Bài kiểm tra sức khỏe đơn giản bạn có thể thực hiện ngay tại nhà

Bạn có thể tự kiểm tra sức khỏe tại nhà bằng cách đo vòng cổ hoặc xem màu sắc cổ chân.

Bạn có thể thực hiện những bài kiểm tra sức khỏe sau đây ngay tại nhà để biết liệu sức khỏe của mình vẫn ổn hay phát hiện những dấu hiệu bất thường và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đo vòng cổ kiểm tra nguy cơ tiểu đường

Hãy dùng một chiếc thước dây để đo chu vi vòng cổ. Nếu số đo vượt quá 36 cm đối với phụ nữ và vượt quá 39 cm đối với nam giới, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường.

Theo một nghiên cứu năm 2017 của Bệnh viện Đại học Y ở Sofia, Bulgaria, số đo vòng cổ có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường chính xác hơn cách đo vòng eo thông thường, đặc biệt là với những người thừa cân hoặc béo phì.

Trưởng nhóm nghiên cứu - bác sĩ Zdravko Kamenov - khuyến cáo: “Nữ giới và nam giới có số đo như trên nên bắt đầu những chiến lược phòng ngừa tích cực vì nhiều khả năng họ sẽ phát triển những hội chứng chuyển hóa nếu vẫn chưa bị”.

Hội chứng chuyển hóa bao gồm béo phì và cao huyết áp, liên quan tới nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường type 2, đau tim và đột quỵ. Để phòng ngừa hội chứng này, bạn nên giảm cân, tập thể dục. Nếu số đo vòng cổ của bạn quá cao, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ và làm xét nghiệm.

Đo vòng cổ có thể phát hiện nguy cơ bệnh tiểu đường. Ảnh: Dailymail.

Đo vòng cổ có thể phát hiện nguy cơ bệnh tiểu đường. Ảnh: Dailymail.

Bài test bánh quy giúp kiểm tra khả năng chuyển hóa carb

Hãy nhai một chiếc bánh quy không đường và kiểm tra sau thời gian bao lâu bạn bắt đầu thấy vị ngọt. Bài kiểm tra đơn giản này có thể cho thấy tình trạng cơ thể bạn chuyển hóa carbohydrate thành chất béo. Nếu bạn mất ít hơn 14 giây để cảm nhận được vị ngọt, bạn hoàn toàn có thể theo đuổi chế độ ăn giàu carbohydrate. Tuy nhiên, nếu bạn mất hơn 30 giây để bắt đầu cảm nhận được vị ngọt, có thể cơ thể bạn đang không chuyển hóa carbohydrate hiệu quả, và do đó, dễ bị tích tụ calo.

Nguyên nhân của hiện tượng trên là một số người có thể ăn những thực phẩm giàu carbohydrate mà không bị tích tụ chất béo nhờ quá trình chuyển hóa hiệu quả, trong khi những người khác thì không. Điều này có liên quan tới nồng độ enzym amylase có trong nước bọt - giúp phá vỡ tinh bột thành đường để cơ thể chuyển hóa thành năng lượng.

Một số người có lượng amylase nhiều hơn tới 50 lần, nên việc chuyển hóa tinh bột dễ dàng hơn, khiến họ cảm nhận được vị ngọt nhanh hơn.

Trong trường hợp cơ thể bạn không chuyển hóa carbohydrate hiệu quả, hãy giảm khẩu phần các thực phẩm như cơm gạo, bánh mì, pasta và thay bằng các loại rau xanh giàu chất xơ.

Màu sắc cổ chân phát hiện giãn tĩnh mạch

Hãy so sánh màu sắc hai mắt cá chân của bạn. Nếu màu da một bên đậm màu hơn bên còn lại, hoặc có những đốm sẫm màu, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị giãn tĩnh mạch ở chân bên đó.

Mặc dù, giãn tĩnh mạch thường biểu hiện qua những tĩnh mạch nổi rõ màu tím hoặc xanh ở chân, có tới một nửa số người mắc bệnh này mà không có dấu hiệu rõ ràng.

Bác sĩ Mark Whiteley thuộc khoa Tĩnh mạch tại Bệnh viện Whiteley, London, cho biết: “Trong những trường hợp này, sự viêm nhiễm có thể thể hiện qua các mạch máu ở vùng cổ chân, khiến vùng da tại đây bị sẫm màu. Một dấu hiệu khác của giãn tĩnh mạch là cảm giác nặng nề ở chân vào cuối ngày, và biến mất nếu ngồi chống 2 chân vào tường trong 5 phút”.

Hầu hết chúng ta cho rằng gian tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ, nhưng một số trường hợp nặng có thể dẫn tới vón máu thành cục hoặc loét. Để điều trị, bạn có thể đi tất chuyên dụng giúp giảm áp lực lên mạch máu, sử dụng laser hoặc các công nghệ khác.

Bài kiểm tra sờ ngón chân giúp phát hiện bệnh tim

Để thực hiện bài kiểm tra này, bạn hãy ngồi trên sàn nhà, lưng và đầu dựa sát vào tường. Cúi về phía trước bắt đầu từ phần eo, giữ cho lưng thật thẳng và cố dùng tay chạm vào ngón chân. Nếu bạn trên 40 tuổi và không thể làm được điều này, có thể bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Bài kiểm tra này dựa trên một nghiên cứu công bố năm 2009 bởi Viện Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Nhật Bản. Theo đó, những người trung niên, cao tuổi với độ mềm dẻo kém cũng có các động mạch bị cứng. Việc này cản trở lưu thông máu trong cơ thể, bao gồm tới tim.

