Bài I. Làm sao tăng sức hấp dẫn của cấy máy?

Những gì đang diễn ra ở Hà Nội là tình trạng chung của miền Bắc nó giải thích cho việc tại sao mạ khay, máy cấy lại khó vào được sản xuất…

Năm 1960 bác Hồ đã đích thân lội ruộng dùng thử máy cấy thủ công kiểu Nam Ninh của Trung Quốc tại Trại thí nghiệm thuộc Sở Nông lâm – Hà Nội. Chiếc máy cho năng suất gấp từ 10 đến 15 người cấy bằng tay, làm dấy lên mơ ước về chuyện giải phóng đôi bàn tay và cái lưng của những nông dân ngàn đời trồng lúa nước. Thế mà, 60 năm sau, khi hầu hết các công đoạn của nghề nông đều được cơ giới hóa như làm đất, lấy nước, gặt đập, chuyên chở…tuy nhiên công đoạn nặng nhọc nhất là cấy thì chủ yếu vẫn phải dùng tay. Đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa với sự thay đổi thường xuyên của thời tiết cộng với lao động thủ công khiến cho nghề nông bị xếp vào top nghề nghiệp có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà rõ rệt nhất là các bệnh về cơ xương khớp.

Hà Nội hiện trở thành một địa phương có diện tích lúa vào loại lớn nhất nhì miền Bắc, mỗi vụ gieo cấy gần 100.000 ha. Lợi ích của máy cấy hiện đại đã quá rõ, loại 4 hàng cùng thời gian hoạt động 8 tiếng mỗi ngày đã bằng công suất của 30 thợ cấy, còn loại 6 hàng bằng 100 thợ cấy. Hơn đủ đường kiểu cấy tay truyền thống nhưng tại sao việc áp dụng cái mới vẫn còn nhiều loay hoay trong thực tế? Bằng chứng là sau nhiều chính sách khuyến khích nhưng ở Hà Nội mới chỉ có hơn 330 máy cấy, 7 trung tâm sản xuất mạ khay đạt tiêu chuẩn Nhật Bản đặt tại các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Trì, Ứng Hòa và Thanh Oai. Diện tích cấy bằng máy mỗi vụ hiện chỉ vỏn vẹn đạt trên 5.000ha, chiếm 2,7% tổng diện tích.

 Máy cấy hiện đại xuống đồng. Ảnh: NNVN.

Máy cấy hiện đại xuống đồng. Ảnh: NNVN.

Hãy nhìn chuyên sâu vấn đề này từ chuyện của huyện Thạch Thất. Địa phương này đang có nhiều yếu tố được cho là “thiên thời, địa lợi” để thúc đẩy áp dụng mạ khay, cấy máy như: Lắm làng nghề hút đông lao động với thu nhập hấp dẫn hơn hẳn nghề nông; Tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng một co hẹp, manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng và hiệu quả sản xuất thấp nên buộc phải áp dụng cái mới để cải thiện tình trạng này; Thêm vào đó, thời gian gần đây UBND huyện đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc để thúc đẩy cơ giới hóa ở khâu yếu nhất là gieo cấy lúa.

Thế nhưng, trên diện tích lúa hàng năm vào khoảng 8.700 ha của Thạch Thất ở khâu cấy chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống là gieo mạ, nhổ mạ và cấy thủ công...Tỷ lệ cấy bằng máy chẳng được bao lăm. Để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy nhằm giải phóng sức lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao nhận thức cho nông dân, năm 2020, Trạm Khuyến nông Thạch Thất đã triển khai mô hình cơ giới hóa với quy mô 1 máy cấy 4 hàng SPW-48C tại hộ ông Nguyễn Trọng Long ở xã Thạch Xá. Mọi công đoạn đã được thực hiện theo đúng yêu cầu của mô hình đề ra như mua máy mới 100%, đúng chủng loại, có kiểm định chất lượng, vận hành và bảo dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn từ trước. Bởi thế nên máy hoạt động khá tốt, công suất cấy bình quân đạt 1,0 ha/ ngày.

Sản xuất mạ khay ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Theo tính toán, việc áp dụng cơ giới hóa ở khâu cấy lúa giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cả nông dân lẫn chủ máy. Cụ thể một năm cấy 2 vụ được 22 ha, chủ máy thu được lợi khoảng 40 triệu đồng còn chi phí của người trồng lúa giảm được 5.000.000 đồng/ ha so với thuê cấy thủ công như trước đây.

Ngoài ra máy cấy còn giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động khi vào thời vụ, khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, làm quen với tính chuyên môn hóa và các khâu dịch vụ, giảm dần theo tập quán. (Chuyên cung cấp giống, chuyên làm đất, chuyên thu hoạch…). Đây là nền tảng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì sản phẩm có giá trị cao thì tính chuyên môn hóa và dịch vụ càng cao. Việc dồn ô đổi thửa trước đây đã tạo điều kiện khá thuận lợi cho máy cấy xuống đồng. Thêm vào đó công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện mô hình được thực hiện nghiêm túc, sát thực tế đã kịp thời xử lý một số vấn đề phát sinh.

Nguyễn Thị Thắm

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bai-i-lam-sao-tang-suc-hap-dan-cua-cay-may-d278559.html