Bài học từ vụ việc 1 bãi rác, 16 cán bộ bị kỷ luật

Chủ đầu tư thông tin sai sự thật, chỉnh sửa báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), chính quyền địa phương xác nhận mà không kiểm tra, các sở, ngành liên quan cũng không thẩm định lại trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt dự án... là một số sai phạm liên quan Nhà máy Xử lý rác thải MD tại Đức Phổ (Quảng Ngãi).

Người dân Phổ Thạnh chặn đường không cho xe vào bãi rác (Hình: thanhnien.vn)

Người dân Phổ Thạnh chặn đường không cho xe vào bãi rác (Hình: thanhnien.vn)

Đến nay, nhà máy rác vốn đầu tư 52 tỷ vẫn chưa thể hoạt động trở lại, kéo theo 22.500 tấn trước đó tồn đọng và số rác thải sinh hoạt hàng ngày của riêng xã Phổ Thạnh vẫn “nằm chờ”.

Hàng loạt cơ quan sai phạm ngay từ khâu thẩm định

Bãi rác tại thôn La Vân, xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) hình thành hơn 10 năm trước, thực hiện theo phương pháp chôn lấp thông thường, gây ô nhiễm môi trường. Sau đó Quảng Ngãi cho phép Công ty TNHH Thương mại - Công nghệ Môi trường MD đầu tư Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt MD tại vị trí bãi rác cũ, vừa xử lý rác sinh hoạt hàng ngày, vừa xử lý rác cũ.

Trong quá trình đầu tư xây dựng, thi công đưa vào hoạt động đã xảy ra những sai sót dẫn đến người dân kiến nghị, phản ánh, chặn đường lên nhà máy suốt thời gian dài năm 2018. Chính quyền nhiều lần đối thoại nhưng dân vẫn không đồng thuận. Đỉnh điểm, tháng 8/2018, người dân tổ chức mang cả quan tài chặn QL1A gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Khi MD xin đầu tư dự án, Sở KH&ĐT có đề nghị Sở Xây dựng thẩm định địa điểm xây dựng. Ở văn bản phúc đáp, Sở Xây dựng khẳng định “vị trí dự án phù hợp quy hoạch được duyệt”. Trong khi đó, theo quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn Quảng Ngãi đến 2020, chất thải rắn sau khi được phân loại từ bãi chôn lấp xã Phổ Thạnh sẽ vận chuyển về khu liên hợp xử lý chất thải rắn An Điền thuộc xã Phổ Nhơn.

Như vậy, Sở Xây dựng thẩm định chưa đúng trong quá trình tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Chủ đầu tư biết nhưng vẫn quyết định đầu tư dự án. UBND huyện Đức Phổ và Sở KH&ĐT không thông báo cụ thể rõ ràng để Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, dẫn đến nhà máy được đầu tư sai quy hoạch.

Trong quá trình thực hiện dự án, UBND xã Phổ Thạnh và chủ đầu tư đã mời 20 hộ dân thôn La Vân dự hội nghị tham vấn cộng đồng dân cư. Dù người dân không đến, nhưng hội nghị này vẫn được tiến hành là không đúng quy định.

Tại thời điểm thẩm định ĐTM đã có ý kiến lo ngại khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư không đảm bảo quy định. Thế nhưng, chủ đầu tư dự án đã lập giấy xác nhận khoảng cách an toàn với khu dân cư và được ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh “xác nhận”. Trên thực tế, trong khoảng cách 500 m tính từ chân hàng rào nhà máy đã có hàng chục nhà dân hiện hữu, nhưng MD đưa thông tin sai sự thật rằng khu vực này không có nhà dân. Và Chủ tịch Hội đồng thẩm định ĐTM không chỉ đạo khảo sát, kiểm chứng thông tin, số liệu trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Danh sách 16 cán bộ sai phạm

Quảng Ngãi đã cho thanh tra toàn diện lại dự án. Ngày 28/9 vừa qua, ông Nguyễn Cao Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi đã thông báo kết quả sơ bộ vụ việc.

Theo đó, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi đã tiến hành kỷ luật khiển trách và kiểm điểm 12 cán bộ lãnh đạo sở, ngành; 4 cán bộ, lãnh đạo cấp huyện. Cụ thể, thi hành kỷ luật kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm với ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh; bà Hồ Minh Hoa, nguyên Trưởng phòng (thuộc Sở KH&ĐT); ông Nguyễn Văn Văn và Phạm Vỹ Lượng, chuyên viên thuộc Sở KH&ĐT; ông Nguyễn Phong, GĐ Sở Xây dựng; ông Phùng Minh Tuấn, PGĐ Sở Xây dựng; ông Nguyễn Phi Khanh, chuyên viên Sở Xây dựng; ông Huỳnh Văn Viện, Phó Trưởng phòng và ông Phạm Quan Thuận, Trưởng phòng Sở Xây dựng; bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường.

