Bài học quản lý từ hộp pate

Vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến tôi nhớ lại mấy lọ ruốc nấm cùng nhãn hiệu mình từng mua.

Cảm giác là thấy mình may mắn vì mình không bị làm sao và bác hàng xóm mà tôi biếu lọ ruốc nấm cũng không gặp vấn đề gì. Từ bao giờ, người tiêu dùng khi mua đồ ăn cứ phải tùy vào sự hên xui như vậy. Cùng nhãn hiệu nhưng hên thì mua đúng đồ ăn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Xui thì mua phải đồ ăn nhiễm khuẩn, nhiễm độc dẫn tới nhập viện, thậm chí mất mạng. Kể cả khi cố làm người tiêu dùng thông minh, cũng không tránh khỏi lúc mất cảnh giác.

Theo Cục An toàn Thực phẩm, tính từ đầu năm tới 31/5, cả nước xảy ra 48 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan 870 người, trong đó 824 người phải nhập viện và 22 người tử vong. Vụ ngộ độc pate Minh Chay với tính chất nghiêm trọng lại một lần nữa trở thành lời cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm “nan y” ở Việt Nam.

Vụ ngộ độc pate Minh Chay (sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, trụ sở ở Đông Anh, Hà Nội) được các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phát hiện sau khi tiếp nhận các bệnh nhân vào điều trị. 9 bệnh nhân nặng ở ba viện này được chẩn đoán nhiễm độc tố Botulinum, chất độc mạnh nhất thế giới và có trong hộp pate Minh Chay. Ăn hộp pate nhiễm độc đã khiến họ khó thở, liệt cơ, khó nuốt, sụp mi mắt, có người phải thở máy…

Dù Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ lớn đến nhỏ nhưng khi cứ có vụ nào thì có cảm giác các cơ quan chức năng liên quan vẫn tỏ ra lúng túng trong giải quyết. Nguyên nhân một phần vì sự chồng chéo trong quản lý mảng an toàn vệ sinh thực phẩm và khi có vụ việc thì lại mất nhiều thời gian phối hợp xử lý. Cụ thể, ba bộ liên quan tới quản lý và giải quyết các vụ việc liên quan an toàn vệ sinh thực phẩm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (nơi cấp phép), Bộ Công thương (nơi thanh tra, kiểm tra), và Bộ Y tế (nơi xử lý vụ việc).

Từ ngày 19/8, đã có thông tin về ca nhiễm độc Botulinum do Bệnh viện Bạch Mai đưa ra và cơ sở sản xuất bị đình chỉ. Tới ngày 28/8, có kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu pate Minh Chay chứa vi khuẩn tạo độc tố Botulinum. Từ ngày 19/8 tới 28/8, tức là đã qua 9 ngày từ khi cơ sở sản xuất bị đình chỉ, Cục An toàn Thực phẩm mới phát cảnh báo người tiêu dùng không ăn sản phẩm pate Minh Chay.

Khi bị dư luận báo chí chất vấn vì cảnh báo quá muộn, lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm khẳng định đã hành động trách nhiệm, “đúng quy trình” và cân nhắc lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh vụ ngộ độc có tính chất nghiêm trọng thì “đúng quy trình” lại gây mất thời gian, khiến trong những ngày mà cục này làm theo quy trình, một số người dân vẫn không biết và vẫn mua sản phẩm Minh Chay về sử dụng.

Và khi Cục An toàn Thực phẩm sợ “cảnh báo nhầm” vì chưa có kết quả xét nghiệm và có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp, có một quan chức ở TP. Hồ Chí Minh nói rằng nếu vụ việc xảy ra trên địa bàn mình, thà cảnh báo nhầm còn hơn để nguy hiểm đến tính mạng người dân. Xét cho cùng, lợi ích sức khỏe đa số người dân vẫn quan trọng hơn lợi ích kinh tế thiểu số của một doanh nghiệp.

Trong vụ ngộ độc nghiêm trọng như ngộ độc pate Minh Chay, yếu tố khẩn trương là quan trọng nhất. Bài học là khẩn trương cảnh báo người tiêu dùng càng sớm càng tốt, khẩn trương thu hồi sản phẩm và giải quyết hậu quả, chứ không phải “khẩn trương” đá quả bóng trách nhiệm cho nhau như vẫn thường thấy trong các vụ việc.

Ngoài ra, một vấn đề cũng rất quan trọng là cần có kênh thông tin phổ biến một cách rộng rãi nhất cho mọi đối tượng người tiêu dùng. Trong vụ việc nghiêm trọng như pate Minh Chay, dù thông tin cảnh báo được phát qua trang web của Cục An toàn Thực phẩm (đơn vị trực tiếp liên quan vấn đề), nhưng tôi tin rằng đa số người tiêu dùng biết thông tin không phải qua trang này mà chủ yếu qua báo đài, mạng xã hội. Dù thông tin phủ rộng nhưng vẫn có trường hợp như ni cô ở Quảng Nam không dùng mạng xã hội, không có thông tin nên vẫn ăn pate Minh Chay rồi phải nhập viện.

Do đó, có lẽ sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn nếu có thêm nhiều trang web để cảnh báo về mọi loại sản phẩm, thực phẩm có vấn đề. Các trang web này cần cập nhật liên tục để khi có nhu cầu tra cứu là người tiêu dùng có thể tìm thấy thông tin có hệ thống, chứ không chỉ là thông tin theo vụ việc như trên báo chí phản ánh.

Như ở Mỹ, lúc cần tìm hiểu thông tin cảnh báo về thực phẩm, dược phẩm là người ta nghĩ ngay tới trang web của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nổi tiếng. Trong trang web, người tiêu dùng có thể tìm thấy mọi thông tin cảnh báo về các loại thực phẩm, dược phẩm không an toàn, bị thu hồi trên thị trường, chi tiết tới tên nhãn hiệu, tên công ty sản xuất và lý do cảnh báo.

Còn ở Việt Nam, khi mà các cơ quan chức năng chưa thể phối hợp nhịp nhàng trong quản lý an toàn thực phẩm, khi mà vẫn chưa có cơ quan nào quyền lực và nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý thực phẩm, dược phẩm như FDA ở tận nước Mỹ, thì người tiêu dùng có lẽ vẫn còn dựa vào hên xui, niềm tin và cảnh báo truyền miệng.

Thùy Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/bai-hoc-quan-ly-tu-hop-pate-20200907124535995.htm