Bài học từ trường hợp Descon

Việc Công ty cổ phần Xây dựng Công nghiệp (Descon) bị đề nghị phá sản là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam khi lựa chọn đối tác cũng như các nhà đầu tư khi lựa chọn doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Ảnh shutterstock

Ảnh shutterstock

Tòa án nhân dân TP.HCM đã có quyết định mở thủ tục phá sản Descon theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd (SIAM). Mặc dù Luật Phá sản đã quy định quyền của chủ nợ kiện phá sản khách nợ nhằm thu hồi nợ, nhưng tình huống này vẫn khá hiếm hoi ở Việt Nam.

Không có gì lạ khi chủ nợ đòi phá sản Descon là một doanh nghiệp nước ngoài. Có vẻ SIAM không còn kỳ vọng vào các quyết định tăng vốn, phát hành cho cổ đông chiến lược của Descon đã thông qua tại Ðại hội đồng cổ đông đầu năm 2018 sẽ giúp cải thiện tài chính Công ty. Kiện phá sản là phương thức mạnh nhất để SIAM thu hồi nợ từ Descon.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Kỹ nghệ lạnh (SRF), một nhà thầu trong nước đã phải trích lập dự phòng nợ của Descon từ các năm trước, nhưng vẫn tiếp tục làm thầu phụ cho tổng thầu Descon thông qua công ty thành viên là Công ty Cơ điện lạnh Ðà Nẵng, tại một dự án ở Hội An.

Trong trường hợp này, SFR là bên bị động khi SIAM kiện đòi phá sản Descon. Nếu Descon phá sản thì quyền lợi của người lao động, các nghĩa vụ với Nhà nước sẽ được ưu tiên, sau đó đến các khoản nợ có tài sản đảm bảo và tiếp theo mới dành cho những chủ nợ đề nghị phá sản khách nợ.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính, Descon không muốn phá sản thì về cơ bản sẽ phải chứng minh tài sản dương so với nợ. Tòa án sẽ xem xét tài sản của doanh nghiệp và các khoản nợ trước khi đi đến phán quyết. Nhưng trong trường hợp này, chủ nợ hẳn đã nghiên cứu rất kỹ con nợ để quyết định kiện đòi nợ hay kiện mở thủ tục phá sản doanh nghiệp.

“Ở Việt Nam, nhiều công ty có hoạt động chiếm dụng vốn và bên bị chiếm dụng vốn thường “đầu hàng” trong việc đòi nợ. Hệ thống tư pháp còn nương nhẹ cho các trường hợp như vậy. Việc SIAM - một công ty nước ngoài kiện phá sản Deson là bài học cho các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lớn và cả các doanh nghiệp dễ dãi trong lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp năng lực tài chính yếu”, ông Nghiêm nhận xét.

Trang web của Descon cho thấy, Công ty vẫn đang hoạt động bình thường, ngoại trừ sức khỏe tài chính. Nhìn từ trường hợp Descon, nhà đầu tư chứng khoán cần cảnh giác với các công ty có khoản nợ lớn.

Ngay cả các công ty có tài sản lớn hơn nợ, nhưng dòng tiền yếu, cũng có thể trở thành đối tượng bị kiện đòi giải thể hay phá sản. Trường hợp của Cáp Sài Gòn (CSG) trước đây là một ví dụ, khi cổ đông lớn SAM tiến hành thủ tục giải thể Công ty, sau đó thanh lý tài sản, chia 16.000 đồng/cổ phần, trong khi trước đó, cổ phiếu CSG được giao dịch ở mức giá 6.000 đồng/cổ phần.

Nhưng đa số sẽ không phải là thương vụ có lời cho cổ đông như CSG. Nếu Deson phá sản, chủ nợ của Descon sẽ thu hồi được bao nhiêu và phần còn lại cho các cổ đông là bao nhiêu vẫn còn là ẩn số. Theo báo cáo tài chính cuối năm 2017, tổng nguồn vốn trên tổng nợ của Descon là tương đương, khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong 1 năm qua, chưa có báo cáo tài chính mới được công bố để xác định khoản nợ tăng thêm.

Bài học từ trường hợp Descon cho thấy, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp có xu hướng ứng xử văn minh hơn, sử dụng tòa án nhiều hơn. Doanh nghiệp muốn “ăn ngon, ngủ yên” nên lựa chọn đối tác kỹ hơn và chủ động, quyết liệt trước các khoản nợ quá hạn khó đòi.

Người quan sát

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/bai-hoc-tu-truong-hop-descon-251922.html