Bài học từ địa phương cán đích đầu tiên về bồi dưỡng giáo viên trực tuyến

Bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 là một điểm nhấn đáng chú ý của ngành Giáo dục Thái Bình trong năm học 2019-2020.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Chia sẻ của bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thái Bình, trong năm học vừa qua, sở GD&ĐT đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tham gia tập huấn Chương trình GDPT năm 2018; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018 (modun 1) và thay SGK lớp 1 cho 2.486 giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021.

Thái Bình là tỉnh về đích đầu tiên hoàn thành mục tiêu 100% giáo viên dạy lớp 1 được bồi dưỡng modul 1 trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến.

Chia sẻ bài học để hoàn thành tốt công tác này, bà Trần Thị Bích Vân cho rằng, yếu tố đâu là là sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, chính quyền địa phương các cấp về việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý của sở GD&ĐT, của các phòng GD&ĐT huyện, thành phố nhiệt tình, có trách nhiệm trong công tác, được tiếp cận nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chương trình GDPT 2018.

Để triển khai có hiệu quả bồi dưỡng giáo viên, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thái Bình cũng cho rằng, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung Chương trình GDPT 2018; đồng thời nêu lên khó khăn cần khắc phục nhằm triển khai Chương trình được tốt nhất.

Bên cạnh làm tốt công tác phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong việc tổ chức đánh giá chất lượng tập huấn giáo viên đại trà; phối hợp, tranh thủ sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của Viettel Thái Bình trong tác bồi dưỡng tập huấn, giáo viên, việc lựa chọn đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán là vô cùng quan trọng.

“Cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán là hạt nhân tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dạy học chương trình, SGK mới. Đối tượng này sau khi được tập huấn sẽ thực hiện việc giảng dạy, truyền kinh nghiệm cho các thành viên trong nhà trường thông qua việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học, lấy đó làm hình thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thường xuyên của từng giáo viên và tập thể giáo viên.” – bà Trần Thị Bích Vân cho hay.

Lưu ý tổ chức tập huấn, triển khai lại đến từng giáo viên, bà Trần Thị Bích Vân cũng nhấn mạnh chú trọng việc bồi dưỡng qua mạng internet kết hợp trực tiếp giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thực hành các kỹ năng; phối hợp cùng đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường; chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung và hình thức sinh hoạt tổ/ nhóm chuyên môn theo hoạt động nghiên cứu bài học.

“Cũng cần hết sức quan tâm việc động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự học tự bồi dưỡng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng.” - Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thái Bình chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bai-hoc-tu-dia-phuong-can-dich-dau-tien-ve-boi-duong-giao-vien-truc-tuyen-QpPTHepMg.html