Bài học tin dân, trọng dân vẫn còn nguyên giá trị

Thành công của Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 đã để lại nhiều bài học lịch sử quý giá. Bài học lớn nhất vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay chính là phải có những hành động cụ thể để củng cố niềm tin, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Đó là nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Tin dân, trọng dân
73 năm đã qua, nhưng ý nghĩa, bài học từ thành công của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 đến nay vẫn còn tươi mới. Ông có thể phân tích, làm rõ hơn những bài học ấy?
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc ta được kế thừa, phát huy lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén tạo thời cơ và chớp thời cơ ngàn năm có một, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách mạng Tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta và là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, Nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong những bài học lịch sử từ Cách mạng tháng Tám, bài học lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi đổi mới, chính là bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, đúng như Bác Hồ đã nói: Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân.
Thực tế lúc bấy giờ, số lượng đảng viên ít ỏi, về vũ khí cũng đơn sơ; kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh đói kém, gần 2 triệu người chết đói. Trong bối cảnh ấy, biết phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp được người dân đồng lòng dưới cờ Đảng thì khó khăn, thử thách đến đâu cũng sẽ giành được thắng lợi. Trong thời khắc vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta lúc đó có hơn 5000 đảng viên, trong đó chỉ hơn 1.000 đảng viên đang hoạt động bên ngoài, nhưng bằng việc tuyên truyền để dân hiểu, dân tin nên đã huy động được hơn 20 triệu người đứng lên giành chính quyền. Qua đó mới thấy tiếng nói của Đảng mạnh mẽ thế nào. Người dân hoàn toàn tin tưởng Đảng là hiện thân của độc lập, của tự do, của giải phóng, đem lại ấm no hạnh phúc, cho nên nghe theo tiếng gọi của Đảng.

Quang cảnh Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Vậy trong thời điểm hiện nay, để những bài học của Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 tiếp tục phát huy hiệu quả, theo ông có những điểm gì cần lưu ý?
- Trong thời đại ngày nay, những bài học của Cách mạng tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Như trong bài học về xây dựng Đảng, bây giờ chúng ta có khoảng hơn 4,5 triệu đảng viên, lực lượng hùng hậu hơn rất nhiều lần, người dân lại có trình độ nhận thức, có phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày, hàng giờ tác động, vậy làm sao uy tín của Đảng thuyết phục người dân là vấn đề đặt ra. Chúng ta phải soi lại những bài học từ lịch sử, nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại khi đất nước đang đổi mới và hội nhập, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm đã có, mà còn phải luôn xây dựng và chỉnh đốn, giữ trong sạch, vững mạnh, đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xứng đáng với vai trò tiền phong. Khi dân đã tin, sẽ ủng hộ hết lòng, đó là điểm tựa vững chắc nhất để cùng với Đảng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bài học về huy động sức dân, tin dân, trọng dân cũng cần được coi trọng. Hiện nay, lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền tại một số nơi đang bị thử thách, thậm chí giảm sút nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, Đảng phải tìm hiểu, biết người dân mong chờ gì để có đường lối, chủ trương đúng, mới tạo dựng được sự ủng hộ của người dân, biết ưu tiên điều gì trong lãnh đạo để huy động sức dân. Điều quan trọng là phải có những hành động cụ thể để người dân tin tưởng. Câu khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” phải biến thành hành động thực tế, không còn chỉ là hô hào.
Trọng dụng người tài, đức
Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, công tác cán bộ rất được coi trọng. Nhiều tài liệu cũng chỉ rõ, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng việc tìm kiếm người tài, đức. Qua nghiên cứu từ lịch sử, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Như một câu nói của Bác Hồ vẫn được nhắc đến “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy, đầu năm 1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập thay cho Chính phủ kháng chiến, Bác Hồ đã rất quan tâm mở rộng tìm kiếm và trọng dụng cả những người tài dù họ chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hay nói cách khác, Bác đã cố gắng tập hợp những tinh hoa của đất nước. Trong Chính phủ mới khi đó có những người không phải là đảng viên cộng sản. Đây là Chính phủ đại diện cho các giới, các tầng lớp. Tiêu biểu có hai trường hợp là cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau này làm quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang thăm Pháp và Luật sư Phan Anh, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đó, cũng không phải có một cơ quan nào ngồi làm “quy trình” từ dưới lên trên, mà do Bác, Bác theo dõi, cảm nhận, đánh giá và đề nghị những người tài ra giúp dân, giúp nước.
Tư tưởng của Bác về trọng dụng người tài được thể hiện rất rõ. Bác luôn muốn có người tài, nhưng người tài phải có đức. Nếu người tài được trọng dụng mà không có đức thì có khi lại gây hại cho đất nước. Thời kỳ đó, nhiều người có quan điểm ngược với Bác, nhưng Bác vẫn đưa vào Chính phủ với mục tiêu phụng sự Nhân dân, phụng sự đất nước. Điều này thì thế hệ sau phải học và làm theo Bác.
Là người sâu sát, gần gũi với cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiểu được thực tiễn công tác và sớm lường trước các nguy cơ cán bộ hư hỏng, suy thoái. Trong bức thư Người gửi cho các đồng chí cán bộ ở Bắc Bộ, trong đó Bác đã cảnh báo là “chớ vác mặt làm quan cách mạng”. Tức là đừng tưởng rằng mình có chức tước thì ban phát cho dân, lên mặt với dân. Ngay từ thời điểm đó, Bác đã yêu cầu cán bộ các cấp phải gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Bác nói chính quyền này là chính quyền do Nhân dân cử ra để phục vụ Nhân dân, như câu nói chúng ta hay nhắc đến “cán bộ phải là công bộc của dân”. Quan điểm của Bác cũng là quan điểm của Đảng trong xây dựng Chính phủ “gần dân, thân dân”. Đồng thời phải liêm chính, tận tâm, trách nhiệm để phụng sự đất nước.
Hiện nay, Đảng cũng đang có nhiều giải pháp để tiếp tục củng cố niềm tin trong Nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ có tài và có đức. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả thực tế của vấn đề này?
- Trong những năm vừa qua, Đảng đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa 11, Khóa 12); đã xử lý hàng loạt cán bộ vi phạm. Có thể nói rằng, trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa có giai đoạn nào chúng ta xử lý nhiều cán bộ kể cả cấp cao như thế. Điều đó mang lại niềm tin trong Nhân dân về việc xử lý tham nhũng, thoái hóa… không có vùng cấm. Đây là việc tích cực, nhưng người dân còn mong muốn hơn nữa. Đảng phải quyết tâm rà soát, làm rốt ráo hơn nữa, dùng đúng người, sử dụng đúng cán bộ, đúng chức năng; xử lý kiên quyết hơn nữa những người vi phạm, thực sự làm trong sạch đội ngũ.
Như tư tưởng Bác về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tôi nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay vẫn phải gương mẫu thấm nhuần hơn nữa, đặc biệt phải “dưỡng liêm”, làm những việc có ích cho tập thể, cộng đồng để mang lại niềm tin trong Nhân dân hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguyen-vien-truong-vien-lich-su-dang-pgsts-nguyen-manh-ha-bai-hoc-tin-dan-trong-dan-van-con-nguyen-gia-tri-324238.html