Bài học sau thất bại

Bức thư thầy hiệu trưởng ở Tuyên Quang động viên học trò khi em này là học sinh duy nhất trong đội tuyển của trường không đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh không chỉ gói gọn tình cảm thầy, trò.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Qua đó còn cho thấy thầy cô đã thay đổi trong việc nhìn nhận, đánh giá học sinh.

Nói như ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), thầy hiệu trưởng sống có lòng trắc ẩn, xử lý nhân văn, tất cả vì học trò của mình.

Thực tế, cha mẹ, thầy cô giáo thường kỳ vọng các con đạt được kết quả cao trong các kỳ thi nói riêng và học tập nói chung, nhưng ít khi chúng ta giáo dục các con đối diện với áp lực, thậm chí là thất bại để nỗ lực vươn lên. Ai cũng hiểu, cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta những khó khăn thử thách, đòi hỏi chúng ta phải đối diện và vượt qua. Do đó, thay vì nản lòng sau mỗi lần thất bại, chúng ta cần rút ra bài học để khắc phục và nỗ lực vươn lên. Đó mới là chiến thắng vĩ đạt nhất. Đây cũng là mục đích Chương trình GDPT mới hướng tới.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhấn mạnh: Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Còn nhớ, một thời gian dài, chúng ta đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng các bài kiểm tra, chấm điểm liên tục. Từ đó xếp loại, đánh giá về chất lượng học tập và chất lượng giáo dục của các nhà trường. Thực chất, đây là cách đánh giá thông qua bài kiểm tra, thi cử, chấm điểm, nhằm xem xét kết quả của học sinh sau một giai đoạn học tập nhất định. Thi học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh, thành phố hàng năm là biểu hiện rõ nhất của hình thức đánh giá này.

Đối ngược với đánh giá kết quả học tập của học sinh là đánh giá theo quá trình học tập. Giáo viên chủ yếu dùng biện pháp quan sát, ghi chép hay phản hồi thường xuyên thông qua nhận xét bằng lời nói hoặc chữ viết chuyển tới học sinh. Đánh giá kết hợp và tham khảo cha mẹ học sinh, học sinh tự đánh giá hoặc các em đánh giá lẫn nhau.

Cũng có thể hiểu theo cách khác, đánh giá theo quá trình học tập của học sinh được sử dụng liên tục trong quá trình dạy học để nhận được các phản hồi từ phía người học, xem mức độ thành công, chỉ ra những khó khăn, trở ngại để tìm cách khắc phục nhằm cải tiến phương pháp dạy – học.

Giáo dục tiếp cận năng lực của người học, nhất thiết phải sử dụng dạng thức đánh giá theo quá trình học tập của học sinh, bởi vì dạng thức đánh giá này có giá trị phản hồi rất cao. Đáng mừng, những năm gần đây ở bậc tiểu học và sắp tới ở bậc THCS và THPT sẽ thực hiện đánh giá theo quá trình học tập – phù hợp với định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bai-hoc-sau-that-bai-20200708101921915.html