Bài kiểm tra tư duy giúp thí sinh có thêm cơ hội xét tuyển

Một trong những điểm mới ở mùa tuyển sinh đại học năm 2020 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là tổ chức cho các thí sinh làm bài kiểm tra tư duy. Kết quả của bài kiểm tra tư duy sẽ được kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của hai môn khác để dùng làm tổ hợp xét tuyển.

Nhiều thí sinh băn khoăn liệu xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có bắt buộc làm bài kiểm tra tư duy hay không, và bài kiểm tra này có giúp thí sinh có thêm cơ hội, thêm lựa chọn khi xét tuyển vào trường. Phóng viên Báo QĐND Điện tử đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.

PGS, TS Trần Trung Kiên

PGS, TS Trần Trung Kiên

Phóng viên (PV): Thưa ông, vì sao năm nay Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thêm hình thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và điểm bài kiểm tra tư duy? Chỉ tiêu cho phương thức thi này và áp dụng cho các ngành/chương trình đào tạo nào?

PGS, TS Trần Trung Kiên: Để chuẩn bị cho giai đoạn từ năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu đề xuất các phương thức tuyển sinh mới, trong đó có thi tuyển và xét tuyển, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục đang được tiến hành.

Năm 2020, ngoài những phương thức xét tuyển đã được sử dụng như xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, Nhà trường đã đưa thêm 2 hình thức mới, đó là xét tuyển tài năng và xét tuyển kết hợp dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm Bài kiểm tra tư duy, tăng thêm cơ hội cho thí sinh mong muốn được học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chỉ tiêu của phương thức xét tuyển kết hợp này là khoảng 30-35%, áp dụng cho tất cả các ngành, chương trình đào tạo, trừ 2 chương trình Ngôn ngữ Anh.

Dựa trên kết quả triển khai Bài kiểm tra tư duy của năm nay, Nhà trường sẽ điều chỉnh nội dung bài thi, mở rộng quy mô cũng như tỉ lệ chỉ tiêu để áp dụng cho những năm tới, tiến tới là một trong những phương thức tuyển sinh chính của trường.

PV: Bài kiểm tra tư duy là điều mà thí sinh rất quan tâm. Đề thi này có gì khác so với những bài thi đánh giá năng lực hiện một số trường đang áp dụng?

PGS, TS Trần Trung Kiên: Nội dung bài kiểm tra tư duy đã được công bố, gồm Toán và đọc hiểu, trong đó có một phần toán tự luận, còn lại là trắc nghiệm khách quan.

Phần toán sẽ được thiết kế với mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần đọc hiểu tập trung vào các nội dung, chủ đề liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Đây là điểm khác biệt cơ bản khi so sánh với những bài thi đánh giá năng lực do một số trường đang áp dụng.

Thí sinh được tư vấn thông tin về các ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

PV: Để làm bài kiểm tra tư duy một cách hiệu quả, thí sinh cần có “chiến lược” nào không? Để đạt được điểm cao, thí sinh cần đáp ứng những điều kiện nào?

PGS, TS Trần Trung Kiên: Thí sinh không cần phải “luyện thi”, “học tủ”, chỉ cần nắm vững các kiến thức cơ bản đối với phần thi toán, đọc thêm một số bài đọc liên quan đến các chủ đề khoa học, kỹ thuật, công nghệ để không bị bỡ ngỡ khi làm phần đọc hiểu.

Đối với kỳ thi nào cũng vậy, để đạt được kết quả cao thì ngoài phần kiến thức, các em cần phải rèn luyện kỹ năng làm bài, chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt.

PV: Thưa ông, phân bố điểm và thang điểm của bài thi kiểm tra tư duy cụ thể ra sao trong hình thức thi kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm bài kiểm tra tư duy?

PGS, TS Trần Trung Kiên: Bài kiểm tra tư duy có thang điểm riêng, tuy nhiên khi xét tuyển kết hợp sẽ được quy về thang điểm 10, và có hệ số 2.

PV: Thí sinh cần lưu ý điều gì và thủ tục ra sao trước khi dự bài kiểm tra tư duy?

PGS, TS Trần Trung Kiên: Để tham gia xét tuyển kết hợp, các em học sinh cần lưu ý: Đăng ký các ngành có sử dụng tổ hợp A19 (Toán - Lý - Bài kiểm tra tư duy) hoặc A20 (Toán -Hóa - Bài kiểm tra tư duy) trên phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đăng ký tham dự bài kiểm tra tư duy trực tuyến trên hệ thống đăng ký của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Những em quên hoặc chưa đăng ký trên phiếu vẫn có thể bổ sung các nguyện vọng với tổ hợp A19, A20 trong thời gian điều chỉnh (theo lịch của Bộ GD-ĐT), tuy nhiên nếu không đăng ký tham dự Bài kiểm tra tư duy thì sẽ bỏ qua cơ hội xét tuyển với các tổ hợp này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý:

Từ ngày 15-6-2020 đến hết ngày 12-7-2020: Mở đăng ký xét tuyển tài năng trên hệ thống http://ts.hust.edu.vn

Trước 15-7-2020: Thông báo kết quả sơ tuyển tham dự Bài kiểm tra tư duy

Trước 20-7-2020: Thông báo kết quả xét hồ sơ năng lực

Trước 26-7-2020: Phỏng vấn thí sinh diện xét tuyển theo hồ sơ năng lực

Sau 1-8-2020: Công bố kết quả xét tuyển tài năng (cho cả 3 phương thức)

Ngày 15-8-2020: Tổ chức Bài kiểm tra tư duy

KHÁNH HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bai-kiem-tra-tu-duy-giup-thi-sinh-co-them-co-hoi-xet-tuyen-625983