Bài học Sri Lanka sụp bẫy 'Một vành đai-Một con đường'

Với kiểu đầu tư kiểu 'Bẫy nợ', 'Bẫy đầu tư'; Bắc Kinh đã khiến Sri Lanka 'vỡ nợ', buộc phải bán cảng Hambantota cho Trung Quốc trong vòng 99 năm.

Cảnh báo hoạt động của Trung Quốc ở cảng Hambantota

Hoạt động đầu tư vào Hambantota Port, một liên doanh giữa Trung Quốc và Sri Lanka, đã phát triển nhanh với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng của Sri Lanka đã bị nghi ngờ là có một số động cơ khác.

Cảng Hambantota thuộc thành phố cảng cùng tên ở phía nam đất nước Sri Lanka, với dân số vẻn vẹn vài chục ngàn người. Cảng Hambantota có một vị trí chiến lược, chỉ cách tuyến đường hàng hải Đông-Tây trong khu vực Ấn Độ Dương, vài dặm về phía bắc.

Đây cũng là tuyến vận tải đường biển mà hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua. Một cảng biển ở đây sẽ là yếu tố liên kết quan trọng trong "chuỗi ngọc trai trên biển" mà Trung Quốc bắt đầu "xâu kết" lại dọc theo "Con đường tơ lụa trên biển".

Ngày 29/07/2017, Cơ quan Quản lý cảng Sri Lanka (SLPA) tổ chức lễ ký kết văn kiện chuyển nhượng 70% cổ phần cảng nước sâu Hambantota cho tập đoàn China Merchants Port Holdings (CM Port, hoặc CMPH) của Trung Quốc [có trụ sở đặt tại Colombo - thủ đô của Sri Lanka].

Với hợp đồng trị giá 1,12 tỷ dollars, tập đoàn của Trung Quốc đã nhận được quyền kiểm soát 85% giá trị cảng Hambantota. Khoản tiền vừa nhận lại được chính quyền Colombo sử dụng để thanh toán một phần khoản nợ 6 tỷ USD khác, trước đó họ đã vay của Trung Quốc.

Theo các phương tiện truyền thông quốc tế, Trung Quốc đang nuôi “ý định quân sự” chứ không phải kinh tế tại cảng Hambantota, đồng thời, "bẫy nợ" của Bắc Kinh đang được sử dụng để tìm cách buộc Sri Lanka phải bàn giao cảng Hambantota cho Trung Quốc sử dụng với mục đích quân sự.

Cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc sẽ sử dụng cảng Hambantota của Sri Lanka cho mục đích quân sự

Cộng đồng quốc tế nghi ngờ Trung Quốc sẽ sử dụng cảng Hambantota của Sri Lanka cho mục đích quân sự

Hiện tại, Bắc Kinh mới chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài là Căn cứ Bảo đảm Hải quân ở Cộng hòa Djibouti, một quốc gia nằm ở vùng Sừng châu Phi, chính thức khai trương tháng 8 năm 2017. Và rất có thể, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để được phép sử dụng cảng biển Hambantota của Sri Lanka làm trạm trung chuyển cho lực lượng hải quân nước này ở Ấn Độ Dương, trên hành trình từ Biển Đông đến châu Phi.

Tuy nhiên, các chính trị gia Sri Lanka không tin vào những cảnh báo của giới truyền thông, họ không nghĩ rằng mục đích của Trung Quốc là như vậy.

Giới chức lãnh đạo Sri Lanka khẳng định, cảng Hambantota là một dự án thương mại, không có mục đích quân sự. Colombo hoan nghênh các công ty từ bất kỳ quốc gia nào đến đây để sử dụng các cơ sở cảng. Hiện tại, đất nước này đã hoạch định một kế hoạch phát triển cho khu vực phát triển kinh tế đặc biệt của cảng Hambantota.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết, cảng Hambantota là một liên doanh giữa Colombo và Bắc Kinh. Vì kinh nghiệm quản lý và đầu tư hạn chế nên Sri Lanka đã hợp tác với Tập đoàn “China Merchants Port Holdings” của Trung Quốc để khai phá hết tiềm năng của cảng này.

Trong thông báo ngày 28/07/2017, ông Ranil Wickremesinghe nói rằng, việc bán cảng nước sâu Hambantota cho đối tác Trung Quốc là một nỗ lực để giảm bớt nợ nước ngoài của chính quyền Colombo.

Thủ tướng Sri Lanka nhấn mạnh, thỏa thuận này càng có ý nghĩa do đôi bên cùng quản lý và khai thác cảng. SLPA và CM Port sẽ phối hợp điều hành cảng Hambantota của Sri Lanka trong vòng 99 năm. Đối tác Trung Quốc bảo đảm khâu phát triển thương mại và đầu tư, còn phía Sri Lanka đảm trách vấn đề an ninh cảng.

Cựu Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa nói rằng, các công ty Trung Quốc hợp tác với Sri Lanka trên cơ sở các nguyên tắc thương mại, trên cơ sở “bình đẳng và cùng có lợi”. Các khoản vay cho các dự án quy mô lớn này là các khoản vay dài hạn, được cung cấp với lãi suất ưu đãi và không có bẫy nợ nào.

Vị cựu tổng thống Sri Lanka nay là lãnh đạo phe đối lập cho biết: “Tôi không tin rằng Trung Quốc có bất kỳ chương trình nghị sự quân sự nào liên quan đến sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường’, sự phát triển của Trung Quốc là do sức mạnh kinh tế chứ không phải do sức mạnh quân sự”.

Theo ông, tuyên bố về cái gọi là "bẫy nợ" của Bắc Kinh và cái gọi là "mạng lưới căn cứ quân sự trên biển” chạy từ Trung Quốc đến Ấn Độ Dương, qua châu Á, tới châu Phi, chỉ là một công cụ tuyên truyền của các đối thủ cạnh tranh chống lại Trung Quốc.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bai-hoc-sri-lanka-sup-bay-mot-vanh-dai-mot-con-duong-3378276/