Bài học về bản quyền

Hàng loạt bản cover ca khúc 'Độ ta không độ nàng' bị xóa bỏ hoặc buộc phải ẩn trên Youtube vì đã có một đơn vị mua bản quyền ca khúc này.

Hàng loạt video cover "Độ ta không độ nàng" bị xóa bỏ trên Youtube

Hàng loạt video cover "Độ ta không độ nàng" bị xóa bỏ trên Youtube

Sau một thời gian gây xôn xao mạng xã hội khắp xứ Việt, mới đây, hàng loạt bản cover ca khúc “Độ ta không độ nàng” (nhạc Hoa, sáng tác Cô Độc Thi Nhân) đã bị xóa bỏ hoặc buộc phải ẩn trên Youtube. Trong số đó, có không ít bản cover sở hữu hàng triệu lượt xem như bản của: Anh Duy, Trấn Thành, Phương Thanh… Lý do bởi đã có một đơn vị mua bản quyền ca khúc, yêu cầu các ca sĩ phải gỡ bỏ hoặc đóng phí 5 triệu đồng cho một lần sao chép và 33% doanh thu mà nghệ sĩ cover thu được từ sản phẩm.

Đây có lẽ là câu chuyện hiếm hoi trong làng nhạc Việt, khi những bản cover cũng bị yêu cầu gỡ bỏ. Bởi từ trước tới nay, nhiều ca sĩ Việt thậm chí khuyến khích, tổ chức các trò chơi để người hâm mộ cover ca khúc của mình, để từ đó ca khúc được phổ biến rộng rãi hơn tới đông đảo người nghe. Thế nhưng, trường hợp của “Độ ta không độ nàng” lại cho thấy, việc cover đã không đơn thuần chỉ là sự phổ biến và chơi cho vui mà ở đó, còn có “mùi” lợi nhuận.

Có những bản cover đạt hàng chục triệu lượt xem như bản cover của Anh Duy, Phương Thanh… Với số lượng người xem lớn, nếu kênh Youtube được bật chức năng kiếm tiền thì số tiền kiếm được từ Youtube của những video trên chắc chắn cũng là con số không ít. Tất nhiên, không phải ai cũng kiểm soát được kênh Youtube nào đã được bật chức năng kiếm tiền.

Cover trong âm nhạc không phải là xấu, và đó như một hình thức giải trí của người Việt. Và tại Việt Nam, việc cover chỉ khi được sử dụng dưới mục đích thương mại mới phải trả tác quyền. Tuy nhiên, trong tình trạng vấn đề bản quyền lỏng lẻo như ở Việt Nam thì chuyện cover lại ngày một biến tướng. Khán giả chẳng xa lạ với những lần một ca sĩ Việt bức xúc khi thấy một ca sĩ khác cover bản nhạc của mình trong một chương trình giao lưu với người hâm mộ, hay trong một buổi biểu diễn mà không xin phép.

Bởi thế, yêu cầu xóa bỏ các video cover như trường hợp của “Độ ta không độ nàng” ngoài việc là động thái dứt khoát đối với vấn đề bản quyền trên Youtube, mà còn như một bài học xương máu với tất cả mọi người, để nâng cao ý thức và sự hiểu biết trong vấn đề bản quyền, nhất là khi thể hiện trên sân chơi quốc tế.

Hiểu Đồng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bai-hoc-ve-ban-quyen-d426231.html