Bài kiểm tra tư duy hay, nhiều câu hỏi mang 'màu sắc Bách khoa'

Đề bài kiểm tra tư duy không chỉ hay, phù hợp với việc phân loại thí sinh, đảm bảo các yêu cầu để tuyển sinh đại học mà còn mang màu sắc Bách khoa Hà Nội.

Chiều 15/8, trên 5.600 thí sinh đã thực hiện xong bài thi kiểm tra tư duy do trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Bài thi kiểm tra tư duy gồm có 3 phần là Đọc hiểu, Toán trắc nghiệm và Toán tự luận; thời gian làm bài trong 120 phút.

Các thí sinh dự thi bài kiểm tra tư duy tại trường ĐH Bách khoa nhận xét, đề khó hơn hẳn so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bù lại, cách ra đề thi hay, câu hỏi mới lạ và có vận dụng thực tế.

Nguyễn Văn Hiếu đến từ trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội) chia sẻ: Các phần trong bài thi tư duy có độ khó như nhau. Phần Đọc hiểu khó vì chưa tiếp xúc với dạng đề này, trong khi đề lại có các từ ngữ chuyên ngành nên hơi khó hiểu. Các kiến thức trong phần Đọc hiểu là về phát minh máy móc, cùng những thí nghiệm xung quanh nó. Để làm được những câu hỏi này, rất cần phải đọc các sách nâng cao.

Với 2 bài Toán tự luận khá dễ, nhưng các thí sinh thường ôn theo kiểu trắc nghiệm nên mất nhiều thời gian để làm bài. Với đề này, các bạn thí sinh có học lực khá, có thể làm được tới 70%.

 Nguyễn Văn Hiếu đến từ trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín chia sẻ: Phần Đọc hiểu khó vì chưa tiếp xúc với dạng đề này. Ảnh: Oanh Trần.

Nguyễn Văn Hiếu đến từ trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín chia sẻ: Phần Đọc hiểu khó vì chưa tiếp xúc với dạng đề này. Ảnh: Oanh Trần.

Thí sinh Nguyễn Duy Minh đến từ trường THPT Phùng Khắc Khoan, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nhận xét đề thi bài tư duy khó hơn 50% so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đối với em, phần trắc nghiệm Toán có 4 câu khó, vì em học không chắc kiến thức. Phần Đọc hiểu hơi dài em không kịp thời gian làm hết các câu hỏi trong bài.

Duy Minh cũng giống như nhiều thí sinh khác rất thích phần Đọc hiểu với những chủ đề về Vật lý, CNTT, đời sống (khói bụi, môi trường, phương pháp thủy canh...), tuy nhiên thí sinh vẫn phải đọc và suy nghĩ mới làm được.

Do học tốt môn Toán nên Đinh Việt Hoàn - Học sinh trường THPT Kim Động (Hưng Yên) đánh giá đề thi bài tư duy ở mức độ bình thường: “Em làm phần trắc nghiệm nhanh nhất. Em cũng thích phần thi Đọc hiểu vì kiến thức khoa học, thực tế đời sống, các sự việc rất gần với cuộc sống của chúng em. Với những bài đã làm được, em dự kiến được 8 điểm”.

Cũng cho rằng cách ra đề bài tư duy hay và mới, lạ, Đỗ Tiến Dũng - Học sinh lớp 12A1, trường THPT Kim Động (Hưng Yên) nói, đề không quá khó, khá phù hợp để áp dụng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.

Đinh Việt Hoàn và Đỗ Tiến Dũng đến từ trường THPT Kim Động (Hưng Yên) nhận xét đề thi bài tư duy hay, mới, lạ. Ảnh: Oanh Trần.

Nhận xét về đề bài kiểm tra tư duy, các giáo viên tổ Toán - Hệ thống Giáo dục HOCMAI có những phân tích cụ thể. Phần Đọc hiểu, điểm nổi bật là dung lượng rất dài (chiếm 15/22 trang) với 35 câu hỏi, các chủ đề đa dạng. Trong đó, 4 bài đọc với 4 chủ đề mang “màu sắc Bách khoa”, nội dung bám sát các ngành học của trường: Vật liệu quang hướng; công nghệ thông tin; môi trường và phương pháp canh tác nông nghiệp.

Phần này tập trung đánh giá kỹ năng đọc cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Hầu hết các bài đọc đều là văn bản dịch từ các tài liệu chuyên khảo nước ngoài, ngữ liệu không có quá nhiều từ chuyên ngành nhưng có nhiều khái niệm mới so với học sinh THPT.

Nhiều phụ huynh hồi hộp và lo lắng khi đưa con đi thi bài kiểm tra tư duy do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: Oanh Trần.

Phần Toán có nội dung kiến thức đều nằm trong chương trình THPT và được yêu cầu ở các mức độ khác nhau từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo. Điểm nổi bật của phần câu hỏi Toán là xuất hiện nhiều câu hỏi vận dụng thực tế và không có câu hỏi nhận biết. Ngoài ra, đề thi xuất hiện khá nhiều câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10,11. Các câu hỏi đều nhằm mục đích đánh giá khả năng tư duy và vận dụng những kiến thức cơ bản của Toán học vào việc giải quyết những bài toán trong thực tế, đồng thời, đánh giá khả năng học Toán cao cấp và các môn khoa học – kỹ thuật, phục vụ cho việc theo học ở bậc đại học.

Phần Toán tự luận có 2 câu hỏi: Câu 1 câu ứng dụng thực tế, đòi hỏi học sinh cần có kỹ năng phân tích số liệu tính toán các đại lượng, sử dụng kỹ năng tư duy, đánh giá để có thể đưa ra các kết quả chính xác. Câu 2 hỏi về hình học không gian cổ điển: Tính góc giữa 2 mặt phẳng và thể tích của khối lăng trụ.

Các giáo viên tổ Toán - Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định chung: “Phần Đọc hiểu rất dài, nội dung đề thi có nhiều câu hỏi ứng dụng thực tế”.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bai-kiem-tra-tu-duy-hay-nhieu-cau-hoi-mang-mau-sac-bach-khoa-393335.html