Bài học từ người phát minh ra máy bay

Hai anh em Wright đã phát minh ra chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới. Tuy vậy, họ lại tốn quá nhiều thời gian vào việc kiện tụng và không sử dụng thành quả một cách hợp lý.

Ngày 17/12/1903, tại thị trấn Kitty Hawk, Bắc Carolina, Mỹ…

Hôm đó, chiếc máy bay đầu tiên của thế giới mang tên Wright Flyer 1 được anh em nhà Wright, người anh Wilbur Wright và người em Orville Wright chế tạo, đã cất cánh thành công và bay được 12 giây, tiếp đó là 4 lần bay với thời gian bay dài nhất lên đến 59 giây.

Chuyến bay nào cũng không kéo dài được quá một phút. Nhưng dù vậy, đây chính là sự khởi đầu của đôi cánh bay lượn tự do trên bầu trời của nhân loại.

Thấm thoát 9 năm trôi qua sau chuyến bay lịch sử đầu tiên đó, người anh Wilbur đã ra đi mãi mãi, em trai Orville cũng đã có tuổi.

Anh em nhà Wright đã lấy được “bằng sáng chế” cho kỹ thuật về máy bay của mình. Bằng sáng chế được hiểu một cách đơn giản là “quyền không để người khác sao chép lại” những sáng chế của mình. Bởi vậy, nếu không trả tiền cho anh em nhà Wright thì không ai được phép tự ý sử dụng những kỹ thuật này.

Tuy nhiên, máy bay là phương tiện mà toàn nhân loại đều mơ ước. Đã có rất nhiều người dày công nghiên cứu để tạo ra thứ phương tiện có thể đi nhanh hơn, xa hơn. Và đương nhiên, sau khi người ta tham khảo kỹ thuật của anh em nhà Wright, những chiếc máy bay khác đã lần lượt xuất hiện.

Sau đó, anh em nhà Wright đã bất bình mà thốt lên rằng: “Những chiếc máy bay này giống với sáng chế của chúng tôi!”. Nhưng bị người ta phản đối: “Không, đây là những gì chúng tôi tự nghĩ ra!”.

Thế rồi, những phiên tòa phân xử lời nói của bên nào mới là chính xác đã bắt đầu.

Anh em nhà Wright bị cuốn theo những vụ kiện tụng, nên chẳng còn thời gian cho việc cải tiến chiếc máy bay của mình.

 Hai anh em nhà Wright: Orville (trái) và Wilbur là "cha đẻ" của máy bay. Ảnh: Getty.

Hai anh em nhà Wright: Orville (trái) và Wilbur là "cha đẻ" của máy bay. Ảnh: Getty.

Trong khi kỹ thuật về máy bay của những đối thủ ngày càng được nâng cao thì kỹ thuật của anh em nhà Wright ngày một lỗi thời. Dù họ có tham gia vào những cuộc thi về máy bay đi chăng nữa, chiếc máy bay của hai anh em cũng không mang lại thành tích gì đáng nói.

Trong hoàn cảnh đó, người anh trai Wilbur Wright đã ra đi mãi mãi ở tuổi 45. Ba năm sau đó, em trai Orville Wright cũng dừng việc chế tạo máy bay. Anh em nhà Wright chính thức mất dấu hoàn toàn khỏi thế giới máy bay của nhân loại.

Chẳng bao lâu sau, chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Người em trai Orville Wright đã vô cùng hối hận khi chính mắt nhìn thấy hiện thực người ta sử dụng máy bay như một thứ vũ khí để giết hại con người.

Sai lầm của anh em nhà Wright chính là đã tốn quá nhiều thời gian vào việc kiện tụng. Chắc hẳn các bạn đọc đến đây đều nghĩ như thế đúng không? Nhưng sai lầm thực sự của anh em nhà Wright chính là “không sử dụng thành quả của mình một cách hợp lý”.

Để có chuyến bay thành công đầu tiên, anh em nhà Wright đã phải nỗ lực không ngừng trong rất nhiều năm. Hầu hết cuộc nói chuyện của hai anh em đều về máy bay. Dường như anh em họ đã dành cả cuộc đời để hoàn thành chiếc máy bay đó.

Vậy nên khi nhìn thấy chiếc máy bay giống như thế, cảm xúc bất mãn của hai anh em họ là điều không khó lý giải. Tuy nhiên, lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào một thành công duy nhất, thì đa phần ta chỉ nhận lại sự tổn thất cho chính mình mà thôi.

Thành công không phải là “thứ cần bảo vệ” mà nó là “thứ được sử dụng” cho những thành công khác trong tương lai.

Giả sử, bạn đã cố gắng tập luyện chăm chỉ và đạt hạng nhất trong cuộc thi chạy của đại hội thể thao. Sau đó, một là bạn sẽ chỉ biết nói: “Tôi thật tuyệt vời!”, hai là bạn sẽ trở thành người dạy lại lại cho người khác cách mà bạn đã chạy nhanh như thế nào. Theo bạn, đâu mới là thành công hơn?

Câu trả lời đương nhiên sẽ là “người có thể chỉ dạy cho người khác” rồi. Nếu ai cũng có thể chạy nhanh hơn, thì lần tiếp theo trong các cuộc thi cần sự tương trợ của mọi người như chạy tiếp sức hay cuộc thi lăn bóng, đội của bạn có khả năng sẽ giành hạng nhất đó.

Để tạo ra những thành công tiếp theo từ một thành quả ban đầu ta cần phải biết cách “phân chia” thành quả đó. Chia sẻ thành quả cho những nơi có thể chia sẻ. Cứ như thế, thành công của bạn sẽ trở nên to lớn hơn và quay trở lại với bạn, giống như hạt mầm mà bạn trồng xuống đất kia chẳng mấy chốc sẽ nảy mầm, rồi đơm hoa kết trái.

Masato Oono/ Ehomebooks/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-tu-nguoi-phat-minh-ra-may-bay-post1306610.html