Bài học 'uống nước nhớ nguồn' thiết thực

Mỗi chuyến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng hay thăm gia đình có công với cách mạng là dịp để các trường học ở Đồng Tháp giáo dục truyền thống cho HS. Hành trình tìm về địa chỉ đỏ còn là bài học quý giúp nhà trường rèn luyện kỹ năng sống và GD đạo đức cho trò.

Thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọc (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọc (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Mỗi chuyến đi là bài học quý

Nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọc (ấp 1, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) là địa chỉ quen thuộc của thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2. Từ nhiều năm qua, các thế hệ thầy trò nhà trường thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà và phụng dưỡng Mẹ. Mỗi lần đến thăm Mẹ, thầy trò được nghe kể chuyện truyền thống đấu tranh của thế hệ cha ông, những bài học về đạo đức, lòng nhân ái hết sức thiết thực và gần gũi.

Bên cạnh việc chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, Trường THPT Cao Lãnh 2 còn ký kết kế hoạch liên tịch giữa trường với Khu di tích lịch sử Xẻo Quít để GD truyền thống lịch sử địa phương cho HS. Qua đó, nhà trường thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm GD kỹ năng sống và chăm sóc Khu Di tích lịch sử Xẻo Quít.

HS sẽ đảm nhiệm các công việc như: Chăm sóc vườn hoa, quét dọn lá khô khu rừng tràm; tham quan, tìm hiểu thực tế khu rừng tràm và giao lưu các câu hỏi về lịch sử khu di tích. Bên cạnh đó, các em cũng được trang bị những kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, hợp tác… Tham gia hoạt động trải nghiệm thực tiễn nhưng các nhóm tham quan phải ghi chép và vẽ sơ đồ khu di tích bằng hình ảnh để thuyết trình, tham gia các trò chơi và sinh hoạt tập thể.

Theo thầy Lê Minh Trường - Bí thư Đoàn Trường THPT Cao Lãnh 2, hoạt động này góp phần tuyên truyền, GD cho các em niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử địa phương trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của tỉnh Đồng Tháp nói chung và tại vùng đất Mỹ Long, Mỹ Hiệp (Cao Lãnh) nói riêng; đồng thời giúp các em hiểu rõ về việc bảo tồn cảnh quan môi trường thiên nhiên và du lịch sinh thái của khu di tích Xẻo Quít.

Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm GD kỹ năng sống thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp cho các em bởi tất cả những điều mà các em đã học được, từ đó phát triển năng lực sáng tạo, GD tình cảm đạo đức trong sáng, lành mạnh và rèn luyện kỹ năng cho các em. Trong thời gian tới, hai đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, GD truyền thống lịch sử địa phương và tổ chức các hoạt động trải nghiệm GD kỹ năng sống cho HS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú…

Hình thức GD kỹ năng sống hiệu quả

Thăm hỏi, tặng quà gia đình có công với cách mạng là hoạt động thường xuyên của thầy, trò Trường THPT Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp).

Gần đây nhất, thầy trò Trường THPT Trường Xuân đã thăm và tặng quà gia đình ông Hồ Trọng Khanh, gia đình có công với cách mạng, tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười

Thầy Trần Hữu Khang - Phó Bí thư Đoàn trường THPT Trường Xuân, chia sẻ: Đây là việc làm thiết thực, là dịp để đoàn viên thanh niên thể hiện tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tri ân các thế hệ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc.

Qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang, tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao hơn nữa trách nhiệm thế hệ trẻ trong công cuôc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với nước. Hoạt động này còn GD cho thế hệ trẻ các kỹ năng về thực hành xã hội, biết yêu lao động, biết tự mình làm một số việc đơn giản trong gia đình, giúp đỡ người khác mà hiện nay một bộ phận không ít vẫn còn thờ ơ không chú trọng…

Nâng cao vai trò GD truyền thống và GD đạo đức cho HS, hiện nay, nhiều trường học ở tỉnh Đồng Tháp thực hiện có hiệu quả hoạt động “GD truyền thống lịch sử cách mạng địa phương” trong tiết sinh hoạt dưới cờ. Hoạt động này có sự tham gia của các đơn vị quân đội, Hội Cựu chiến binh cùng Ban Giám hiệu nhà trường. Thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ sẽ lồng ghép các nội dung tuyên truyền, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ; GD về truyền thống uống nước nhớ nguồn, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Qua đó, nhằm giúp các em nâng cao lòng tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc, truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/bai-hoc-uong-nuoc-nho-nguon-thiet-thuc-3990006-b.html