Bài học về sự đồng thuận

Nhiều người dân ở khu vực bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu đã bật khóc khi phát biểu trong buổi đối thoại ngày 6-7 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức để thông báo về dự án nâng cấp bãi rác này.

Khánh Sơn là bãi rác khổng lồ của Đà Nẵng, đang chôn lấp 3,2 triệu tấn rác thải, đã quá tải lâu nay. Sự quá tải ấy gây nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, bệnh tật cho người dân gần đó và nảy sinh mầm mống xung đột, mất an ninh trật tự. Ngoài ra còn nỗi lo thường trực là hằng ngày phải chật vật tìm nơi chứa hơn 1.000 tấn rác thải trong khi bãi rác này đến hết năm 2019 là hết khả năng tiếp nhận.

Ít ai ngờ một đô thị lâu đời và phát triển nhanh, mạnh như Đà Nẵng, được gọi là "Thành phố đáng sống", mà đến bây giờ "công nghệ" xử lý rác còn thô sơ đến vậy, chủ yếu là chôn lấp! Công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại đến nay vẫn chưa thành hình. 30 năm qua, người dân khu vực bãi rác Khánh Sơn đã phải sống chung với ô nhiễm, cả không khí lẫn nguồn nước song không di dời, tái định cư được vì sự "dùng dằng" của chính quyền. Đã rất nhiều lần người dân tổ chức chặn xe chở rác lên đây, như là một hình thức phản đối, qua đó kiến nghị chính quyền phải sớm có giải pháp; nhưng rồi mọi sự giẫm chân tại chỗ. "Dân Khánh Sơn đã khổ quá nhiều (...) Con tôi mới 40 tuổi đã chết vì ung thư, chồng tôi cũng chết rồi..." - bà Huỳnh Thị Năm (phường Hòa Khánh Nam) bức xúc và nấc nghẹn tại cuộc đối thoại.

Sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện là dự án do một công ty tại địa phương liên doanh với đối tác nước ngoài "chào hàng" lãnh đạo Đà Nẵng để giải quyết bài toán khó ở Khánh Sơn, đang nhận được nhiều sự quan tâm song phải chờ sự đồng thuận từ các giới - ngành và người dân sở tại. Lúc này, sự đồng thuận là cần kíp nhất, nếu không thì mọi chuyện sẽ trở lại như cũ, bế tắc hoàn bế tắc.

Từ chuyện của bãi rác Khánh Sơn, nhìn rộng ra nhiều trường hợp có tính chất tương tự, nhất là trong những lĩnh vực "nóng" như môi trường, đất đai, xây dựng..., chính quyền phải chủ động tìm giải pháp xử lý các vấn đề người dân phản ánh, nếu để bức xúc kéo dài thì hậu quả sẽ khôn lường. Khi đã gây hậu họa rồi thì rất khó tìm được tiếng nói đồng thuận từ người dân.

Yếu tố đồng thuận từng để lại rất nhiều bài học cho lãnh đạo chính quyền các địa phương. Sức mạnh đoàn kết để phát triển nằm ở đó, nói rõ hơn là từ phía người dân, nhưng vì chủ quan, duy ý chí hoặc thiếu trọng dân mà ở không ít nơi đã để sự việc "cái sảy nảy cái ung". Không riêng Đà Nẵng, ở Bình Định, Quảng Nam... cũng xảy ra những vụ người dân chặn xe chở rác, chở đất hoặc bao vây nhà máy sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường, họ đã nhiều lần kêu cứu đến cơ quan chức năng nhưng không được lắng nghe, giải quyết. Mỗi lần như vậy, chính quyền lại vào cuộc xử lý... phần ngọn, cho nên bức xúc cứ thế âm ỉ, người dân mất niềm tin, từ đó thiếu hợp tác với chính quyền. Chính quyền mà không có được sự đồng thuận từ phía người dân thì chẳng thể nào lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tốt được cả!

Cát Tường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bai-hoc-ve-su-dong-thuan-20190706230826964.htm