Bài học quả thanh long

Quả thanh long Việt Nam vẫn đang chịu nhiều 'trắc trở' về giá cả trên thị trường.

Ảnh: NHD.

Khoảng 10 ngày về trước, khi loại thanh long trồng đại trà, thu hoạch đại trà và cũng được bán đại trà, bị rớt giá xuống còn từ 1.500-2.000 đồng/kg; thì một số đầu mối thu mua xuất khẩu vẫn đang mua vào loại thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP ở mức giá 30.000 đồng/kg, còn thanh long organic (trồng theo phương pháp hữu cơ) đạt chứng chỉ GlobalG.A.P được xuất khẩu với mức giá từ 90.000-120.000 đồng/kg. Vì sao hàng đống quả thanh long “rẻ thối”, trong khi có những loại giá vẫn cao, người trồng vẫn có lợi nhuận tốt?

Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải. Cụ thể, trong những đống quả thanh long bị thừa mứa không xuất khẩu được và cũng chẳng mấy người mua, không ít trong số đó là hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phẩm cấp không cao thậm chí kém.

Nhiều Cty chuyên xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc đã “đính chính” thông tin: Thời gian qua không phải thị trường này ngừng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, mà là họ siết chặt về chất lượng, các yếu tố nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu qua biên mậu với Việt Nam cũng được kiểm soát chặt hơn, phía Trung Quốc chỉ cấp phép xuất khẩu cho một số doanh nghiệp Việt Nam với số lượng nhất định. Như vậy có thể thấy, kiểu trồng và thu hoạch đại trà, thiếu các quy trình kiểm soát từ chất lượng, tiêu chuẩn an toàn đến kiểm dịch v.v… sẽ ngày càng khó có đất sống.

Nhưng còn một nguyên nhân quan trọng khác, là trong những năm qua Trung Quốc cũng đã phát triển diện tích trồng thanh long. Từ tháng 5-11 là khoảng thời gian Trung Quốc thu hoạch thanh long, với sản lượng từ tổng diện tích khoảng 36.000ha tương đương với diện tích trồng thanh long tại Việt Nam, họ đã đáp ứng được phần nào nhu cầu nội địa, từ đó càng có cơ sở để tăng cường kiểm soát nguồn thanh long nhập từ Việt Nam.

Tuy nhiên những thông tin trên, người dân trồng thanh long ít được tiếp cận. Cơ quan nào có trách nhiệm mang những thông tin đó đến cho người nông dân; rồi tư vấn, khuyến cáo để họ tính toán diện tích trồng phù hợp nhằm có điều kiện hơn trong việc thay đổi quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng?

Và ai, sẽ làm công tác định hướng, giải thích để người nông dân trồng thanh long hướng đến những thị trường khác thay vì cứ trông chờ vào “thiên đường nhập khẩu” là Trung Quốc vốn cũng đang yêu cầu khắt khe hơn?

Người nông dân có thể tiếp nhận bài học đắt giá, nhưng để rút ra được bài học một cách nhanh chóng và hữu ích thì phải nhờ cậy vào các tổ chức, cơ quan về quy hoạch, quản lý nhà nước về cây trồng và xúc tiến thương mại.

THẨM HỒNG THỤY

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/bai-hoc-qua-thanh-long-636668.ldo