Bài II: Công nghiệp 4.0- Vấn đề then chốt nhất cần giải quyết là gì?

Để cùng nhau bước lên con tàu 4.0, nhân loại cần đầu tư một nguồn lực khổng lồ cho phát triển hạ tầng bền vững đáp ứng được yêu cầu số hóa của toàn cầu.

Bài I: Internet- Ma lực của cách mạng 4.0

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của McKinsey, trong vòng 15 năm (2015- 2030), cả thế giới cần một khoản tiền khổng lồ là 93.000 tỷ USD cho mục đích này mà cụ thể là cho các lĩnh vực: Truyền tải và cung cấp điện năng: 40.000 tỷ USD, giao thông vận tải: 27.000 tỷ USD, cấp nước và xử lý chất thải: 19.000 tỷ USD và viễn thông: 7.000 tỷ USD. Trong số này, việc đầu tư cho viễn thông là cấp bách nhất vì sẽ đáp ứng được nhu cầu tiếp cận và truy cập thông tin của toàn nhân loại.

Tuy nhiên, để số hóa thành công thì không chỉ đơn thuần là nguồn lực tài chính mà còn phải triển khai và giải quyết những vấn đề then chốt nhất.

Yếu tố con người - vấn đề trọng tâm của mọi cuộc cách mạng công nghiệp

Con người luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên từ các biến đổi mang tính cách mạng cho tương lai. Nếu như một số người buộc phải thay đổi công việc quen thuộc của mình thì những người khác lại nhận được những thời cơ và triển vọng mới. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế Davos đã dự báo đến năm 2020, trên toàn thế giới sẽ có khoảng 4,7 triệu nhân viên văn phòng, 1,6 triệu công nhân trực tiếp sản xuất và 500.000 công nhân xây dựng bị mất việc. Nhưng cùng với đó, sẽ có những lĩnh vực được hưởng lợi và tạo thêm nhiều chỗ làm mới, đó là tài chính và kinh doanh: 500.000, quản trị và công nghệ thông tin: 400.000, kiến trúc và kỹ thuật: 300.000, bán hàng: 300.000.

Cũng theo báo cáo thì mặc dù tạo nên những “rung chấn về xã hội” nhưng điều đó không có nghĩa con người sẽ bị cuộc cách mạng 4.0 thay thế hoàn toàn bằng robot và máy tính mà ngược lại, những người có trình độ và kỹ năng vẫn luôn là “nguồn tài sản vô giá”. Chính vì thế, cuộc cạnh tranh để lôi kéo người tài sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt giữa các công ty, thậm chí là giữa các quốc gia. Hiện tượng “chảy máu chất xám” sẽ trở nên cam go cho các nước đang phát triển trong khi để tránh bị các nước phát triển bỏ rơi lại phía sau thì giới trí thức tinh hoa lại chính là lực đẩy cho các quốc gia đang phát triển!

Andy Haldane - kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh mới đây đã cảnh báo, những tác động và hậu quả về mặt xã hội từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ kinh khủng hơn rất nhiều so với những gì mà thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 gây nên. Và vì vậy theo ông, ta cần phải rút ra được bài học từ lịch sử, ngày nay nhân lực bắt buộc phải được đào tạo để có thể đáp ứng được với yêu cầu của thời đại mới. Chủ tịch Ủy ban về trí tuệ nhân tạo trực thuộc Chính phủ Anh Tabitha Goldstaub cũng nhấn mạnh rằng: “Các cuộc cách mạng công nghiệp đều gây nên những hệ lụy nhức nhối lâu dài không chỉ đối với thị trường lao động mà cả cuộc sống của phần lớn dân cư” và bà cũng cho rằng để không bị người máy và máy tính “tranh mất việc” thì người lao động phải được đào tạo để thích ứng với các công việc trong thời đại 4.0.

Đánh giá những tác động của cách mạng 4.0, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga (hiện đang là Tổng kiểm toán nhà nước) Aleksey Kudrin nhận định: Nhờ các tiến bộ của số hóa mà sau khoảng 5-6 năm nữa, bộ máy quản lý nhà nước của Nga có thể tinh giảm đến 30% so với hiện nay và vì vậy, chính phủ cần phải có kế hoạch cụ thể cho việc này, từ đầu tư hạ tầng đến công tác tổ chức tuyển dụng cán bộ cũng phải dựa trên cơ sở định hướng số hóa.

