Bài học về ngộ độc học đường ở Bắc Ninh

Mới đây tại Trường Tiểu học Ninh Xá (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã xảy ra sự cố an toàn thực phẩm khiến hàng chục HS phải nhập viện để được theo dõi sức khỏe, khám và sàng lọc.

Phụ huynh đón trẻ sau giờ học buổi sáng tại Trường Tiểu học Ninh Xá

Phụ huynh đón trẻ sau giờ học buổi sáng tại Trường Tiểu học Ninh Xá

Cho đến nay, các em đã xuất viện, sức khỏe bình phục và đi học bình thường. Tuy nhiên, sau sự việc này, đặt ra cho nhà trường, Phòng GD&ĐT TP Bắc Ninh và cơ quan quản lý về ATTP phải chú trọng hơn trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong bếp ăn bán trú, không để xảy ra sự việc đáng tiếc tiếp theo nhằm đảm bảo sức khỏe học đường cho trẻ.

Tăng cường các điều kiện cho nấu ăn bán trú

Bà Lê Hồng Anh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Xá, cho biết: Sau bữa trưa ngày 27/9, ban đầu có 4 HS có biểu hiện đau bụng, 1 HS bị nôn - nghi do ăn phở chả viên rán - thịt gà, tiếp đó có thêm 6 trẻ cùng có biểu hiện, các trẻ được đưa đi khám, theo dõi tại bệnh viện. Chiều cùng ngày có thêm 35 HS có biểu hiện mệt và khó chịu nên phải nhập viện kiểm tra. Đêm hôm ấy, các em đều đã xuất viện với sức khỏe ổn định, không đau bụng nữa. Tính đến ngày 1/10, những HS này đã đi học đầy đủ.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Bắc Ninh, đơn vị cung cấp thực phẩm đã ngừng cung cấp thực phẩm cho trường và nhà trường chưa tổ chức nấu ăn bán trú trở lại. Hiện mẫu thực phẩm của ngày 27/9, bệnh phẩm đã được cơ quan chức năng gửi đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây nên việc HS bị đau bụng, nôn khi ăn thức ăn hôm đó tại trường. Phải chờ kết quả sau 7 - 10 ngày thì cơ quan chức năng mới có căn cứ, kết luận chính thức và nhà trường mới tiếp tục xây dựng kế hoạch nấu ăn bán trú.

Cho đến lúc đó, phụ huynh HS bán trú của trường phải đón các em về cuối buổi sáng, đầu giờ chiều lại đưa các em đến trường. Bà Lê Hồng Anh thừa nhận là việc dừng nấu ăn bán trú gây nhiều khó khăn cho các gia đình có con đang theo học tại trường, nhất là các gia đình trẻ không có điều kiện thời gian đưa đón con buổi trưa. Chính vì vậy, rất nhiều phụ huynh HS mong muốn bếp ăn bán trú của trường hoạt động trở lại để phụ huynh bớt vất vả, ngày 4 lượt đưa đón trẻ.

Theo bà Lê Hồng Anh: Sau khi có kết quả chính thức, nếu đơn vị cung ứng thức ăn cho trường bị dừng hoạt động thì nhà trường sẽ kí kết với đơn vị cung ứng thực phẩm khác để duy trì trở lại bếp ăn bán trú tại trường. Trong vụ việc này, nếu kết luận của cơ quan chức năng có nguyên nhân từ phía công ty cung ứng thực phẩm thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm.

Ngay sau sự cố, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cũng đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố rà soát công tác đảm bảo ATTP, tăng cường các điều kiện đảm bảo như CSVC, giám sát việc cung cấp thực phẩm cũng như nâng cao kiến thức về ATTP và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở GD.

Không được ăn bán trú tại trường, HS Trường Tiểu học Ninh Xá sau giờ học buổi sáng đang xếp hàng ra về

Siết chặt đảm bảo ATTP trong công tác bán trú

Ông Nguyễn Cương Nghị - Trưởng phòng GD&ĐT thông tin: Hiện trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có trên 11.000 HS tiểu học và THCS ăn bán trú tại trường. Hiện có 4 công ty cung cấp thực phẩm cho các trường học tổ chức nấu ăn bán trú.

Trong số này, Công ty TNHH Hương Việt Sinh (đơn vị cung ứng thực phẩm cho Trường Tiểu học Ninh Xá) cung ứng thực phẩm cho 16 trường học trên địa bàn thành phố với tổng số 7.200 HS ăn bán trú. Ba năm nay đơn vị này chưa để xảy ra sự cố ATTP như vụ việc ở Trường Tiểu học Ninh Xá vừa qua. Phòng GD&ĐT đã cho tạm dừng việc nấu ăn bán trú tại Trường Ninh Xá để cơ quan chức năng kiểm tra công tác ATTP.

Ông Nguyễn Cương Nghị cho biết: Sau việc này, Phòng GD&ĐT sẽ chủ động phối hợp với những cơ quan chức năng làm việc cụ thể với các trường có tổ chức nấu ăn bán trú để quản lý, siết lại các điều kiện tổ chức nấu ăn bán trú, đảm bảo an toàn thực phẩm, các điều kiện vệ sinh trường học.

Ngay sau sự việc tại Trường Tiểu học Ninh Xá, Phòng GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc công tác bán trú. Cụ thể, các trường chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh ATTP; Đối với khu bếp ăn, phòng ăn, bàn ăn, dụng cụ ăn của HS phải đảm bảo vệ sinh.

Thực hiện nghiêm túc quy trình lưu mẫu thức ăn. Hàng ngày cử cán bộ giám sát khu bếp ăn, thực đơn, thực phẩm khẩu phần ăn của HS. Phân công cán bộ giáo viên kiểm soát chặt chẽ khẩu phần ăn, chất lượng bữa ăn và các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP. Phối hợp với trạm y tế xã, phường thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bai-hoc-ve-ngo-doc-hoc-duong-o-bac-ninh-3955484-b.html