Cách khắc phục là hãy có lối sống năng động để gia tăng độ mềm dẻo, linh hoạt của cơ thể, cải thiện sức khỏe tim mạch. Thực hiện các động tác căng cơ sau khi tập thể dục cũng giúp làm tăng độ linh hoạt.

Nhìn khung cửa sổ kiểm tra thị lực

Khi đang ngồi trong phòng, hãy nhìn vào khung cửa sổ lớn hoặc một khung cửa, đầu tiên với mắt bên phải (dùng bàn tay che mắt trái trong 30 giây), rồi chuyển sang mắt bên trái. Nếu bạn thấy khung cửa từ đường thẳng bị bẻ cong, đây có thể là dấu hiệu của bệnh thoái hóa điểm vàng ở tuổi già, nguyên nhân phổ biến gây mù ở người trên 50 tuổi.

Bệnh này xảy ra khi các chất cặn bã tích tụ, làm bít tắc ở điểm vàng - trung tâm của võng mạc, bộ phận chịu trách nhiệm cho tầm nhìn trung tâm của mắt. Một nguyên nhân khác có thể là những mạch máu phát triển bất thường ở điểm vàng. Máu, các chất khác thoát ra từ những mạch máu yếu mới hình thành.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đột nhiên những vật vốn có dạng đường thẳng (như khung cửa) lại có dạng lượn sóng hoặc méo mó.

Tuy nhiên, bài kiểm tra này không thể thay thế những bài kiểm tra được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.

Ăn ngô ngọt để kiểm tra hệ tiêu hóa

Nuốt chửng một thìa hạt ngô ngọt luộc mềm và kiểm tra thời gian những ngô đầu tiên được đào thải ra khỏi cơ thể bạn. Khoảng thời gian tốt nhất nên từ 12-48 giờ, nếu sớm hơn có thể là do cơ thể hấp thụ dinh dưỡng kém, còn lâu hơn có thể là dấu hiệu của chứng táo bón hoặc những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Ngô ngọt không dễ tiêu và đây là bài kiểm tra đơn giản để biết khoảng thời gian thức ăn đi qua ruột của bạn.

Một nghiên cứu công bố năm 2016 của Viện Lương thực Quốc gia Đan Mạch cho thấy quá trình này diễn ra quá chậm có thể gia tăng nguy cơ ung thư. Nếu thức ăn mất quá nhiều thời gian để đi qua ruột, sẽ càng sinh ra những sản phẩm của các vi khuẩn có hại, gây tổn thương các tế bào ruột. Ngoài ra, các vi khuẩn có trong ruột sẽ ăn những lớp dịch nhầy bảo vệ ruột, khiến ruột dễ bị tấn công hơn.

Cách khắc phục là uống nhiều nước, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và luyện tập thể dục thường xuyên.

Kiểm tra nhịp ngón chân phát hiện nhịp tim bất thường

Hãy bắt mạch ở cổ hoặc cổ tay, rồi nhịp ngón chân theo nhịp đập của mạch trong một phút. Những dấu hiệu bất thường trong nhịp đập của mạch có thể chỉ ra những bất thường ở nhịp tim.

Bệnh rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Bệnh này khiến tim đập hỗn loạn, không đều. Nếu hiện tượng tim đập nhanh hơn mức cần thiết xảy ra quá nhiều có thể dẫn tới yếu và suy tim. Ngược lại, tim có thể đập chậm hơn mức cần thiết dẫn tới ngưng đập. Ngoài ra, một nguy cơ khác với những bệnh nhân bị rung nhĩ là sự phát triển của các cục máu.

Nếu bạn phát hiện những triệu chứng của bệnh rung nhĩ, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Cù chân để kiểm tra dấu hiệu bệnh tiểu đường

Hãy để chân trần và nằm duỗi thẳng 2 chân. Nhắm mắt lại, nhờ người thân/bạn bè dùng ngón trỏ chạm vào từng ngón chân của bạn trong 1 giây theo thứ tự sau: ngón cái, ngón út chân phải rồi làm tương tự với chân trái, sau đó là ngón giữa chân phải và chân trái. Nếu bạn cảm thấy được chạm vào chân, hãy nói rõ “phải” hay “trái” để xác định chân có cảm giác.

Bài kiểm tra nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất lại rất quan trọng, đặc biệt là với các bệnh nhân tiểu đường. Lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở chân.

Một trong những biến chứng của bệnh tiểu đường là làm hư hỏng các dây thần kinh tại các đầu ngón chân. Việc này có thể dẫn tới các hệ quả như loét chân hoặc thậm chí phải cắt cụt.

Nếu bạn cảm thấy 5-6 lần chạm trong bài kiểm tra trên, sức khỏe của bạn bình thường. Nếu ít hơn thì có lẽ bạn nên đi khám bác sĩ.

Hoàng Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bai-kiem-tra-suc-khoe-don-gian-ban-co-the-thuc-hien-ngay-tai-nha-post886582.html