Bài học từ việc thu hồi đất Dự án đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì: Cần gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân

Không đồng ý với các văn bản pháp lý, phương án quy hoạch, bồi thường, chính sách hỗ trợ và tái định cư tại Dự án tuyến đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì, người dân đã nhiều lần làm đơn thư gửi các cơ quan chức năng. Đến nay, quận Nam Từ Liêm và người dân vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết dứt điểm, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Người dân đã nhiều lần đề nghị xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại về pháp lý, quy hoạch đối với Dự án tuyến đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì những vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Người dân đã nhiều lần đề nghị xử lý dứt điểm những vướng mắc, tồn tại về pháp lý, quy hoạch đối với Dự án tuyến đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì những vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 17/12/2014, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6762/QĐ-UBND về việc phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 800m, mặt cắt ngang B=30 - 48m theo quy hoạch với tổng mức đầu tư dự kiến 326 tỷ đồng.

Nội dung công tác chuẩn bị đầu tư gồm: khảo sát, đo đạc, điều tra phục vụ lập dự án đầu tư xây dựng công trình và lập, trình thẩm định và phê duyệt Dự án.

Từ năm 2017, UBND quận Nam Từ Liêm đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác quy hoạch bồi thường, GPMB và giải quyết các chế độ chính sách với những hộ dân chịu ảnh hưởng bởi dự án làm đường.

Tuy nhiên, theo phản ánh của những hộ dân, công tác quy hoạch bồi thường, GPMB và giải quyết các chế độ chính sách đang đẩy họ vào bước đường cùng. Nhiều ý kiến lo lắng, bức xúc của người dân chưa được chính quyền địa phương lắng nghe và giải quyết một cách thỏa đáng, dứt điểm.

Có hay không việc quận Nam Từ Liêm sử dụng các văn bản pháp lý cấp cho một chủ đầu tư khác để tiến hành xác định chỉ giới vạch đỏ, thu hồi đất của người dân tại dự án.

Ông Phạm Văn Đạc, một người dân nằm trong diện thu hồi đất cho biết, qua nhiều lần đối thoại, quận Nam Từ Liêm đều cho rằng, dự án được triển khai theo đúng quy hoạch và trình tự thủ tục được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng thực tế những loại bản đồ mà người dân nhận bàn giao từ phía chính quyền lại không đồng nhất về tỉ lệ. Các tấm bản đồ do quận Nam Từ Liêm cho người dân tấm thì tỉ lệ 1/200, tấm thì tỉ lệ 1/500. Đến khi người dân tự đối chiều theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì không có sự trùng khớp.

Bên cạnh đó, bản vẽ chỉ giới đường đỏ do Ban Quản lý dự án quận Nam Từ Liêm cung cấp cho người dân ghi chủ đầu tư công trình là Công ty TNHH TOGI Việt Nam. Vậy doanh nghiệp Công ty TNHH TOGI Việt Nam là đơn vị nào? Tại sao quận Nam Từ Liêm lại sử dụng bản vẽ cấp cho Công ty TNHH TOGI Việt Nam làm dự án theo hình thức xã hội hóa giờ áp lại bản vẽ này để thu hồi đất của người dân (trong khi quận Nam Từ Liêm hiện đang là chủ đầu tư của dự án này).

Cũng theo phản ánh của người dân thuộc diện thu hồi đất tại tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng, họ sinh sống liên tục từ nhiều đời nay tại đây, thậm chí có cả những hộ thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng nhưng chưa hề được phổ biến, chưa được bất cứ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tổ chức họp lấy ý kiến cho dự án trên.

Cũng theo người dân, chính việc không lấy ý kiến rộng rãi khi thực hiện đã khiến dự án tồn tại nhiều bất cập, vừa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, kinh tế, vừa gây lãng phí ngân sách cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Bởi lẽ, việc đánh cong con đường đoạn từ cho Mễ Trì Hạ đi theo đường Ao Khoang đã lấy vào đất của dân đang sinh sống ổn định, trong khi phía đối diện là đất lưu không.

“Nhìn vào một phần bản đồ quy hoạch dự án, chúng tôi thấy rõ, bên phần đối diện với nhà chúng tôi là phần đất lưu không còn rất nhiều. Không hiểu vì lý do gì mà họ lại vẽ con đường đến chợ Mễ Trì Hạ thì bị đánh võng sang phần diện tích đã được cấp sổ đỏ của người dân.”, bà Nguyễn Thị Điệp - một người dân thuộc diện mất đất bức xúc cho biết.

Một dự án cho dù ý nghĩa thế nào nhưng ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, sử dụng tiền ngân sách thì cần phải công khai, minh bạch và thực hiện đúng pháp luật. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận từ người dân và các tổ chức xã hội. Không thể đùng một cái thích làm gì thì làm, càng không thể áp dụng các cơ sở pháp lý tùy tiện làm hưởng tới cuộc sống yên bình của người dân.