Đối với ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thi hành mức kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Ngoài ra, chuyển công tác và khiển trách ông Trần Em, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ; kiểm điểm rút kinh nghiệm, chuyển công tác ông Nguyễn Duy Trinh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh; kiểm điểm rút kinh nghiệm với các ông Lê Thanh Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ; Trần Ngọc Sang, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện; chuyển công tác ông Lê Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thạnh.

Theo điều tra của PLVN, ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh và ông Trần Em, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ mắc nhiều sai phạm nhất trong vụ này.

Với ông Em, là Chủ tịch huyện, biết dự án này không phù hợp quy hoạch nhưng không báo cáo rõ cho Chủ tịch tỉnh trước khi quyết định chủ trương đầu tư. Ông Em không rà soát, kiểm chứng lại thông tin nhà máy vi phạm quy chuẩn về khoảng cách, dẫn đến lãnh đạo UBND tỉnh kết luận trước dân không đúng thực tế. Ngoài ra, ông Em có sai phạm trong việc thống nhất chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trước khi báo cáo đề xuất tỉnh.

Với ông Tân, là PGĐ Sở TN&MT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, nhưng thiếu trách nhiệm trong rà soát, kiểm chứng thông tin, số liệu về khoảng cách an toàn từ nhà máy đến khu dân cư, tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt bản báo cáo ĐTM sai sót.

Tồn đọng 22,5 ngàn tấn rác chưa có hướng xử lý

Qua hơn một năm, dự án vốn đầu tư 52 tỷ vẫn chưa thể hoạt động trở vì bị người dân “phong tỏa”. Và khoảng 22,5 ngàn tấn rác trước đó tồn đọng cùng số rác thải sinh hoạt hàng ngày của riêng xã Phổ Thạnh vẫn chưa tìm được hướng xử lý.

Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đối thoại với người dân

Ngày 25/9, Bí thư Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã có buổi đối thoại với người dân Phổ Thạnh tìm hướng giải quyết vướng mắc sự việc. Bí thư Quảng Ngãi đã nhận trách nhiệm, xin lỗi người dân vì những sai sót của cấp dưới trong quá trình thực hiện dự án.

Ông Chữ cho biết, do nôn nóng nên quá trình đầu tư dự án, một số cán bộ đã để xảy ra một số sai sót đã nêu trên. Ông Chữ cũng đưa ra giải pháp đề nghị người dân đồng tình cho nhà máy rác Sa Huỳnh hoạt động trở lại để xử lý số rác khoảng 22,5 ngàn tấn trước đó tồn đọng và số rác thải sinh hoạt hàng ngày riêng xã Phổ Thạnh. Người dân không chấp nhận.

Ông Trần Ngọc Thạch (người dân thôn Thạch By) kiến nghị: “Tỉnh phải có cam kết cụ thể rõ ràng thời gian xử lý số rác cũ còn tồn đọng; có biện pháp để giảm thiểu tối đa việc gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường của nhà máy rác Sa Huỳnh khi hoạt động trở lại”.

Ông Văn Thành Lê (thôn La Vân) cho biết, nhà ông sống gần bãi rác, qua hơn 1 năm xảy ra sự cố môi trường đến nay đi đâu ông cũng thấy rác thải và mùi hôi thối, tình hình ô nhiễm kéo dài nguy cơ bệnh tật. Ông Lê đề nghị nhà máy này phải di dời và phải xử lý rác cũ.

Bí thư Quảng Ngãi ghi nhận ý kiến và đề nghị dân tiếp tục suy nghĩ, đưa ra kiến nghị cuối cùng, trên cơ sở đó tỉnh sẽ quyết định di dời, hay tiếp tục cho nhà máy rác Sa Huỳnh hoạt động trở lại. Ông Chữ cho biết, chậm nhất đến tháng 9/2022 sẽ hoàn thành xử lý rác thải tại Nhà máy MD và đầu tư nhà máy xử lý rác thải vùng phía Nam của Đức Phổ. Trong thời gian này, MD chỉ xử lý lượng rác tồn đọng 22,5 ngàn tấn và lượng rác sinh hoạt của riêng người dân trên địa bàn xã Phổ Thạnh.

Đồng thời, ông Chữ cam kết, sẽ yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương đầu tư các hạng mục xử lý nước gỉ, trồng cây xanh; ngành TN&MT đặt trạm quan trắc để theo dõi và thông báo cho dân; người dân lập tổ giám sát, cử đại diện theo dõi, giám sát xử lý rác thải…

Dự kiến trong tháng 10, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục đối thoại với người dân xã Phổ Thạnh để chốt phương án cuối cùng.

Vũ Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/bai-hoc-tu-vu-viec-1-bai-rac-16-can-bo-bi-ky-luat-473203.html