Bài học về nhận thức và hành động theo quy luật qua Di chúc của Bác

Trong Điếu văn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: 'Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta'.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, dưới ánh sáng đó lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, từng bước hội nhập và phát triển. Không những thế, Người còn “để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin,..”, mấy lời ấy – Di chúc của Người không chỉ “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, mà còn để lại một kho tàng lý luận chỉ đường, dẫn lối cho nước nhà được thống nhất, thế giới được hòa bình, xây dựng Việt Nam phát triển sánh vai với các cường quốc năm Châu.

Qua đó, để lại cho chúng ta bài học về nhận thức và vận dụng theo quy luật khách quan, dự báo chính xác tình hình biến đổi ở mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn.

Ngay trong phần mở đầu của bản Di chúc đầu tiên viết năm 1965, Người đã lấy chuyện sinh tử của con người để nói về vấn đề quy luật khách quan. Qua đó Người muốn nhấn mạnh, thế giới vận động theo quy luật khách quan, không ai cưỡng lại được, việc ra đi mãi mãi của mỗi con người cũng vậy, mặc dù không ai mong muốn. Kinh nghiệm suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người được đúc kết trong Di chúc là những chỉ dẫn về nắm và vận dụng theo quy luật. Nhờ nắm quy luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.

Trong bối cảnh sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1968, kẻ thù đang như “một bầy thú hoang” bị thương, đang rất tàn bạo; được trang bị hiện đại và trợ giúp của nhiều tay sai khác; nhưng Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng vào tính tất thắng của chúng ta.

Người đã xác định trong giai đoạn này, phải trường kỳ, phải quyết tâm, phải chấp nhận hy sinh, phải giành bằng được độc lập dân tộc và sau đó sẽ xây dựng lại đất nước giàu đẹp hơn: “CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài.

Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Tin vào tất thắng, Hồ Chí Minh đã dự liệu những việc sau chiến thắng, Người sẽ “đi khắp hai miền Nam - Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta. Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”.

Viết đến đây Người đã dừng lại, điều đó đủ để mỗi chúng ta hiểu rằng, Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh đã quặn lòng, nén lại những cảm xúc, bởi lẽ Người biết thời gian không còn đủ để mình tận hưởng niềm vui và hạnh phúc của cả dân tộc, là điều suốt cuộc đời Người đã hy sinh, gian khổ, cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh giành lấy.

Người đã chỉ ra quy luật tồn tại, phát triển của Đảng cầm quyền. Khi nói về Đảng, Người đặc biệt quan tâm các vấn đề “đoàn kết chặt chẽ”; “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”.. mới giành “thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người muốn nhấn mạnh, đó là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng, ngược lại, nhờ có Đảng tổ quốc mới được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc.

Người coi giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, chỉ có đoàn kết mới dẫn dắt dân tộc đi đúng con đường, mục tiêu, lý tưởng XHCN. Trong Đảng, “tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”; “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”. Đảng phải chăm lo cho đoàn viên và thanh niên - lực lượng xung kích trên các mặt trận, là thế hệ sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng của của cha anh.

Vì vậy, Người, đã yêu cầu Đảng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Trọng dân là tư tưởng đã có từ ngàn đời trong truyền thống dựng nước và giữ nước của người Việt, nhưng với Hồ Chí Minh, tư tưởng này gắn với nhiệm vụ lâu dài của cách mạng, của Đảng

Phần cuối của Di chúc Người nói về sự phiền muộn, đau lòng do sự mất đoàn kết trong nội bộ các Đảng Cộng sản và Người đã gửi gắm lại cho Đảng ta một niềm hy vọng, một niềm tin, Đảng ta sẽ đóng góp vào việc khôi phục lại sự đoàn kết của các Đảng Cộng sản và chỉ dẫn phải trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản để tìm lại điểm chung cho các Đảng Cộng sản.

Những thắng lợi của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là kinh nghiệm quý báu, là bài học cho tất cả các Đảng Cộng sản trên thế giới, qua đó phong trào công nhân trên thế giới được phục hồi, phát triển, cùng đi đến mục tiêu là xây dựng một thế giới hòa bình, dân chủ, văn minh và từng bước xóa bỏ chế độ người bóc lột người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam và cho phong trào cộng sản trên thế giới. Nắm và vận dụng quy luật qua Di chúc của Người là bài học, là phương pháp luận cho mọi hoạt động nhận thức và thực tiễn nói chung, cho cách mạng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển nói riêng.

Vi Thái Lang- Khoa Triết học & CNXHKH, Học viện Chính trị CAND

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/bai-hoc-ve-nhan-thuc-va-hanh-dong-theo-quy-luat-qua-di-chuc-cua-bac-559748/