Bên cạnh đó, theo anh Trần Ngọc Triệu (người dân sinh sống trên phần khu vực Ao Khoang) cho biết thêm, bản đồ quản lý ruộng đất do UBND phường Mễ Trì cung cấp cho người dân. Toàn bộ khu vực đất Ao Khoang từ Mễ Trì Thượng sang Mễ Trì Hạ là một vùng rộng lớn, chỉ có lác đác một số hộ bên Mễ Trì Thượng và 1 hộ bên Mễ Trì Hạ được thể hiện trên bản đồ. Trong khi đó, cùng trên một dải đất Ao Khoang, nhiều hộ bên phía Mễ Trì Hạ lại thể hiện là đất vườn, thậm chí là đất thổ cư. Còn gần trăm hộ bên phía Mễ Trì Thượng lại bị “khoác chiếc áo” sử dụng đất công.

“Dẫn đến việc, nhiều hộ dân tại khu vực Ao Khoang không được đền bù do chính quyền địa phương xác định người dân lấn chiếm đất ao mương, giao thông thủy lợi do phường quản lý nhưng điều này là vô lý bởi chúng tôi đã xây dựng nhà kiên cố và sinh sống hàng chục năm qua?” – Anh Trần Ngọc Triệu nói.

Các hộ dân đề nghị UBND, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì giải thích rõ ràng về tính pháp lý, quy hoạch, nguồn gốc sử dụng của các loại đất tại Dự án xây dựng đường nối từ Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì.

Ngoài ra, các hộ dân cho rằng để hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà nước, giảm chi chí giải phóng mặt bằng cũng như tránh làm ảnh hưởng đến đời sống người dân; dự án cần điều chỉnh cục bộ dự án theo hướng lấy đất chếch sang phần đất lưu không do UBND phường Mễ Trì quản lý về phía chợ Mễ Trì Hạ.

Người dân chỉ ra sự bất hợp lý về độ rộng vỉa hè khác nhau theo từng vị trí trên tuyến đường.

Đây là đường nhánh nên không nhất thiết phải mở quá rộng, chỉ cần mở rộng vừa đủ. Nhất là khi lòng đường quy hoạch rộng hơn 15m mà lấy đất người dân đang sinh sống để làm vỉa hè rộng tới 15m (cộng cả 2 bên hè) thì quá bất hợp lý.

Đối với dự án nêu trên, điều khiến người dân bức xúc hơn cả là việc cung cấp thông tin, trả lời người dân các vấn đề phát sinh liên quan đến dự án của cơ quan chức năng diễn ra khá chậm, có biểu hiện thiếu công khai, minh bạch. Nhiều đơn thư khiếu nại cũng đã được gửi đến các cơ quan nhưng sự việc vẫn không được quan tâm, hồi âm khiến người dân vừa lo lắng, vừa bức xúc.

Người dân tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ, tổ dân phố số 2,3 Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đề nghị lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sớm chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ trắng đen. Đồng thời làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến dự án do UBND quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư.

Một là, trong Luật Quy hoạch và Luật Xây dựng đều có quy định “Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng”.

Vậy dự án trên đã được lấy ý kiến nhân dân rộng rãi chưa, khi nào, được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao?

Hai là, Luật Đất đai quy định về nguyên tắc trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải công khai minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất.

Trong diện tích đất bị thu hồi của các hộ dân thì có nhiều hộ dân bị trừ diện tích mà UBND quận Nam Từ Liêm cho rằng đất giao thông, thủy lợi. Vậy đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm giải đáp bằng văn bản cho người dân được biết, rằng đất giao thông, thủy lợi là đất gì? Dự án giao thông, thủy lợi thực hiện khi nào? Khi thực hiện các dự án trước đó có được thu hồi đất hay không?

Ba là, có hay không việc khuất tất, thiếu công bằng trong việc giải quyết quyền lợi của người dân trong công tác bồi thường, tái định cư?. Trong khi, việc bồi thường còn diễn ra tùy hứng đến mức, nhiều hộ mất hàng trăm m2 đất, với nhiều nhận khẩu nhưng lại không được bố trí tái định cư.

Để bảo vệ sự thượng tôn của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, người dân đề nghị, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sớm cho kiểm tra, xem xét toàn bộ vụ việc và có biện pháp xử lý những sai phạm (nếu có) trong vụ việc trên để người dân sớm được ổn định cuộc sống.

Bốn là, đối thoại với nhân dân không phải là việc làm mới, nhưng là phương pháp rất hiệu quả để gần dân, sát dân, thấu hiểu nhân dân, từ đó giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong thực tế cuộc sống. Tại đây, người lãnh đạo các địa phương, đơn vị nếu thể hiện rõ sự chân thành, thẳng thắn sẽ nhận được những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Quan trọng hơn, những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc sẽ được bàn thảo, giải quyết tận gốc, qua đó lòng tin vào các cấp chính quyền được củng cố vững chắc.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc nêu trên.

Phan Anh Tuấn

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/bai-hoc-tu-viec-thu-hoi-dat-du-an-duong-noi-tu-duong-do-duc-duc-di-duong-me-tri-can-gan-dan-sat-dan-giai-quyet-kip-thoi-nguyen-vong-chinh-dang-cua-nguoi-dan-35328.html