Bài học từ Jakarta

Bốn phần mười diện tích thành phố Jakarta (Indonesia) đang bị ngập lụt thường xuyên, chủ yếu do tác động của con người. Mới đây, truyền thông Indonesia hé lộ thông tin cho thấy nước này có thể sẽ phải bắt đầu dời thủ đô đến một nơi khác trong năm tới.

Jakarta (Indonesia) sắp đánh mất vị trí thủ đô vì tình trạng ngập lụt và hạ tầng đô thị xuống cấp. Nguồn: Jakarta Globe.

Ý tưởng dời đô của Indonesia từ Jakarta đến một nơi khác được đưa ra từ năm 1957 dưới thời Tổng thống Sukarno. Lúc bấy giờ, hành động dời đô chủ yếu mang tính biểu tượng cho sự dứt bỏ khỏi giai đoạn lịch sử bị người Hà Lan đô hộ. Trong thời kỳ trước khi giành được độc lập, Jakarta với tên gọi Batavia chính là thủ phủ của chế độ thuộc địa này.

Trải qua nhiều đời tổng thống, Indonesia vẫn gác lại việc dời đô. Tuy nhiên việc lơi lỏng trong quản lý đô thị và môi trường đã dẫn đến tình trạng ngập úng và sụt lún tại Jakarta ngày nay. Nền đất của Jakarta đang lún xuống mỗi năm. Các kiến trúc hạ tầng bên dưới mặt đất, đặc biệt là cống thoát nước và đường dây điện chịu nén ép và xuống cấp.

Hiện trạng môi trường đô thị tại Jakarta đang ở mức lo ngại, các mạch nước ngầm hầu như trống rỗng, việc xây dựng và xả thải làm tắc nghẽn các dòng chảy mỗi khi mưa lớn. Từ đó, các trận lũ lụt xuất hiện với tần suất dày đặc và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Trận lũ lịch sử 2007 đã làm chết 80 người, 500.000 hộ gia đình ở Jakarta phải sơ tán. Đó là chưa kể đến những trận dịch, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết hoành hành ngay sau lũ lụt.

Nhọc nhằn chuyện dời đô

Ứng cử viên tiềm năng cho vai trò thủ đô mới nằm cách rất xa Jakarta, đó là thị trấn Palangkaraya nằm giữa đảo Borneo. Thị trấn này hiện rất thưa thớt, mới chỉ có 250.000 dân, quá nhỏ bé so với khoảng 30 triệu người của thủ đô Jakarta. Palangkaraya là lựa chọn vấp phải không ít tranh cãi và cả những phản đối, nhất là từ giới chức Jakarta. Tuy nhiên, thời gian còn lại không nhiều, nhu cầu dời đô đối với Indonesia hiện nay có ý nghĩa cấp thiết. Jakarta đang gặp phải những thách thức nghiêm trọng đối với việc đảm bảo năng lực hành chánh của một thủ đô.

Đương kim tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu Cơ quan phát triển quy hoạch quốc gia (Bappenas) thực hiện nghiên cứu tiền trạm cho việc dời đô. Bambang Brodjonegoro, người đứng đầu Bappenas nói: “Dứt khoát là chúng tôi sẽ đặt thủ đô mới ở bên ngoài Đảo Java”. Java là một hòn đảo với hình dáng chạy dài, nơi cư ngụ của khoảng 250 triệu dân, chiếm đến 60% dân số. Tuy nhiên, đây là nơi có vành đai núi lửa Thái Bình Dương nổi tiếng với những vụ phun trào kèm theo địa chấn và thảm họa sóng thần từ phía bờ Tây của hòn đảo.

Những khâu quyết định

Người ta không thể đổ lỗi tình trạng ngập lụt cho biến đổi khí hậu, vì mực biển dâng mỗi năm tại Jakarta là rất nhỏ, chỉ 3,2 milimet. Trong khi đó, các tác động của con người làm thành phố này lún xuống qua mỗi năm. Những tình trạng sụt lún tương tự cũng đã từng xảy ra với Tokyo (Nhật Bản) và các thành phố lớn khác ở châu Á. Tuy nhiên, việc làm tốt chuyện quản lý đô thị đã làm cho tốc độ lún của một số thành phố bị kìm lại, đặc biệt là tại Tokyo và Bangkok (Thái Lan). Trong những năm 1980, Bangkok lún xuống bình quân đến 12 cm mỗi năm. Chỉ với việc chính quyền thành phố giới hạn khai thác nước ngầm từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu m3 mỗi ngày, độ lún đã hạ xuống chỉ còn từ 1 đến 2 cm mỗi năm.

Ngược lại, chính quyền Jakarta nay không thể làm gì do đã buông lỏng quản lý đô thị trong một thời gian dài. Áp lực của nền đất lún đang đè lên trên những hệ thống dẫn gas, dẫn nước, thoát nước. Quá trình này gây ra gãy vỡ trong kiến trúc hạ tầng cùng nguy cơ cháy nổ và sự xâm nhập của dòng nước mặt ô nhiễm làm bẩn tầng nước ngầm. Những vấn đề đó ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người và kiến trúc thành phố bên trên và dẫn đến những hệ lụy xa hơn như việc vào nguồn nước uống và nước tưới cho cây trồng bị nhiễm mặn, cùng với đó là những trận dịch lớn nhỏ hoành hành giữa một thành phố văn minh. Đối với tình trạng hiện tại, Jakarta không có tài nguyên để khắc phục và buộc phải tính tới chuyện dời đô đến một thị trấn nhỏ ở tận miền Trung Kalimantan trên đảo Borneo.

Hoàng Xuân Phương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275286/bai-hoc-tu-jakarta.html