĐBQH không thể có hai quốc tịch.

Ông Ninh cho biết, Luật Quốc tịch mới được sửa đổi, có mở ra một số trường hợp có thể có hai quốc tịch, là những trường hợp đấu tranh vì hòa bình, vì độc lập dân tộc, vì khoa học, vì đầu tư nước ngoài, vì đại đoàn kết toàn dân... nhằm kêu gọi Việt kiều đã mang quốc tịch các nước, có thể về Việt Nam để làm khoa học và cống hiến. ĐBQH không thuộc diện này.

Trường hợp của ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch sau khi đã là ĐBQH, hơn nữa, theo thông tin từ ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội khẳng định: "ĐBQH Phạm Phú Quốc chưa kê khai việc có quốc tịch Cyprus với bất cứ cơ quan nào của Quốc hội", như vậy, là có dấu hiệu không khai báo trung thực, là sai.

"Nếu những thông tin ĐHQH Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cyprus từ năm 2018 nhưng không khai báo là sai.

Trong trường hợp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm vào cuộc xác minh để có biện pháp xử lý thích hợp. Bãi miễn tư cách ĐBQH của người có hai quốc tịch, khai gian dối, thiếu trung thực, không khai báo là hoàn toàn chính xác.

Đó là chế tài nghiêm khắc dành cho một ĐBQH không tuân thủ các quy định pháp luật.

Không thể chấp nhận một ĐBQH – đại diện tiếng nói, nguyện vọng của dân lại có quốc tịch thứ 2 ngoài Việt Nam. Như vậy thì ông Quốc đã đặt Tổ quốc ở đâu?", ông Nguyễn Lê Ninh phân tích.

Cùng với đó, ông Ninh cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ nguồn gốc quốc tịch Cyprus của ông Quốc có từ đâu, là do ông Quốc bỏ tiền ra hay do gia đình bảo lãnh? Nếu là mua thì số tiền đó từ đâu?

"Như vậy, ở đây không đơn giản chỉ là xem xét tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc mà còn phải điều tra rõ ngọn ngành nguồn gốc tấm hộ chiếu mang quốc tịch Cyprus đại biểu có được nhờ những lý do trong sáng hay không trong sáng để có bước xử lý tiếp theo", ông Ninh nói thêm.

Trước đó, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP HCM cho biết, ông Quốc đã gửi đơn xin thôi nhiệm vụ vào ngày 25/8, sau hai ngày lộ thông tin có hai quốc tịch, và ngày 27/8 gửi giải trình.

Ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND thành phố cho biết, TP HCM đã thống nhất hướng xử lý như sau: Ngay trong tuần đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố sẽ họp và gửi văn bản báo cáo Quốc hội để xem xét bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Quốc.

Về mặt Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ làm việc với ông Quốc để xử lý trong tháng 9. Ngay trong tuần này, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố để đình chỉ chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) của ông Quốc. Đồng thời làm rõ trách nhiệm ông Quốc khi làm việc tại Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) và IPC trước khi cho thôi việc theo đơn.

Theo ông Thắng, khi các cơ quan chức năng của TP HCM giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2016, ông Quốc có đầy đủ tiêu chuẩn ứng cử theo quy định Quốc hội. Đến tháng 2/2018, ông Quốc có quốc tịch Cyprus nhưng không khai báo là "thiếu gương mẫu, không trung thực, không chấp hành quy định của Đảng".

ĐBQH Phạm Phú Quốc phải giải trình việc có quốc tịch Síp

Nói thêm về quy trình xử lý, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc mới đây cũng cho biết thêm, đến nay ông chưa nhận được đơn cũng như tài liệu hồ sơ liên quan đến đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP. HCM). Theo ông Phúc, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nơi tiếp nhận đơn xin thôi đại biểu Quốc hội của ông Phạm Phú Quốc (nếu có), cũng là nơi có trách nhiệm quản lý về việc này.

Hiện quy trình xem xét, xử lý đại biểu của ông Phạm Phú Quốc cũng chưa được bàn đến, cũng chưa có trong nội dung dự kiến chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ sắp tới, vì hiện Ban Công tác đại biểu chưa có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong trường hợp này, ông Phạm Phú Quốc sẽ bị "bãi miễn" chứ không phải "miễn nhiệm" tư cách đại biểu Quốc hội, chính vì vậy sẽ phải trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới đây.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bai-mien-chu-khong-phai-mien-nhiem-dbqh-pham-phu-quoc-3418379/