Cùng chung quan điểm như những đánh giá trên, Ngân hàng Thế giới đã kêu gọi các nhà làm chính sách chú trọng tới đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe.

Giáo dục số hóa trong thời đại 4.0

“Nền kinh tế số hóa - không phải là trong tương lai mà chính là những gì đang hiện hữu và có tác động trực tiếp đến những gì mà chúng ta cần phải đào tạo và trang bị cho mọi người”, Bộ trưởng Thông tin, Truyền thông đại chúng và Phát triển số hóa LB Nga Noskov K. bày tỏ.

Vì nhân lực đào tạo ra là để phục vụ cho nền kinh tế số hóa nên ngành giáo dục cũng phải chuyển từ mô hình truyền thống sang số hóa mà thực chất là ứng dụng tối đa các công nghệ số hóa cho công tác đào tạo để cung cấp cho thị trường lao động những nhân lực có trình độ và kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số.

Tại một số quốc gia trên thế giới, khái niệm trường học điện tử hay đào tạo trực tuyến đã bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động.

Theo McKinsey, nếp tư duy tốt nghiệp phổ thông, học một ngành nghề nào đó rồi ung dung làm việc đến hết đời đã không còn hợp thời. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi luôn phải được tái đào tạo để có những kỹ năng mới và nâng cấp được chính mình. Sự khác biệt về thâm niên, tuổi tác trong một số lĩnh vực sẽ không còn ranh giới và đôi khi lực lượng lao động trẻ lại được đánh giá cao hơn nhờ sự nhanh nhạy trong làm chủ các công nghệ mới tiên tiến.

Hạ tầng kỹ thuật số- yếu tố không thể không chú trọng

Ngoài yếu tố con người thì mức độ phát triển về hạ tầng kỹ thuật số cũng đã và đang làm cho sự bất bình đẳng về số hóa giữa các quốc gia trên thế giới ngày càng gia tăng.

Khi chúng ta nói tới hạ tầng của một thành phố, có nghĩa là chúng ta muốn nhắc tới các con phố, tuyến đường, các cây cầu, những công viên, các bãi đỗ và các tòa nhà… Còn khi ta nói tới hạ tầng số hóa thì đó là ta muốn nhắc tới những chiếc máy tính, mạng, những máy điện thoại di động, mạng điện thoại… hay nói cách khác đó chính là những gì tạo nên không gian kỹ thuật số.

Nhìn vào hình vẽ mô phỏng về cấu trúc của cách mạng 4.0 ở phần một của bài viết thì hạ tầng kỹ thuật số là phức hợp các công nghệ và các sản phẩm được tạo ra dựa trên chính các công nghệ đó cung cấp cho công tác tính toán, mạng và viễn thông khả năng làm việc dựa trên nền tảng kỹ thuật số.

Tốc độ đường truyền, mạng 3G, 4G hay 5G… chính là những minh chứng cụ thể về mức độ phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Cũng chính những yếu tố này đã hoặc là tạo điều kiện cho nền kinh tế số hóa tại các quốc gia “cất cánh” hoặc là ì ạch dậm chân tại chỗ. Con số 7.000 tỷ USD đầu tư cho viễn thông đã nêu ở trên chính là một phần của hạ tầng kỹ thuật số!

Anh ninh mạng- lực lượng canh giữ

Giờ đây, khi chúng ta sống trong một thế giới mà từ hệ thống ngân hàng đến hạ tầng quốc gia… đều liên quan đến mạng và internet, tấn công mạng không chỉ ở phạm vi quốc gia hay khu vực mà đã ở quy mô toàn cầu. Mục đích của các cuộc tấn công cũng không giống nhau, đó có thể là xâm hại kinh tế, gây rối chính trị hay làm ảnh hưởng đến uy tín và thậm chí là cả an ninh của quốc gia…

Năm 2016, đã xảy ra một cuộc tấn công mạng nhằm vào Ngân hàng Trung ương Bangladesh. Cũng may là thiệt hại chỉ ở mức 81 triệu USD thay vì 850 triệu USD mà những kẻ thâm nhập muốn chiếm đoạt. Theo đánh giá của Juniper Research, từ năm 2016 - 2019 tổng thiệt hại mà toàn bộ nền kinh tế thế giới bị tổn thất do các cuộc tấn công mạng sẽ đạt mức 2.100 tỷ USD!

