Bài học từ Phù Ủng

Những ngày qua, vụ việc một học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị một số bạn cùng lớp đánh hội đồng gây phẫn nộ trong dư luận. Vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội về môi trường học đường.

Những ngày qua, vụ việc một học sinh lớp 9 Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị một số bạn cùng lớp đánh hội đồng gây phẫn nộ trong dư luận. Vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến niềm tin xã hội về môi trường học đường.

Ðiều đáng nói, đây không phải là sự việc đầu tiên diễn ra và ngành giáo dục cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng bạo lực học đường vẫn diễn ra với mức độ ngày càng nhiều, nghiêm trọng, khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Con số được đưa ra trong sơ kết ba năm thực hiện Thông tư liên tịch về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục cho thấy những vi phạm pháp luật, bạo lực học đường khiến nhiều người không khỏi giật mình. Trong giai đoạn 2011- 2018, cả nước có 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên với 32.418 người. Trong đó, có 9.961 vụ (chiếm 53,6%) diễn ra trong nhà trường.

Trong số các vụ việc, có 11.888 vụ đánh nhau gây thương tích, 256 vụ xâm hại tình dục, 915 vụ uy hiếp tinh thần, còn lại là các hình thức vi phạm khác...

Thực tế cho thấy cách giáo dục, xử lý trong vi phạm pháp luật, bạo lực học đường hiện nay vẫn trong tình trạng chạy theo vụ việc, mà chưa có giải pháp chủ động, đồng bộ. Trong khi đó, với những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật của một bộ phận giáo viên cũng như cách xử lý, ứng xử của một số cơ sở đào tạo đã trở thành những tấm gương xấu đối với học sinh, sinh viên. Quy định về xử lý học sinh vi phạm được ngành giáo dục ban hành từ năm 1988 đến nay vẫn chưa thay đổi, có nhiều điểm không phù hợp mục tiêu, định hướng giáo dục hiện nay, khiến nhiều nhà trường, giáo viên lúng túng không biết xử lý các tình huống vi phạm pháp luật, bạo lực học đường ra sao. Ðáng chú ý, bệnh thành tích vẫn còn là “vấn nạn” khiến nhiều giáo viên, trường học tìm cách giấu giếm, xử lý vụ việc qua loa.

Vụ việc ở Trường THCS Phù Ủng cho thấy, hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và thậm chí là cả hội đồng giáo dục nhà trường chưa ý thức hết chức trách, nhiệm vụ được giao, chưa chủ động nắm bắt tình hình, sát sao với học sinh và các hoạt động của nhà trường. Thậm chí lãnh đạo trường đã buông lỏng quản lý, không xử lý nghiêm khắc, triệt để, kịp thời khi xảy ra sự việc. Trong giáo dục, việc kết nối gia đình, nhà trường là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, khoảng cách giữa phụ huynh học sinh với thầy giáo, cô giáo ở không ít trường học đang ngày càng xa bởi nhiều phụ huynh có tâm lý phó mặc việc giáo dục con em mình cho nhà trường, nhiều nhà trường thường chỉ tổ chức gặp gỡ, trao đổi về tình hình học tập, đạo đức, lối sống của học sinh với phụ huynh vào buổi họp đầu năm học... Chưa kể, không ít các buổi họp phụ huynh chỉ nặng việc đóng góp, thu tiền mà ít có các nội dung về phối hợp giáo dục học sinh...

Vụ việc ở Trường THCS Phù Ủng để lại những bài học cần rút kinh nghiệm không chỉ cho ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên mà cho cả nước. Nếu các thầy giáo, cô giáo nêu cao tinh thần, trách nhiệm, sát sao với học sinh thì chắc chắn sự việc đáng tiếc nêu trên đã không xảy ra. Khi xảy ra mà sự việc được xử lý triệt để thì không đến nỗi cả tập thể Ban Giám hiệu, Chi ủy, Hội đồng kỷ luật nhà trường và Tổng phụ trách Ðội bị đề nghị kỷ luật. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp thiết thực, cụ thể mà ngành GD - ÐT đề ra nhằm hạn chế, phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường thì chính các nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cần nêu cao tấm gương đạo đức nhà giáo; chủ động xử lý các tình huống hợp lý, không để bị lúng túng. Việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong giáo dục học sinh, sinh viên cần đi vào thực chất, tránh tình trạng hình thức.

Khi xử lý các vụ việc, cần tìm hiểu cặn kẽ các nguyên nhân để có giải pháp xử lý phù hợp nhất, tránh tình trạng vội vàng dẫn đến đưa ra các giải pháp cứng nhắc, nặng về xử lý tình huống, nhẹ về tính giáo dục lâu dài, đồng thời gây hoang mang cho giáo viên, học sinh. Mặt khác, việc giáo dục, phòng tránh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường với học sinh, sinh viên không thể chỉ phó mặc cho ngành giáo dục mà cần có sự quan tâm phối hợp tích cực của các bậc phụ huynh và các cấp, các ngành một cách thường xuyên, liên tục. Nếu để vụ việc xảy ra, thì chỉ còn cách chạy theo giải quyết “việc đã rồi”.

GIANG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/39709002-bai-hoc-tu-phu-ung.html