Điều đó cho thấy việc bảo đảm an ninh mạng là vấn đề sống còn của không gian số hóa.

Thời đại 4.0 đòi hỏi phải được điều tiết bằng những chuẩn mực mới

Phát biểu tại Ủy ban về bảo đảm pháp lý cho nền kinh tế số hóa trực thuộc Duma quốc gia Nga, Chủ tịch Duma Nga Vyachyeslav Vodolin nói rằng: “Công tác lập pháp của chúng ta luôn phải bảo đảm theo kịp với nhịp độ phát triển của nền kinh tế số hóa, nếu không chính chúng ta sẽ tự đánh mất những lợi thế trong lĩnh vực này!”.

Khái niệm “Chính phủ điện tử” được hình thành từ khi không gian số hóa được xác lập. Bản thân thuật ngữ này cũng đã chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Để chuẩn hóa được các văn bản pháp quy và trên cơ sở đó có thể điều chỉnh các mối quan hệ số hóa thì trước tiên, trong bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước phải có những “chức năng số hóa”, bởi có rất nhiều mối quan hệ, nhiều khái niệm hoàn toàn mới phát sinh như: Công dân là người máy, trí tuệ nhân tạo, văn bản điện tử, chữ ký điện tử, thu thập xử lý và lưu trữ dữ liệu… Ngoài ra, các cơ quan này còn cần phải có cả chức năng hủy bỏ và tháo dỡ những quy định đã lỗi thời cản trở đến tiến trình xây dựng không gian số hóa và nền kinh tế số hóa của quốc gia mình.

Thời đại số hóa mở ra rất nhiều khả năng mới và có những loại hình công việc hoặc là phải thay đổi phương thức hoạt động và thậm chí cần phải có sự “liên thông và hợp lực quốc tế”, ví dụ như các văn bản đăng ký, cấp phép (bản quyền, chứng chỉ thành lập hoặc giải thể, sổ đỏ…) dưới dạng giấy dần dần sẽ được số hóa.

Trong hoạt động tố tụng và xét xử, hồ sơ pháp lý điện tử sẽ cho phép giảm được các thủ tục rườm rà xưa cũ, còn hình thức xét xử trực tuyến cũng đòi hỏi phải có những căn cứ pháp lý để hiện thực hóa khả năng này...

Hội nhập kinh tế và việc trả thuế của các “siêu doanh nghiệp” đang bộc lộ mặt trái của internet toàn cầu mà một quốc gia không thể điều chỉnh bằng hệ thống luật pháp của riêng mình được, ví dụ như Google kiếm tiền ở “mọi ngóc ngách của hành tinh” nhưng lại chỉ phải nộp thuế lợi nhuận ở chính quốc là Mỹ. Những bất cập không đem lại sự bình đẳng thực sự trên sân chơi quốc tế đang rất cần phải có những điều chỉnh cụ thể.

Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch thường trực của Diễn đàn Kinh tế Davos, đồng thời là một trong những chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề của cuộc cách mạng 4.0- khi so sánh những gì đang diễn ra với quá khứ, ông nhận thấy có những khác biệt rõ nét. Schwab nhận xét: “Cách mạng 4.0 được đặc trưng bởi một loạt công nghệ mới, đó chính là những gì lặp lại của thế giới vật chất, của kỹ thuật số và sinh học… và có ảnh hưởng đồng loạt đến các lĩnh vực như kinh tế, công nghiệp, đến cả những ý tưởng phức tạp nhất về vai trò của con người”. Tuy nhiên, K.Schwab cũng nhấn mạnh kỷ nguyên mới cùng với những công nghệ mới đó chính là thành quả từ công sức và trí tuệ của con người nhằm mục đích phục vụ chính con người và bởi vậy ông tin nhân loại có thể “làm chủ được cuộc chơi đầy phức tạp” này.

Phạm Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/bai-ii-cong-nghiep-40-van-de-then-chot-nhat-can-giai-quyet-la-gi/346426.vgp